TS. Phạm Thị Kim Thanh

Email: Thanhpham.neu@neu.edu.vn

Nguyễn Thị Lan Anh

Hà Quang Duy

Trịnh Hương Giang

Nguyễn Hiền Minh

Trần Bảo Mỹ Khang

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tóm tắt

Nghiên cứu xem xét tác động của người có ảnh hưởng (NCAH) trên mạng xã hội đến ý định du học của sinh viên đại học thông qua vai trò trung gian của động lực phát triển cá nhân tại Hà Nội, khía cạnh mà vai trò của người ảnh hưởng trong giáo dục đại học chưa được nghiên cứu nhiều. Áp dụng lý thuyết tự quyết (SDT), nghiên cứu đã khảo sát 574 sinh viên để đánh giá tác động của người ảnh hưởng đối với động lực phát triển cá nhân và quyết định du học. Kết quả nghiên cứu cho thấy NCAH tác động tích cực đến cả Động lực phát triển cá nhân Ý định du học, thông qua: Mức độ hấp dẫn; Mức độ thành công; Mức độ tương đồng; Mức độ tin cậy; Mối quan hệ với người theo dõi và cuối cùng là Mức độ chuyên gia.

Từ khóa: Người có ảnh hưởng, động lực phát triển cá nhân, du học, marketing qua người ảnh hưởng

Summary

The study examines the impact of social media influencers on university students’ intention to study abroad through the mediating role of personal development motivation in Hanoi - an aspect where the role of influencers in higher education has not been studied much. Applying self-determination theory (SDT), the study surveyed 574 students to assess the impact of influencers on personal development motivation and study abroad decisions. The results show that influencers positively impact personal development motivation and study abroad intention: Attractiveness; Success; Similarity; Trustworthiness; Relationship with followers, and Expertise.

Keywords: Influencers, self-development motivation, study abroad, influencer marketing

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, NCAH đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc định hình quan điểm của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên đại học. Thông qua sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 và các nền tảng kỹ thuật số, NCAH dễ dàng tiếp cận sinh viên hơn, tác động mạnh mẽ đến các quyết định liên quan đến con đường nghề nghiệp, phát triển cá nhân và mục tiêu giáo dục. Trong đó, du học đã trở thành một mục tiêu hấp dẫn đối với sinh viên được thúc đẩy bởi các cơ hội học thuật, sự tiếp xúc toàn cầu, sự phát triển cá nhân và sự công nhận xã hội.

Năm 2023, có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở bậc trung học phổ thông, đại học và sau đại học, tương đương khoảng 40.000 người đi học mỗi năm (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013) (Khánh Nguyễn, 2023). Những nước có số lượng lớn du học sinh Việt Nam theo học nhất gồm: Mỹ, với khoảng 23.000 sinh viên (Institute of International Education, 2022); Nhật Bản, với khoảng 70.000 sinh viên (Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản JASSO, 2022); Úc, với khoảng 21.000 sinh viên (Nội Vụ Úc, 2022); Hàn Quốc, với khoảng 30.000 sinh viên (Bộ Giáo dục Hàn Quốc, 2022) và Canada, với khoảng 20.000 sinh viên (Immigration, Refugees and Citizenship Canada, 2022). Khi chia sẻ trải nghiệm du học quốc tế của bản thân, NCAH làm cho việc học ở nước ngoài trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn, từ đó tạo động lực và thúc đẩy ý định du học của sinh viên. Những yếu tố như sức hút cộng đồng, kinh nghiệm và sự hữu ích của NCAH ngày càng trở nên quan trọng trong việc tác động đến quyết định du học của sinh viên.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của NCAH trong marketing cũng như động lực phát triển, nhưng tác động của NCAH đến ý định du học vẫn chưa được nghiên cứu sâu. Để thu hẹp khoảng trống này, nhóm nghiên cứu tập trung khám phá cách NCAH ảnh hưởng đến ý định du học thông qua vai trò trung gian của động lực phát triển cá nhân của sinh viên ở Hà Nội. Nghiên cứu sẽ làm rõ cách NCAH thúc đẩy động lực nội tại và ngoại tại, cũng như cảm nhận về khả năng kiểm soát hành vi liên quan đến việc du học.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

