Khám phá khu bảo tồn Chư Yang Sin ở Đắk Lắk
Khu bảo tồn Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đắk Lắk từ lâu được xem là mẫu chuẩn cho hệ sinh thái Tây Nguyên. Khu bảo tồn này được thành lập năm 2002, nổi tiếng có cảnh quan hùng vĩ, với hệ sinh thái quý hiếm, độc đáo là điểm du lịch Đắk Lắk rất hấp dẫn với du khách yêu thiên nhiên.
Khu bảo tồn Chư Yang Sin có tổng diện tích lên tới 58947 ha, được phân thành 3 phân khu gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và cuối cùng là phân khu phục vụ hành chính.
Khu bảo tồn cũng được phân bố thành 9 kiểu rừng khác nhau như kiểu rừng kín xanh mưa ẩm nhiệt đới, kiểu rừng cây lá kim, kiểu rừng lùn trên núi cao…với hệ thống động thực vật rất đa dạng.
Khu bảo tồn Chư Yang Sin còn được biết đến là nơi có hàng trăm cây dược liệu quý, hàng trăm cây thực phẩm tự nhiên, hàng chục loài thú, hàng trăm loài chim, cá, bò sát….Trong đó, phải kể đến những cái tên như hồng hoàng, quạ khách đuôi cờ, bói cá lớn, niệc đầu trắng,…là những loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Và rất nhiều loài động vật đứng trên bờ vực tuyệt chủng cũng có mặt tại đây gồm bò tót, vượn đen má vàng, beo lửa, vượn má hung, mi núi Bà,…
Bên cạnh cảnh quan hùng vĩ, du khách còn tìm thấy ở đây nhiều điều để khám phá vùng đất độc đáo với bản sắc văn hóa đa dạng của 25 dân tộc anh em đang sinh sống quanh đây. Hành trình cũng sẽ là một chuyến đi đầy trải nghiệm thú vị, khi được hòa mình trong không gian văn hóa Cồng chiêng, một điểm điểm nhấn đặc biệt không thể bỏ lỡ khi về vùng đất này.
Về lịch sử, Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin được thành lập theo Nghị Định 194/CT, ngày 9/8/1986, của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ) với diện tích là 59.278 ha, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 19.401 ha, và phân khu phục hồi sinh thái 39.877 ha. Đến năm 2002, Chư Yang Sin được nâng cấp lên thành vườn quốc gia theo theo quyết định Số: 92/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích tự nhiên là 59.278ha.
Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin hiện đang bảo vệ diện tích rừng thường xanh rộng lớn thuộc lưu vực sông Srepok, là một chi lưu của sông Mêkông. Với địa hình trải rộng và được rừng che phủ trên đai cao từ khoảng 600 m đến đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442 m. Đỉnh núi Chư Yang Sin hùng vĩ đã được mang tên là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum.
Vốn là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng và cao nguyên, nên địa hình ở vườn quốc gia Chư Yang Sin có độ che phủ cao, và bị chia cắt mạnh tạo nên những cảnh quan ngoạn mục hiếm có. Đó là hình ảnh hơn 40 dãy núi cao, thấp trùng điệp, đó là những thảm rừng mênh mông với rất nhiều suối, thác đan xen.
Tất cả tạo nên một Chư Yang Sin như một bức tranh sơn thủy hoàn chỉnh, hữu tình mà điểm nhấn chính là đỉnh Chư Yang Sin cao 2442 mét, vốn được xem là nóc nhà thứ hai ở Tây Nguyên. Khu bảo tồn Chư Yang Sin có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Với rất nhiều vai trò, rất nhiều tiềm năng như thế, nên khu bảo tồn Chư Yang Sin hàng năm đón rất nhiều khách du lịch tìm về thăm.
Có 11 xã được xác định là vùng đệm của vườn quốc gia thuộc hai huyện Krông Bông và huyện Lăk. Với 25 nhóm dân tộc cùng chung sống trong vùng đệm, trong đó hai nhóm dân tộc bản địa là M’Nông và Ê đê. Nhiều nhóm dân tộc ở đây dư cư từ các tỉnh phía bắc Việt Nam vào từ những năm 1980 như: Mường, Tày, Thái, Nùng .. tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, đặc biệt không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và những bản sử thi - văn hóa truyền khẩu bất hủ, không nơi nào có được.
Muốn đến tham quan, du lịch Vườn quốc gia, du khách đi theo Quốc lộ 27 từ Đà Lạt hay từ Buôn Ma Thuột đến thị trấn Liên Sơn, huyện lỵ của huyện Lak, từ đây có đường mòn dẫn đến chân núi Chư Yang Sin dài trên 20 km. Hy vọng trong tương lai, Vườn quốc gia Chư Yang Sin sẽ là một địa chỉ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao hấp dẫn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Với vai trò và tiềm năng thiên nhiên, văn hóa phong phú, hàng năm, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin thu hút khá đông khách du lịch, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến với mục đích khám phá cảnh quan cũng như nghiên cứu về sinh thái học, thực vật học. Dự kiến, trong thời gian tới, ngành du lịch Đắk Lắk sẽ khai thác các loại hình du lịch tham quan, về nguồn, mạo hiểm tại vườn và kết nối vườn với nhiều tuyến, điểm khác của tỉnh như Hồ Lắk, thác Krông Kmar, hang đá Đăk Tuor… để phục vụ du khách.
Bình luận