Kinh tế tư nhân kém phát triển: Trên 50% là do lỗi từ chính sách
Ngày 13/04, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”.
Chưa phát triển theo đúng kỳ vọng
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Cụ thể, kinh tế tư nhân sử dụng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003- 2015 là 10,2%/năm, đóng góp khoảng 39-40% GDP của đất nước. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn và đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên, PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo cũng phải thừa nhận rằng, kinh tế tư nhân chưa phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong kinh tế tư nhân, kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, trong đóng góp 39,21% GDP, hộ kinh doanh đóng góp 31,33%, doanh nghiệp đóng góp 7,88%.
Kinh tế tư nhân hiện nay chưa phát triển như đúng với kỳ vọng |
Còn trong doanh nghiệp tư nhân, thì doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 97%. Trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng lực hội nhập quốc tế hạn chế.
Khu vực này phát triển cũng chưa ổn định, bền vững. Tốc độ tăng trưởng giảm (Giai đoạn 2003-2010: 11,93%, năm 2011-2015: 7,54%). Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động cao.
Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý. Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chỉ có hơn 10% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, phức tạp…
Bổ sung về những tồn tại của khu vực tư nhân, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia cho biết, tính kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp FDI còn thấp.
Bên cạn đó, khả năng hội nhập quốc tế không cao (chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu), nếu tham gia vào chuỗi giá trị thì cũng chỉ ở công đoạn thấp. Ngoài ra, kinh tế tư nhân còn ít gắn kết với đổi mới, sáng tạo, thể hiện ở trình độ công nghệ thấp và thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo.
Vì sao nên nỗi?
Theo các đại biểu trong hội thảo, kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển là do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Về nguyên nhân khách quan, PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo cho biết, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định; luật pháp, cơ chế, chính sách đối với kinh tế tư nhân chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính phiền hà.
Đặc biệt, việc thực thi pháp luật của một bộ phận đội ngũ cán bộ công chức tạo thêm khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp, làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh thiếu công khai, minh bạch, thiếu an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; quyền cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh chưa được thực hiện, tồn tại nhiều chi phí không chính thức...
Kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, trong đóng góp 39,21% GDP, hộ kinh doanh đóng góp 31,33%, doanh nghiệp đóng góp 7,88%. Khu vực này phát triển cũng chưa ổn định, bền vững. Tốc độ tăng trưởng giảm. Giai đoạn 2003-2010: 11,93%, năm 2011-2015: 7,54%). |
Đồng tình với ý kiến trên, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh phải nhắc đến đó là rào cản về gia nhập thị trường và tiếp cận thông tin và nguồn lực (vốn, đất đai).
Bên cạnh đó là các rào cản liên quan đến chi phí không chính thức. Ông Sơn đưa số liệu: “65% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khoảng 62% doanh nghiệp vừa cho rằng có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp””. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không lớn lên được và thậm chí không muốn lớn.
Ông Sơn cho biết: “một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối bán lẻ ở Hà Nội phản ánh với tôi rằng, 1 tuần có tới 3 đoàn kiểm tra đến doanh nghiệp đó và họ phải dành ra 3 lãnh đạo liên quan để làm việc với mỗi đoàn kiểm tra, chưa kể cộng với những chi phí bỏ ra. Chi phí quá lớn và phiền hà dẫn đến việc doanh nghiệp này phải từ bỏ việc kinh doanh”.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Sơn cho biết còn do những yếu kém nội tại của bản thân doanh nghiệp. Cụ thể, chưa có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn, thiếu văn hoá kinh doanh và trách nhiệm với xã hội, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong thương trường quốc tế và thiếu hiểu biết về bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, hành động ngắn hạn, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm tăng thêm các tiêu cực xã hội, như: hối lộ …
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ninh Thị Ty lại cho rằng: “Có lẽ doanh nghiệp Việt Nam cũng có lỗi, bởi trình độ quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế; thiếu chiến lược kinh doanh ổn định, phát triển lâu dài… nhưng, tôi cho rằng, lỗi của chúng tôi chỉ dưới lên 50%, còn lại là do chính sách của Nhà nước chiếm trên 50%”.
Bà Ty phân trần: “Nếu cơ quan nhà nước muốn tìm ra lỗi của doanh nghiệp, thì kể cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều sai phạm, bởi chính sách của ta rất không rõ ràng, minh bạch, bao la, rộng lớn”.
Để kinh tế tư nhân cất được tiếng gầm!
Để kinh tế tư nhân phát triển, theo các đại biểu tại hội thảo, Việt Nam cần phải xóa bỏ được các rào cản đang hiện diện.
Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực để các nguồn lực được huy động và sử dụng có hiệu quả cao, nhất là các nguồn lực của Nhà nước.
Tạo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, minh bạch. Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ cho khu vực tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp…
Còn theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam cần tạo ra nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả hình Kim tự tháp.
“Trong cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả có hình Kim tự tháp đó, phải có các doanh nghiệp đầu tàu, ở vị trí đỉnh của Kim tự tháp, với vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp còn lại”, bà Hằng nhấn mạnh
Ngoài ra, theo bà Hằng, thì để doanh nghiệp tư nhân phát triển thì cần phải giảm thiểu sự "lấn sân" của khối doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, có chính sách tăng cường phát triển khối doanh nghiệp tư nhân theo cả chiều dọc và chiều ngang để vừa giải quyết những cản trở chung đối với nền kinh tế vừa tạo nên những đột phát trong phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp tư nhân, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, doanh nghiệp tư nhân cần sự cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các sở, ban ngành về sự minh bạch, về môi trường đầu tư, về quy định pháp luật… Bên cạnh đó, các chương trình kêu gọi ủng hộ doanh nghiệp, kêu gọi Chính phủ liêm chính cần phải thực hiện được xuống dưới. Bởi vì nhiều khi chủ trương mới chỉ nằm ở cơ quan đầu não chứ chưa đi xuống từng cấp xã, huyện.
“Tôi thiết nghĩ, nên chăng cần có chỉ số chấm điểm các sở, ban, ngành do chính người dân và doanh nghiệp chấm. Có như thế mới thực sự đi sâu đi sát được đến tận cùng giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Đoàn nhấn mạnh./.
Bình luận