NCAH đã được chứng minh là có tác động quan trọng đến lối sống của sinh viên, thông qua chất lượng, khả năng tiếp cận và mối quan hệ (Lê và cộng sự, 2023). Bên cạnh đó, một số yếu tố, như: sức hấp dẫn cộng đồng, kinh nghiệm, chuyên môn và sự hữu ích được cảm nhận cũng có ảnh hưởng đến thái độ đối với những NCAH (Lê và cộng sự, 2022). Hơn nữa, quan điểm định hướng nghề nghiệp thay đổi theo từng ngành học, trong đó, sinh viên ngành nghệ thuật coi TikTok như một công cụ để sáng tạo và phát triển (Ngô và cộng sự, 2023). Đối với những du học sinh, sinh viên, các chính sách hỗ trợ, chất lượng giáo dục, các yếu tố văn hóa xã hội, điều kiện sinh hoạt và sự hỗ trợ từ gia đình đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định du học của họ (Hoàng Việt Đại, 2024).

Lý thuyết Tự quyết (Self-Determination Theory - SDT) được phát triển bởi 2 nhà nghiên cứu Deci và Ryan vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX (Deci và Ryan, 1985). Lý thuyết này xác định 3 nhu cầu tâm lý cơ bản: Nhu cầu tự chủ; Nhu cầu năng lực và Nhu cầu gắn kết. Tính tự chủ đề cập đến khả năng đưa ra quyết định và kiểm soát hành động của một người, tuy nhiên, sự tự chủ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi các hành động bị kiểm soát bởi phần thưởng hay hình phạt từ bên ngoài (Ryan và Deci, 2020). Khi những nhu cầu này được thỏa mãn, động lực nội tại sẽ xuất hiện, thúc đẩy sự phát triển và học tập của cá nhân. Mặt khác, những nhu cầu này nếu không được đáp ứng sẽ có thể dẫn đến cảm giác cô lập và mất tập trung. SDT được chia làm 2 loại: động lực nội tại (Intrinsic Motivation - IM) được thúc đẩy bởi sở thích bên trong và động lực ngoại tại (Extrinsic Motivation - EM) chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, như: phần thưởng, điểm số hay công nhận xã hội. Nghiên cứu về SDT, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng, động lực ngoại tại có thể chuyển thành động lực nội tại khi môi trường hỗ trợ tính tự chủ, phản hồi tích cực và kết nối xã hội. Trong bối cảnh hành vi của sinh viên, SDT cung cấp một khuôn khổ vững chắc để hiểu cách tính tự chủ và sự tham gia tự nguyện vào việc học có thể tăng cường động lực, dẫn đến các mục tiêu cá nhân như ý định du học. Theo Sun và Li (2012), động lực phát triển cá nhân là quá trình tâm lý phấn đấu để có nhận thức bản thân tích cực hơn, nhằm đạt được tiến bộ và phát triển. Học sinh có động lực phát triển cá nhân cao có nhiều khả năng theo đuổi các cơ hội học tập quốc tế để nâng cao kỹ năng và triển vọng nghề nghiệp của mình (Soutar và Turner, 2002).

