Từ khóa: khuyến khích, doanh nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng

Summary

To encourage businesses to invest in agriculture, the State has issued many preferential policies, including credit incentives. The Small and Medium Enterprises Development (SMEs) Fund is the State's preferential credit capital channel for SMEs in general and SMEs in the agricultural sector in particular. The article summarizes the process of forming and completing the legal framework for the SME Development Fund; Analyze the shortcomings and limitations and propose solutions to improve the legal framework for this financial institution, helping the Fund become an important and effective tool to encourage businesses to invest in the agricultural sector.

Keywords: encouragement, business, agriculture, small and medium enterprises, credit

GIỚI THIỆU

Trong thời gian qua, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế (Lưu Ngọc Lương, 2023). Theo số liệu của Tổng cục thống kê (2022), tính đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm 0,9% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này chủ yếu ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; nguồn vốn hạn hẹp và khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế. Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua năm 2017 là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về ưu tiên phát triển DNNVV, trong đó có DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, hành lang pháp lý cho hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV đã cơ bản được hoàn thiện. Tuy nhiên, đến nay khung pháp lý này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV và ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của DNNVV nói chung, DNNVV trong nông nghiệp nói riêng đối với nguồn vốn của Quỹ, cần có giải pháp để khắc phục.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH KHUNG PHÁP LÝ CHO QUỸ PHÁT TRIỂN DNNVV

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều hình thành một tổ chức tài chính chuyên biệt dành riêng cho DNNVV, có thể dưới dạng quỹ phát triển DNNVV với nhiều hình thức và quy mô khác nhau hoặc hình thành một cơ quan đầu mối để thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Các chương trình hỗ trợ tài chính thường do các cơ quan quản lý nhà nước về DNNVV phụ trách như: Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ (SBA), Cơ quan quản lý DNNVV của Nhật Bản (SMEA), Công ty Tài chính Nhật Bản (JFC), Công ty quản lý DNNVV của Hàn Quốc (SBC), SPRING của Singapore, Tổng công ty DNNVV của Malaysia (SME Corp.)… Riêng trường hợp của Thái Lan, một ngân hàng dành riêng cho DNNVV có tên là SME Development Bank of Thailand được thành lập để thực hiện cung cấp tài chính cho khối doanh nghiệp này (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012).

Nhằm mục đích huy động và tiếp nhận các nguồn tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ cho các DNNVV mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV và Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 05/5/2010 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, trong đó quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV. Đến ngày 17/4/2013, Quỹ Phát triển DNNVV chính thức được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ phát triển DNNVV là một định chế tài chính đầu tiên của Nhà nước hỗ trợ DNNVV. Các DNNVV tham gia chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo nông nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay trực tiếp từ Quỹ DNNVV hoặc qua các ngân hàng thương mại được ủy thác. Đây là một trong những nguốn vốn quan trọng thúc đẩy đầu tư của các DNNVV nông nghiệp.

Ngày 12/6/2017, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Trong đó, Điều 20 của Luật Hỗ trợ DNNVV quy định về Quỹ phát triển DNNVV. Đồng thời, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 20. Theo đó, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV.

Các bộ có liên quan đã xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Quỹ, bao gồm các thông tư, quyết định của bộ, các quy chế, quy định như: Thông tư số 34/2019/TT-BLĐTBXH, ngày 30/12/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ; Thông tư số 08/2020/TT-BKHĐT, ngày 13/11/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tiếp nhận tài trợ, đóng góp nhận ủy thác của Quỹ; Thông tư số 14/2020/TT-BKHĐT, ngày 31/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ… Theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 2.000 tỷ đồng. Tính đến nay, vốn điều lệ thực cấp cho Quỹ đạt 837,25 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ được cấp từ NSNN (837,25 tỷ đồng), Quỹ đã bảo toàn và phát triển với tổng nguồn vốn đạt khoảng 1.107 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung từ kết quả hoạt động đạt khoảng 270 tỷ đồng (Quỹ Phát triển DNNVV, 2023).

