Đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. HCM” đã được Hội đồng nhân dân TP. HCM thông qua ngày 09/12/2020. Sau giai đoạn ngắn trì hoãn thu do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam, ngày 29/03/2022 vừa qua, UBND TP. HCM đã có Thông báo số 43/TB-UBND quy định chi tiết về đối tượng và mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. HCM và áp dụng thu phí kể từ 01/4/2022.

Điều này tiếp tục khiến hàng loạt doanh nghiệp logistic hết sức lo ngại trong bối cảnh đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 kéo dài, cũng như hàng loạt chi phí tăng cao ảnh hưởng lớn đế hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Theo thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), tổng khối lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển TP. HCM năm 2021 đạt 7.956.133 TEU, chiếm khoảng 43,3% cả nước (18.359.845 TEU), chưa kể hàng lỏng, hàng rời. Với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP. HCM có tần suất và mật độ dày đặc như hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn.

Chồng chất bất cập thu phí hạ tầng cảng biển

Sau quyết định này của UBND TP. HCM, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội, bao gồm cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hóa Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hội Vận tải thủy Nội địa Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Thép Việt Nam; Hiệp hội Nhôm thanh định hình VN; Hiệp hội Phân bón Việt Nam … cùng một số hiệp hội ngành hàng khác, cũng như khối doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai, Bình Dương đã gửi kiến nghị tới UBND TP. HCM, UBND các tỉnh giáp ranh TP. HCM và gửi lên các cấp để phản ánh các vấn đề bất cập.

Kiến nghị khẩn Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giải quyết bất cập thu phí hạ tầng cảng biển
Các Hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng, mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP. HCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngay sau đại dịch

Theo phản ánh của các Hiệp hội, mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP. HCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngay sau đại dịch; việc thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, qua đó cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP. HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về Hải quan, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, khiến doanh nghiệp các tỉnh lân cận vì bài toán chi phí có xu hướng đổ dồn về TP.HCM để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải trong khâu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng của TP.HCM.

Theo đó, theo Thông báo số 43/TB-UBND ngày 29/03/2022 của UBND TP. HCM thì từ ngày 1/4/2022 sẽ thực hiện việc thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại các tỉnh ngoài TP. HCM, sẽ áp dụng mức thu là 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1.000.000 đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng hóa lỏng, hàng rời không đóng trong container. Mức thu này cao gấp đôi so với mức thu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP. HCM (250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont đối với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng hóa lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP. HCM và ngoài TP. HCM là không phù hợp Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, đồng thời cũng gây xáo trộn trong công tác quản lý...

Căn cứ các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, thông qua trao đổi thảo luận với chuyên gia kinh tế và chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, trong báo cáo lần thứ 3 gửi Thủ tướng, Ban IV đánh giá, các bất cập nêu trên đã và đang tạo ra một số hệ lụy không nhỏ, vừa ảnh hưởng tới hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp vừa tác động tiêu cực tới một số mục tiêu của nền kinh tế và các mặt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như khâu thực thi pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành pháp.

Cụ thể, theo nhận định của Ban IV, việc TP.HCM gia tăng thêm một gánh nặng chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistics của Việt Nam vốn đang cao gấp đôi so với ở các nước phát triển lại tiếp tục tăng quá cao trong thời gian qua thể hiện sự “ngược dòng” với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch. “Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm, nỗ lực và yêu cầu đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tạo đà cho phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế, quyết định của một địa phương như vậy có thể làm giảm rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra hệ lụy là tăng chi phí logistics, đội giá thành sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, phục hồi và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư trong nước”, báo cáo Ban IV nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo cơ quan này, việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP. HCM và ngoài TP. HCM là không phù hợp Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, đồng thời cũng gây xáo trộn trong công tác quản lý của chính quyền và hệ thống cơ quan hải quan các tỉnh giáp TP.HCM với hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn trước xu hướng “dịch chuyển” sau biện pháp kĩ thuật của TP.HCM về phân biệt mức phí.

Đồng thời Ban IV cũng cho rằng, việc có quy định không chính xác về một số đối tượng thu phí như phản ánh của một số hiệp hội là không phù hợp với pháp luật về phí, lệ phí hiện hành và ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, với một số lĩnh vực đang cần đặc biệt thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực thủy nội địa để giảm tải gánh nặng cho các hạ tầng khác, sẽ không đạt mục tiêu và chủ trương chung của quốc gia.

3 đề xuất với Thủ tướng Chính phủ

Ngày 17/02 vừa qua, Đại biểu Quốc hội khóa XV Lê Thanh Vân đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc rà soát, xem xét các vấn đề liên quan do Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị...

Từ thực tiễn nêu trên, Ban IV cùng các Hiệp hội đã đưa ra 3 đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo UBND TP. HCM nghiên cứu, thực hiện khẩn trương một số vấn đề. Cụ thể:

Một là, bài toán lợi ích của địa phương phải được cân nhắc sau bài toán chung của quốc gia, theo đó, doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Hai là, trường hợp khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp cũng đã cơ bản phục hồi, nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan (thu trên cơ sở minh bạch nguồn đầu tư trước đó, thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác của Thành phố, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan).

Ba là, không thu phí đối với những đối tượng không đúng theo quy định của Luật và các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Theo đó, không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa; Không thu phí Cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất.

Cũng liên quan tới vấn đề bức xúc của các doanh nghiệp về bất cập thu phí hạ tầng cảng biển, trước đó vào ngày 17/02 vừa qua, Đại biểu Quốc hội khóa XV Lê Thanh Vân đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc rà soát, xem xét các vấn đề liên quan do Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị. Cụ thể, trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, đã nhận được văn bản số 05/VTTNĐ-VP do Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam gửi trực tiếp đến ông để kiến nghị không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

Nội dung văn bản của Hiệp hội Vận tải thủy nội địa phản ánh việc TP. Hải Phòng, TP. HCM thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nối lên một số vấn đề cần phải xem xét cụ thể. Đó là, thu phí không đúng đối tượng, vì hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển; Không khuyến khích hàng hóa được vận tải bang đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tâng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến các cảng biến; Không bảo đảm công bằng đối các doanh nghiệp vận tải thủy, so với các hình thức vận tải khác, làm tăng chi phí logistic vận tải đường thủy nội địa; Không thực hiện đúng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về giảm khí thải carbon vào môi trường; Trái với quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cơ quan tham mưu nghiên cứu, xem xét tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản do thành phố Hải Phòng, TPHCM ban hành để xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng pháp luật và thông báo kết quả cho tôi biết theo quy định”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh đề nghị tại công văn./.