Khi nghiên cứu về sức hấp dẫn của những NCAH, AlFarraj và cộng sự (2020) đã nghiên cứu trên 2 khía cạnh: tính cách và sự ngưỡng mộ, trong khi Kim, Seo và Kim (2009) nhận thấy rằng, nó thúc đẩy nhận thức tích cực và tăng cường động lực. Ngoài sức hấp dẫn, yếu tố trình độ chuyên môn được coi là có khả năng xây dựng lòng tin và thuyết phục (Waldt và cộng sự, 2009), từ đó ảnh hưởng đến mọi người để truyền cảm hứng và thúc đẩy những người theo dõi họ. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng, sự đáng tin cậy nhấn mạnh đến sự trung thực và nhất quán trong thông tin mà người có sức ảnh hưởng truyền tải (Ohanian, 1990), điều này củng cố niềm tin của những người theo dõi vào NCAH. Hơn nữa, thành công của những NCAH cũng góp phần đáng kể vào việc truyền cảm hứng cho những người theo dõi, thông qua việc học tập xã hội (Bandura, 1986); thúc đẩy họ làm theo các kế hoạch và hành động của NCAH để đạt được thành công tương tự và tăng động lực. Ngoài ra, sự tương đồng đề cập đến nhận thức của những người theo dõi về sự tương đồng với người có sức ảnh hưởng như khả năng, lối sống. Sự tương đồng lớn hơn sẽ thúc đẩy sự thu hút, tin tưởng và hiểu biết mạnh mẽ hơn (Ruef và cộng sự, 2003). Ở một khía cạnh khác, sự gần gũi giữa các cá nhân đề cập đến sự tương tác xã hội giữa NCAH và những người theo dõi trên phương tiện truyền thông xã hội và trong cuộc sống thực. Mối liên hệ này thúc đẩy sự quan tâm và tăng cường động lực tự phát triển của sinh viên (Chu và Kim, 2011). Do đó, 6 giả thuyết được đề xuất như sau:

H1: Sự hấp dẫn của những NCAH tác động tích cực đến Động lực phát triển cá nhân của sinh viên.

H2: Chuyên môn của những NCAH tác động tích cực đến Động lực phát triển cá nhân của sinh viên.

H3: Sự đáng tin cậy của những NCAH tác động tích cực đến Động lực phát triển cá nhân của sinh viên.

H4: Sự thành công trong sự nghiệp của những NCAH tác động tích cực đến Động lực phát triển cá nhân của sinh viên.

H5: Sự tương đồng giữa những NCAH và những người theo dõi họ tác động tích cực đến Động lực phát triển cá nhân của sinh viên.

H6: Mối quan hệ giữa những NCAH và những người theo dõi họ tác động tích cực đến Động lực phát triển cá nhân của sinh viên.

Cuối cùng, các đặc điểm của những NCAH, chẳng hạn như: sự hấp dẫn, chuyên môn, sự đáng tin cậy và thành công không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến ý định du học thông qua động lực phát triển cá nhân của sinh viên. Hơn nữa, Lee và Kim (2018) nhấn mạnh rằng, tác động của những NCAH đóng vai trò là chất xúc tác, định hình các quyết định trong tương lai như du học. Theo đó, các tác giả áp dụng STD để kiểm tra tác động tích cực của động lực phát triển cá nhân bản thân đối với ý định du học của sinh viên. Giả thuyết cuối cùng được đề ra như sau:

H7: Động lực phát triển cá nhân ở sinh viên tác động tích cực đến Ý định du học sau khi tốt nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích dữ liệu thu thập thông qua: kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy đa biến, nhằm kiểm định giả thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất. Thang đo được kế thừa từ nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Thủy (2024) và Zainab Al-Darraji (2020), kết hợp với quá trình thảo luận và khảo sát các đối tượng sinh viên từ các trường đại học tại Hà Nội – đây là những người đang theo dõi NCAH trên các nền tảng mạng xã hội để hiệu chỉnh các biến quan sát trong thang đo, để nội dung đơn giản, thuận tiện cho đối tượng khảo sát và mục đích nghiên cứu. Bảng hỏi được thiết kế dựa trên thang đo Likert 7 mức độ (từ 1- Hoàn toàn không đồng ý đến 7- Hoàn toàn đồng ý) với cỡ mẫu theo tỷ lệ tốt nhất khi phân tích EFA (Hair và cộng sự, 2010), nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của NCAH đến ý định đi du học thông qua động lực phát triển cá nhân của sinh viên tại Hà Nội.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất thuận tiện kết hợp phương pháp quả cầu tuyết (snowball) thông qua các cuộc khảo sát trực tuyến bằng biểu mẫu được tạo bằng Google Forms. Số phiếu thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 11/2024 đến tháng 01/2025. Theo Hoogland và Boomsma (1998), 200 là kích thước mẫu tối thiểu để một nghiên cứu sử dụng mô hình phương trình cấu trúc (SEM). Tổng số phản hồi thu về là 620, với 574 phản hồi hợp lệ, đạt tỷ lệ phản hồi là 92,5%.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định thang đo