Nhìn chung, khung pháp lý đối với Quỹ Phát triển DNNVV cơ bản được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV được vay vốn. Các doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ là những DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến tại các địa bàn trên phạm vi cả nước. Sau khi nhận nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ, các doanh nghiệp này đều hoạt động tốt, tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương. Toàn bộ vốn vay được bảo toàn, thu hồi đủ và đúng hạn, chưa xảy ra tình trạng nợ xấu của doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ còn những hạn chế và tồn tại do điều kiện, thủ tục vay vốn còn khó khăn, văn bản pháp lý hướng dẫn hoạt động chưa đồng bộ và kịp thời dẫn đến số lượng doanh nghiệp tiếp cận vốn ít.

MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG KHUNG PHÁP LÝ ĐỐI VỚI QUỸ PHÁT TRIỂN DNNVV

Thứ nhất, chức năng và phạm vi hoạt động của Quỹ còn hạn chế. Chức năng của Quỹ được gồm: (i) Cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (ii) Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV (khoản 1 Điều 20 Luật Hỗ trợ DNNVV). Quỹ hoạt động trên phạm vi cả nước, tuy nhiên hiện nay chỉ có trụ sở chính tại Hà Nội, không có chi nhánh và không có quỹ địa phương. Như vậy, chức năng, quy mô, phạm vi hoạt động Quỹ Phát triển DNNVV đều hẹp hơn nhiều so với Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã (hiện nay Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã hoạt động theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 bao gồm Quỹ Hỗ trợ HTX ở Trung ương với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng; 55 quỹ Hỗ trợ HTX tại địa phương với tổng vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023).

Thứ hai, về đối tượng cho vay: Theo khoản 1 Điều 20 Luật DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV chỉ cho vay đối với 2 loại hình là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trong khi đó, chưa có quy định dành riêng cho đối tượng DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, các doanh nghiệp này có quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, bị hạn chế về nguồn nhân lực, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ thông tin, pháp lý…, nên khó phát triển và lớn mạnh được, từ đó ít khả năng tham gia được vào các chuỗi cung ứng giá trị trong và ngoài nước, khó tham gia công nghiệp phụ trợ. Các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, triển khai hay tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Vì thế, việc giải ngân của Quỹ Phát triển DNNVV cho nhóm doanh nghiệp này là rất thấp và chậm (Đỗ Thị Hồng Bích, 2023).

Thứ ba, về nguyên tắc cho vay gián tiếp đối với DNNVV (Điều 22 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP): Chưa quy định trường hợp doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đã được vay vốn của Quỹ chưa trả hết nợ gốc và lãi tiền vay của dự án cũ, nhưng tiếp tục đề xuất vay vốn của Quỹ để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, Quỹ chưa đủ cơ sở để từ chối hay tiếp tục xem xét quyết định chuyển vốn cho doanh nghiệp vay đối với những trường hợp nêu trên. Tương tự, về hoạt động cho vay và tài trợ vốn, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về doanh nghiệp đã được vay vốn tại Quỹ để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đề xuất nhận vốn cho vay để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới khi chưa trả hết nợ gốc và lãi khoản vay cũ.

Thứ tư, một số quy định của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP không còn phù hợp do văn bản tham chiếu đã được sửa đổi, bổ sung như Luật Doanh nghiệp năm 2014 (được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp năm 2020). Tiêu chí xác định xác định DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị còn chưa thống nhất, được quy định trong cả 2 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP và số 80/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, các tiêu chí còn chưa rõ ràng, định lượng để thuận lợi cho cơ quan, tổ chức lựa chọn, xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.

Thứ năm, việc ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn hoạt động của Quỹ còn chậm. Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, đến ngày 10/5/2019, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019). Đến ngày 30/12/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 34/2019/TT-BLĐTBXH; ngày 13/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BKHĐT; ngày 31/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 25/02/2021). Như vậy, sau hơn 3 năm Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, khung chính sách cho hoạt động của Quỹ mới được hoàn thiện.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Nhu cầu về tín dụng của các DNNVV nói chung, DNNVV nông nghiệp nói riêng là rất lớn. Tuy vậy, một bộ phận lớn doanh nghiệp lại chưa tiếp cận được hỗ trợ tín dụng. Nguyên nhân là do, DNNVV có quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; không có báo cáo tài chính được kiểm toán; báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ; chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định, nên ảnh hưởng tới việc xem xét cấp tín dụng của các ngân hàng ngân hàng thương mại (Nguyễn Thị Thanh Trúc, 2023).

