Vẫn còn có những vướng mắc mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành chưa được tháo gỡ

Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ và đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Khó khăn, bất cập về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang đề cập đến thực trạng khó khăn về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu thực trạng về những khó khăn, bất cập về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã phần nào phát huy tác dụng, tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành chưa được tháo gỡ.

Trước thực trạng trên, bà Vang đề nghị, ở những địa phương chưa cân đối được nguồn, thì cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định đối với quy hoạch đô thị và nông thôn được lập sau ngày 16/6/2022 và quy hoạch đã được bố trí một phần kinh phí, nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm có chủ trương thống nhất với Chính phủ để các bộ, ngành liên quan có sự đồng bộ trong hướng dẫn các địa phương áp dụng triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời và hiệu quả theo Nghị quyết số 61/2022/QH15.

Đề nghị thiết kế riêng một điều quy định về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Góp ý về yêu cầu trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, khoản 2 Điều 9 trong dự thảo Luật quy định nội dung quy định và yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn bảo đảm các vấn đề xã hội, cảnh quan, văn hóa và di sản để làm cơ sở đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất quy hoạch. Đề nghị xem xét thiết kế riêng một điều quy định yêu cầu về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; nhất là việc bảo đảm các yếu tố về xã hội, văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.

Khó khăn, bất cập về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, quy hoạch chung huyện quy định như dự thảo Luật là chưa rõ

Góp ý về quy hoạch chung huyện quy định tại Điều 27, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho biết, khoản 5 Điều 27 dự thảo Luật quy định: “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để xác định, lập dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung.” Quy định như dự thảo là chưa rõ và thiếu đồng bộ với các quy định của tại khoản 2 của Điều 27. Việc xây dựng quy hoạch chung của huyện còn làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chung của xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn… Do đó, cần bổ sung vào khoản 5 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Cụ thể, khoản này cần sửa như sau: “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong huyện và lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung cấp huyện”.

Về quy hoạch chung xã, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 27 về việc không yêu cầu lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã, mà chỉ lập riêng quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan; tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện, UBND cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện. Tuy nhiên, cần có thước đo chung về đặc thù (quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội) để thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, địa bàn tương liên trên cả nước và tránh việc lợi dụng, lạm dụng làm cản trở đến sự phát triển chung của đất nước.

Dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Khó khăn, bất cập về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung còn băn khoăn, có tính chất chuyên ngành sâu và cần được tiếp thu, chỉnh lý như: giải thích từ ngữ, phạm vi đối tượng hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch không gian ngầm, xử lý các trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn…

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, của các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật cùng hồ sơ tài liệu theo đúng quy định, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.”, ông Nguyễn Đức Hải cho biết./.