Kết quả phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho thấy, các yếu tố độc lập và yếu tố phụ thuộc đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0,8. Theo Bảng 1, các chỉ số độ phù hợp của mô hình đều đạt mức chấp nhận được, các chỉ số đều thỏa mãn hoặc vượt qua các ngưỡng tiêu chuẩn do Hu và Bentler (1999) đề xuất. Tiếp theo, hệ số tải nhân tố được kiểm tra và các biến quan sát có hệ số tải nhân tố < 0,6 đều bị loại bỏ, có nghĩa là chỉ những biến quan sát có hệ số tải nhân tố > 0,6 được giữ lại. Vì vậy phân tích kết quả khảo sát cho thấy, các yếu tố độc lập và yếu tố phụ thuộc đều có hệ số tải nhân tố nằm trong khoảng 0,6-0,85. Như vậy, không có biến quan sát nào bị loại khỏi thang đo và các biến quan sát đều có chất lượng. Kết quả này phần nào đảm bảo giá trị hội tụ của dữ liệu thực nghiệm.

Bảng 1: Kết quả các chỉ số độ phù hợp của mô hình

Chỉ số

Kết quả

Ngưỡng chấp nhận

Chi-square

592,494

-

Bậc tự do

566

-

Chi-square/Bậc tự do

1,047

< 5

TLI

,997

> 0,9

IFI

,997

> 0,8

NFI

,943

> 0,9

RMSEA

,009

< 0,08

CFI

,997

> 0,9

Nguồn: Tính toán của các tác giả

Để củng cố thêm bằng chứng về giá trị hội tụ, độ tin cậy tổng hợp (CR) và phương sai trích trung bình (AVE) cũng được đánh giá. Theo Bảng 2, tất cả các giá trị CR và AVE đều vượt ngưỡng chấp nhận (0,7 đối với CR và 0,5 đối với AVE), cho thấy thang đo đạt độ tin cậy và giá trị cần thiết. Bên cạnh giá trị hội tụ, giá trị phân biệt cũng là một khía cạnh quan trọng cần được xem xét trong phân tích CFA. Giá trị AVE được so sánh với bình phương hệ số tương quan giữa các biến. Theo Bảng 2, tất cả các giá trị AVE đều > bình phương hệ số tương quan tương ứng, do đó có thể kết luận rằng, giá trị phân biệt được đảm bảo trong nghiên cứu này, thang đo hoàn toàn đạt giá trị hội tụ và giá trị phân biệt (Hair và cộng sự, 2010).

Bảng 2: Giá trị hội tụ và giá trị phân biệt

CR

AVE

MSV

MaxR(H)