Trong bối cảnh đó, nguồn vốn của Quỹ Phát triển DNNVV là rất quan trọng. Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong hệ thống chính sách đối với Quỹ Phát triển DNNVV, giúp cho thiết chế này phát triển, hoạt động hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DNNVV, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV để mở rộng chức năng, đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển DNNVV hoặc chỉ cần quy định về việc thành lập Quỹ tại Luật, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tăng tính linh hoạt.

Mục tiêu hoạt động của Quỹ theo đề án thành lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án đầu tư, phương án sản xuất,kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu tiên. Theo pháp luật về đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 cũng đã xác định: “Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Do đó, việc bổ sung quy định đối tượng vay vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV riêng đối với DNNVV lĩnh vực nông nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là phù hợp với nhu cầu thực tiễn và bảo đảm căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị.

Các chức năng khác cũng cần xem xét bổ sung, đó là bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, thực hiện các hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư; đào tạo cho các khách hàng vay vốn…; nghiên cứu thành lập văn phòng đại diện của Quỹ tại các địa phương; thành lập các Quỹ Phát triển DNNVV tại các địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng lớn của DNNVV, trong đó có các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.

Hai là, sửa đổi Nghị định số 39/2019/NĐ-CP theo hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế cụ thể trong các quy định của Nghị định; đồng bộ với quy định của Nghị định số 39/2021/NĐ-CP và thống nhất với Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi năm 2020. Giảm thiểu các điều kiện cho vay, tạo cơ chế thông thoáng cho đối tượng vay vốn. Về thủ tục cho vay, cần đơn giản hóa, phù hợp với trình độ, năng lực của DNNVV; xây dựng các quy định, quy chế, quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận vốn vay, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô nhỏ và vừa, thậm chí rất nhỏ, với mức vốn đầu tư thấp, số lượng nhân lực được sử dụng ít và đầu tư công nghệ hạn chế.

Ba là, hoàn thiện quy định, cơ chế huy động vốn và tích cực triển khai quy định này để tăng nguồn vốn cho Quỹ. Ngoài nguồn vốn điều lệ được ngân sách nhà nước cấp, Quỹ cần thực hiện huy động các nguồn vốn từ thị trường thông qua các kênh huy động như: vận động vốn đóng góp tự nguyện, vốn tài trợ, viện trợ trong và ngoài nước; vốn vay ưu đãi từ các chương trình khác, nguồn vốn ODA; vốn huy động từ thị trường (thông qua các hình thức như trái phiếu doanh nghiệp, vay vốn của tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế trong nước theo quy định của pháp luật). Bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương trong năm 2024, 2025 (theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg, ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, vốn điều lệ cho Quỹ sẽ được bổ sung 1.062,7 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025).

Bốn là, về việc ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản trị, vận hành, nghiệp vụ của Quỹ (thông tư, quyết định, quy chế…), cần được ban hành sớm, kịp thời để bảo đảm hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cấp cao hơn. Rà soát chế độ, chính sách về đãi ngộ và các điều kiện thực hiện, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy, động viên cán bộ, nhân viên gắn bó với Quỹ, đồng thời có chính sách và quy định cụ thể nhằm thu hút trí thức, cán bộ có năng lực, trình độ. Có cơ chế tuyển dụng đội ngũ cán bộ mới có năng lực, có trình độ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, kế toán, kiểm toán, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Quỹ.

Năm là, cần nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm hình thành khung khổ pháp lý cho hoạt động quản lý thống nhất các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nói chung, Quỹ Phát triển DNNVV nói riêng để đảm bảo nguyên tắc minh bạch và nguyên tắc về một tài liệu ngân sách duy nhất. Qua đó, sẽ đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong quản lý tài chính công./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012), Đề án Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

3. Đỗ Thị Hồng Bích (2023), Giải pháp thúc đẩy đầu tư công thông qua hình thức cấp vốn điều lệ cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.

4. Lưu Ngọc Lương (2023), Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – Thực trạng và bài học kinh nghiệm để hoàn thiện chính sách tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số tháng 8/2023.

5. Nguyễn Thị Thanh Trúc (2023), Tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV hiện nay - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13, tháng 5/2023.

6. Quỹ Phát triển DNNVV (2023), Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV.

7. Tổng cục Thống kê (2022), Sách trắng doanh nghiệp năm 2022, Nxb Thống kê.

Lưu Ngọc Lương

Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

PGS, TS. Trần Đình Thao, TS. Nguyễn Hữu Nhuần

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)