Năm 1966, Tỉnh ủy Cửu Long (hiện nay là Vĩnh Long) chọn Cái Ngang làm khu căn cứ chiến lược chủ yếu và chuyển hẳn về đây để làm việc vào năm 1967, khu căn cứ thuộc ấp 4 - xã Mỹ Lộc, nay là ấp 4 - xã Phú Lộc - huyện Tam Bình.

Khu di tích cách mạng Cái Ngang là vùng đất liên hoàn nhiều xã của huyện Tam Bình; là vùng căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ. Đây là nơi nhân dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long đoàn kết chiến đấu, một lòng chăm lo cho sự nghiệp cách mạng. Mặc dù phải đương đầu với kẻ địch đông về số lượng, trang bị hiện đại và có nhiều thủ đoạn thâm độc, nhưng quân dân ta vẫn chiến đấu kiên cường và trưởng thành mạnh mẽ.

Cơ quan Tỉnh ủy lúc đó chỉ có một nhà làm việc và một điểm nấu ăn. Công trình được xây dựng thấp, nằm gọn dưới các tàng cây để tránh máy bay địch phát hiện. Xung quanh nơi làm việc bố trí đầy đủ các hầm trú ẩn tránh bom pháo. Hệ thống hầm bí mật được Ban Căn cứ chuẩn bị chu đáo, đủ sức phục vụ Ban Chấp hành Tỉnh ủy trong các kỳ họp.

Chính tại khu di tích cách mạng, qua các thời kỳ kháng chiến, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã đề ra những chủ trương, nghị quyết mệnh lệnh toàn quân, toàn dân chiến đấu và chiến thắng. Trong các chỉ thị, nghị quyết đó, nổi bật là lệnh Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong thời gian dài, Mỹ - Ngụy càn quét vào khu Căn cứ Cái Ngang để tiêu diệt nhưng đều thất bại.

Năm 2001, di tích lịch sử Căn cứ Cái Ngang được phục dựng trên diện tích 5ha, gồm: bãi lửa, cầu chông, chốt bảo vệ, nhà thường trực năm 1967, nhà thường trực năm 1973, hệ thống hầm trú ẩn, nhà thông tin, hệ thống công sự chiến đấu…

Thời gian qua, Căn cứ Cái Ngang đã đón trên 200 nghìn lượt khách tham quan, bình quân mỗi năm đón 18 nghìn lượt khách. Hiện nay, đây là nơi được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu và cũng là địa chỉ để các cơ quan, tổ chức đoàn, đội chọn làm nơi sinh hoạt truyền thống, hành quân dã ngoại về nguồn.

Ngày 27/12/2016 Căn cứ lịch sử cách mạng Cái Ngang chính thức đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia - Ảnh: Báo Vĩnh Long

Để sau khi được xếp hạng di tích càng phát huy hiệu quả, ông Lữ Quang Ngời - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đề nghị: “Cần tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại theo tinh thần Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy (1998) như: nơi tưởng niệm liệt sĩ, nơi ghi ơn nhân dân, vườn cây ăn trái ĐBSCL thu nhỏ, công viên tuổi trẻ thế kỷ XXI, khu thể thao, bến đua xuồng ghe, nhà nghỉ cho du khách... để thu hút khách tham quan. Đồng thời, tạo thành tuyến tham quan liên hoàn của địa phương: căn cứ Cái Ngang, chùa Phước Hậu, Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa... để nơi đây từng bước trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh”.

Khu di tích cách mạng Cái Ngang chính là nơi khơi dậy những nguồn sức mạnh linh thiêng của dân tộc, cũng như của nhân dân địa phương. Nơi này cũng chính là lời nhắc nhở các thế hệ tuổi trẻ, những người chủ tương lai của đất nước hãy tiếp tục bảo vệ sự nghiệp mà ông cha ta đã gầy dựng.