TD

HD

QH

CG

TC

TH

DL

YD

TD

0,900

0,643

0,215

0,900

0,802

HD

0,870

0,528

0,181

0,871

0,028

0,727

QH

0,879

0,592

0,167

0,879

0,219***

0,234***

0,769

CG

0,867

0,565

0,293

0,867

0,274***

0,289***

0,337***

0,752

TC

0,869

0,570

0,293

0,870

0,391***

0,264***

0,348***

0,542***

0,755

TH

0,863

0,611

0,243

0,863

0,359***

0,339***

0,409***

0,434***

0,493***

0,782

DL

0,767

0,523

0,239

0,768

0,464***

0,425***

0,349***

0,308***

0,489***

0,483***

0,723

YD

0,815

0,597

0,108

0,834

0,158**

0,175***

0,229***

0,017

0,021

0,251***

0,329***

0,773

Nguồn: Tính toán của các tác giả

Phân tích SEM

Kết quả phân tích SEM được trình bày trong Bảng 3 cho thấy, 66,4% phương sai của động lực phát triển cá nhân (DL) được giải thích bởi các biến độc lập, bao gồm: Sự hấp dẫn, Chuyên môn, Độ tin cậy, Thành công trong sự nghiệp, Sự tương đồng và Mức độ gần gũi cá nhân; trong khi 18,2% phương sai của Ý định du học (YD) được giải thích bởi động lực phát triển cá nhân (DL).

Nghiên cứu xác định một số mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa các đặc điểm của người có ảnh hưởng và biến trung gian (DL). Cụ thể:

- Sự tương đồng (TD) có tác động tích cực mạnh mẽ đến Động lực phát triển cá nhân (β = 0,320, P < 0,001), do đó giả thuyết H1 được chấp nhận.

- Chuyên môn (CG) có tác động tiêu cực đến Động lực phát triển cá nhân (β = -0,097, P = 0,078), trái với giả thuyết ban đầu, do đó giả thuyết H2 bị bác bỏ.

- Sự hấp dẫn (HD), độ tin cậy (TC) và thành công trong sự nghiệp (TH) cũng có tác động tích cực đáng kể đến Động lực phát triển cá nhân với các giá trị β và p lần lượt là β = 0,312, P < 0,01; β = 0,199, P < 0,001; và β = 0,170, P = 0,003, nên các giả thuyết H3, H4 và H5 đều được chấp nhận.

- Trong khi đó, mức độ gần gũi cá nhân (QH) không có tác động đáng kể đến Động lực phát triển cá nhân (β = 0,110, P = 0,114), dẫn đến việc bác bỏ giả thuyết H6.

- Động lực phát triển cá nhân (DL) có tác động tích cực và đáng kể đến ý định du học (YD) với β = 0,340, P < 0,001, nên giả thuyết H7 được chấp nhận. Hơn nữa, ý định du học còn chịu tác động gián tiếp từ tất cả các đặc điểm của người có ảnh hưởng (HD, CG, TC, TH, TD, QH) thông qua Động lực phát triển cá nhân.

Bảng 3: Kết quả phân tích SEM

Hệ số Beta

Giá trị P

Kiểm định giả thuyết

Giả thuyết

Sự hấp dẫn → Động lực phát triển cá nhân

0,312

***

H1 được chứng minh

Chuyên môn → Động lực phát triển cá nhân

-,097

0,078

H2 không được chứng minh

Độ tin cậy → Động lực phát triển cá nhân

0,199

***

H3 được chứng minh

Thành công trong sự nghiệp → Động lực phát triển cá nhân

0,170

0,003

H4 được chứng minh

Sự tương đồng → Động lực phát triển cá nhân

0,320

***

H5 được chứng minh

Sự gần gũi trong mối quan hệ → Động lực phát triển cá nhân

0,110

0,022

H6 không được chứng minh

Động lực phát triển bản thân → Ý định du học

0,340

***

H7 được chứng minh

Chi-square = 624.211; bậc tự do (df) = 572; Cmin/df = 1.091; chỉ số độ phù hợp chuẩn hóa (NFI) = 0.940; sai số trung bình bình phương xấp xỉ (RMSEA) = 0.013; hệ số Tucker-Lewis (TLI) = 0.994; và chỉ số độ phù hợp so sánh (CFI) = 0.995.

