Bộ Giáo dục vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988. Thông tư áp dụng đối với học sinh trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, học viên cấp THCS, THPT tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục thường xuyên và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Các hình thức kỉ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ. Nguồn: Internet.

Dự thảo Thông tư đưa ra 4 hình thức khen thưởng học sinh, bao gồm: Tuyên dương trước lớp; tuyên dương trước toàn trường; tặng giấy khen; các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng học sinh.

Trong đó, học sinh được tuyên dương trước nhà trường phải là những học sinh có biểu hiện tốt, nổi bật về phẩm chất đạo đức, đạt kết quả tốt về học tập và rèn luyện, xứng đang được nêu gương trước toàn trường thì giáo viên chủ nhiệm lớp thông qua danh sách trước lớp và đề nghị hiệu trưởng tuyên dương trước nhà trường.

Về hình thức tặng giấy khen sẽ được thực hiện khi cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng học sinh để xem xét, tặng giấy khen cho học sinh đảm bảo một trong các điều kiện: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT); Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; Học sinh có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

“Hiệu trưởng căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường để quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Học sinh có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền”, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.

Điểm mới quy định về hình thức kỷ luật của Dự thảo Thông tư được thể hiện rõ trong việc bãi bỏ phê bình trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi (tùy theo mức độ), điều còn tồn tại trong nội dung Thông tư số 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông hiện nay. Thay vào đó, Dự thảo Thông tư yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Các hình thức kỷ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng kỷ luật. Theo đó, giáo viên thu thập thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như: khuyên bảo động viên; phê bình riêng; phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục; tư vấn tâm lý cho học sinh.

Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như: Hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại nội quy; viết cảm nhận, kiểm điểm; sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân; lao động công ích như trực nhật, vệ sinh khuôn viên trường...

Theo dự thảo, mức kỷ luật cao nhất đối với học sinh mắc khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, vi phạm nội quy nhà trường, các quy chế, quy định của ngành giáo dục là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay cho “đuổi học” như trong quy định hiện hành. Việc tạm dừng học tập trên lớp áp dụng đối với học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian một học kỳ. Hoặc vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của Hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm…/.