Ngày 29/6 tới, Vinatex, mã chứng khoán VGT đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM sẽ triệu tập họp đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Một số khó khăn trong hoạt động của VGT do tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 sẽ được cập nhật tới các cổ đông.

Nhìn lại kết quả hoạt động năm 2020, Ban Kiểm soát của Vinatex thẳng thắn nêu ra một số khó khăn, thách thức, mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Cụ thể như việc triển khai Dự án Nhà máy sợi II, Chi nhánh Sợi Nam Định 2 đang phải tạm dừng do thị trường sợi giảm sút vì chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và dịch Covid-19. Cũng vì dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, nên trong năm 2020, Vinatex không thoái được khoản vốn đầu tư nào ở các đơn vị hoạt động không hiệu quả do nhà đầu tư không mấy quan tâm...

Dự báo về môi trường kinh doanh năm 2021, Hội đồng quản trị của Vinatex đánh giá, mặc dù thách thức của đại dịch Covid-19 không còn là yếu tố bất ngờ như năm 2020, nhưng đại dịch đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, phương thức kinh doanh, cùng với sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng, nên đòi hỏi Hội đồng quản trị của Vinatex phải có giải pháp thích ứng với những thay đổi trong điều kiện bình thường mới như: Chuyển đổi số cho toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp, mà trước hết là quá trình quản trị sản xuất- tồn kho- logistic; đào tạo lại đội ngũ nhân lực; đảm bảo an toàn tài chính để phát triển dài hạn…

Trước thực tế trên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinatex cho biết: Chúng tôi đề nghị với Chính phủ và cũng đã có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, là các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả các chi phí để tiêm vaccine cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của mình. Với cách làm này, chúng tôi tính toán, các doanh nghiệp của Vinatex cần dành nguồn ngân sách khoảng 100 – 200 tỷ đồng để chuẩn bị cho chương trình tự lo vaccine cho người lao động của mình.

“Chúng tôi mong muốn được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Hà Nội, ở các khu công nghiệp tập trung, nơi mà lực lượng lao động của ngành dệt may rất lớn sẽ sớm được tiêm, để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới...”, ông Trường cho biết.

Vinatex muốn tiêm vaccine cho 150.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động của mình để ổn định sản xuất. Ảnh: VGT

Theo nhìn nhận của Vinatex, năm 2021 thị trường dệt may thế giới vẫn chưa ổn định do vẫn bị ảnh hưởng và tác động mạnh bởi dịch bệnh và chiến tranh thương mại. Trong bối cảnh đó, Vinatex đặt mục tiêu phục hồi sớm hơn dự báo của thế giới ít nhất 1 năm. Bởi vậy, Hội đồng quản trị của Vinatex trình đại hội cổ đông xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh của Công ty mẹ- Vinatex với 1.522,8 tỷ đồng doanh thu, 200,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 5,3% và 37,3% so với kết quả thực hiện năm 2020.

Tương tự, kế hoạch kinh doanh hợp nhất cũng được Hội đồng quản trị của Vinatex trình đại hội cổ đông xem xét thông qua với mức tăng khá cao so với kết quả thực hiện năm 2020. Theo đó, Vinatex đặt mục tiêu đạt 17.365 tỷ đồng doanh thu, 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17% và 18% so với thực hiện năm 2020. Năm nay, Vinatex đề xuất đại hội thông qua phương án chia cổ tức 6%, nhưng năm 2020 không chia cổ tức.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư, trong năm nay Công ty mẹ- Vinatex dự kiến tiếp tục triển khai 3 dự án với tổng mức đầu tư 1.304 tỷ đồng (trong đó kế hoạch vốn đầu tư năm nay là 536 tỷ đồng) gồm: Dự án đầu tư Nhà máy sợi Nam Định- Giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Hoà Xá; Dự án đầu tư xây dựng toà nhà văn phòng và căn hộ 39-41-43 Võ Văn Kiệt (TP.HCM); Dự án đầu tư xây dựng toà nhà văn phòng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở số 458 Minh Khai (Hà Nội).../.