Lưu ý: *** biểu thị p < 0,001(mức ý nghĩa thống kê cao)

Nguồn: Tính toán của các tác giả

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 6 nhân tố của tác nhân ảnh hưởng đề xuất có tác động đến ý định du học thông qua biến trung gian động lực phát triển bản thân từ mức cao đến mức thấp: (1) Mức độ tương đồng có ảnh hưởng nhiều nhất; (2) Mức độ hấp dẫn; (3) Mức độ tin cậy; (4) Mức độ thành công; (5) Mối quan hệ với người theo dõi và cuối cùng là (6) Mức độ chuyên gia có tác động nghịch chiều. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng, động lực phát triển bản thân có tác động tích cực đến ý định du học đối với học viên sau đại học tại Hà Nội.

Khuyến nghị

Kết quả của nghiên cứu cung cấp thông tin chi tiết, giúp các trường đại học cũng như công ty du học xây dựng chiến lược marketing qua NCAH hiệu quả hơn để thu hút sinh viên và thúc đẩy các cơ hội giáo dục quốc tế. Đồng thời, kết quả cũng hỗ trợ NCAH trong việc định hướng nội dung sáng tạo và phát triển thế mạnh bản nhân nhằm tạo ra tác động lớn nhất, thúc đẩy động lực phát triển cá nhân. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm thu hút sinh viên tham gia các cơ hội giáo dục quốc tế như sau:

Thứ nhất, các trường đại học có thể điều chỉnh chiến lược truyền thông số và tuyển sinh thông qua việc hợp tác với du học sinh hoặc cựu du học sinh, NCAH trên mạng xã hội để thu hút sinh viên, bằng cách giới thiệu các yếu tố, như: chương trình học, cơ sở vật chất, đời sống sinh viên, sự thành công của cựu học sinh. Bên cạnh đó, để tặng cường kết nối với sinh viên, nhà trường nên tổ chức các buổi giao lưu, hội thảo trực tuyến hoặc chương trình cố vấn giữa cựu du học sinh và sinh viên quan tâm đến du học, từ đó mời NCAH tham gia chia sẻ hành trình sự nghiệp và vai trò của trường trong thành công của họ. Nhà trường cần cung cấp thông tin rõ ràng về học phí, học bổng và chương trình hỗ trợ tài chính; giúp sinh viên có cái nhìn thực tế về cơ hội du học qua các chương trình hội thảo, chiến dịch truyền thông hoặc sản xuất những nội dung trực quan, sinh động như: video hành trình du học, blog chia sẻ kinh nghiệm, hoặc podcast phỏng vấn du học sinh. Cần chú trọng các yếu tố truyền cảm hứng, đặc biệt là câu chuyện về sự thay đổi và phát triển khi du học, giúp sinh viên có động lực và đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.

Thứ hai, đối với các công ty tư vấn du học, cần tăng cường xây dựng các chiến dịch truyền thông bằng cách hợp tác với NCAH trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, TikTok, YouTube…, đặc biệt là người có chuyên môn trong lĩnh vực du học hoặc các chuyên gia giáo dục, để chia sẻ kinh nghiệm, tạo dựng sự tin cậy và động lực mạnh mẽ đối với sinh viên đang quan tâm đến vấn đề du học. Đồng thời, các công ty cần đảm bảo tính minh bạch trong việc cung cấp những thông tin liên quan đến việc du học, như: chương trình học, yêu cầu hồ sơ và quy trình xin học bổng, nhằm giúp sinh viên ra quyết định phù hợp và chính xác. Ngoài ra, các chiến dịch hợp tác không nên chỉ dừng ở nội dung quảng bá đơn thuần, mà cần cung cấp giá trị tới khách hàng, chẳng hạn tổ chức các buổi livestream hoặc workshop chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giải đáp thắc mắc và đưa ra định hướng cho sinh viên đang quan tâm đến vấn đề du học.

