Không để “thiếu” tiền mặt dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu
Đảm bảo ngân hàng hoạt động thông suốt trong dịp Tết
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 10088/NHNN-VP về việc đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo công văn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài triển khai tích cực, hiệu quả nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào một số nội dung.
Thứ nhất là đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn có kế hoạch tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.
Thứ hai là tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng; kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, sẽ Không để “thiếu” tiền mặt dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu
Thứ ba là thống nhất thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để đảm bảo đủ tiền mặt cho ATM và nhu cầu thu, chi tiền mặt cần thiết đột xuất của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống kho quỹ và bố trí cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dịp Tết Nguyên đán.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tiếp tục duy trì các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.
Thứ năm, tại các tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống ATM, cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt nhưng phải đảm bảo an toàn để tránh dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm ATM. Cùng với đó, rà soát, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng ATM, đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM; giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM để bổ sung kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch tăng cao vào thời điểm giáp Tết; kịp thời xử lý các sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng. Chủ động theo dõi, kịp thời phản hồi các phản ánh của dư luận về những vấn đề phát sinh đối với dịch vụ ATM, tránh gây hiểu nhầm làm giảm lòng tin của khách hàng đối với dịch vụ thanh toán của ngân hàng.
Đặc biệt, công văn yêu cầu cần tăng cường cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động ATM nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng và khách hàng. Mặt khác, theo dõi sát diễn biến thu, chi tiền mặt trong toàn hệ thống để kịp thời xử lý, đáp ứng nhu cầu chi tiền mặt trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Bố trí cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Nghiêm cấm việc “tiếp tay” đổi tiền mới cho đối tượng kinh doanh
Đối với việc hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông (đã qua sử dụng) đang bảo quản trong kho, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển Sở giao dịch và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố để đưa ra lưu thông. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Cũng tại văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo, các đơn vị/ tổ chức trong toàn ngành Ngân hàng thực hiện quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải nghiêm túc, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch (kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…). Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn và xử lý kỷ luật những cán bộ vi phạm.
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng , chi nhánh Ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và thanh toán trong hoạt động ngân hàng; Đảm bảo hoạt động liên tục và an ninh bảo mật của hệ thống công nghệ thông tin; Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ và bảo vệ tài sản./.
Bình luận