Thứ ba, về phía NCAH, họ có thể thu hút người theo dõi bằng cách dựa vào các yếu tố ảnh hưởng nhất để định hướng nội dung sáng tạo và phát triển thế mạnh cá nhân. Trước tiên, NCAH cần định hình phong cách hình ảnh cá nhân độc đáo để thu hút nhiều người theo dõi, đồng thời sản xuất những nội dung giàu giá trị nhân văn, đan xen các nội dung theo kịp xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội. Tiếp theo, họ có thể xây dựng nội dung về hành trình đạt được mục tiêu, thành tựu và kinh nghiệm thực tế để truyền động lực cho người theo dõi. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm, khó khăn tương tự mà họ có thể gặp phải sẽ giúp tạo sự đồng cảm và kết nối mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, NCAH cũng cần tìm hiểu kỹ càng và truyền tải thông tin chính xác, minh bạch từ các nguồn chính thống để tạo được sự tin cậy từ người theo dõi. Hơn nữa, NCAH có thể mở những buổi Meet and Great, tạo cơ hội tương tác trực tiếp với người theo dõi và tạo mối quan hệ gắn kết bền chặt./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. AlFarraj, O., Alalwan, A. A., Othman, B., and Algharabat, R. (2021), Examining the impact of influencers' credibility dimensions (attractiveness, trustworthiness, and expertise) on purchase intention in the aesthetic dermatology industry.

2. Bandura, A. (1986), Social foundations of thought and action: A social cognitive theory, Englewood Cliffs, NJ, Prentice Hall.

3. Chu, S., and Kim, Y. (2011), Determinants of consumer engagement in electronic word of mouth (eWOM) in social networking sites, International Journal of Advertising, 30, 47–75.

4. Deci, E. L., and Ryan, R. M. (2000), The "what" and "why" of goal pursuits: Human needs and the self-determination of behavior, Psychological Inquiry, 11(4), 227–268.

5. Kim, S. S., Seo, J. M., and Kim, M. J. (2009), A study of Hallyu celebrity marketing through investigating the effects of Hallyu celebrities' advertising attributes on creating company image, reliance, and customer loyalty: Focused on Japanese tourists who visit Lotte Hotel and Resort, Korean Journal of Hospitality and Tourism, 18(4), 217–243.

6. Lê, H. A., Đinh, H. A., Triệu, M. A., Nguyễn, M. A., và Đinh, M. H. (2023), Tác động của người có tầm ảnh hưởng đến lối sống của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Giáo dục, 23(15), 32–37.

7. Lê, N. B. M., Võ, H. Y., và Phạm, Q. Đ. (2022), Tác động của người ảnh hưởng đến ý định mua của giới trẻ (Gen Z) trong lĩnh vực thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh - Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 18(5), 101–115.

8. Lê, T. M. H., và cộng sự (2022), Những yếu tố tác động đến thái độ đối với người có tầm ảnh hưởng của sinh viên thành phố Hà Nội, ResearchGate.

9. Lee, Y., Mazzei, A., and Kim, J. N. (2018), Looking for Motivational Routes for Employee-Generated Innovation: Employees’ Scouting Behavior, Journal of Business Research, 91, 286-294.

10. Ngô, M. L., Trần, P. N., Nguyễn, T. Q. A., and Mai, H. L. (2023), Impact of social networking application TikTok on student career orientation: A case study of students in 3 majors at universities in Hanoi city, VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, 39(3), 65–79.

11. Ohanian, R. (1990), Construction and validation of a scale to measure celebrity endorsers' perceived expertise, trustworthiness, and attractiveness, Journal of Advertising, 19(3), 39–52.

12. Ruef, M., Aldrich, H. E., and Carter, N. M. (2003), The structure of founding teams: Homophily, strong ties, and isolation among U.S. entrepreneurs, American Sociological Review, 68(2), 195–222.

13. Soutar, G. N., and Turner, J. P. (2002), Students' preferences for university: A conjoint analysis, International Journal of Educational Management, 16(1), 40–45.

Ngày nhận bài: 03/3/2025; Ngày phản biện: 07/3/2025; Ngày duyệt đăng: 11/3/2025