Từ khóa: kinh tế tư nhân, khởi nghiệp, Bến Tre

Summary

The study analyses the assessment of the private sector on Ben Tre province’s investment environment and development policies. On that basis, the articcle proposes some policies implications to promote the development of this sector in Ben Tre province in the future, including: (i) Improving the investment environment and administrative reform to attract investment; (ii) Developing leading enterprises and linking value chains associated with circular economy development; (iii) Continuing to perfect the startup ecosystem in accordance with reality and new development conditions; (iv) Improving the operation quality to develop the household businesses into enterprises; (v) Promoting market connection and trade promotion.

Keywords: private economy, start-up, Ben Tre

GIỚI THIỆU

Kết quả phát triển của khu vực KTTN của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, kết quả phát triển khu vực KTTN tại Tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định, như: tỷ trọng đóng góp trong GRDP của cả khu vực KTTN không có sự thay đổi lớn trong suốt thời gian dài. Sự tăng trưởng của khối DN tư nhân chỉ là kết quả của nguồn vốn “mồi” của Chính phủ và địa phương qua các chương trình khởi nghiệp, nội tại khu vực KTTN vẫn chưa đủ mạnh để có thể phát triển đột phá. Quy mô của các DN tại Bến Tre là rất nhỏ, chưa có nhiều DN tư nhân lớn có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Xác định KTTN là động lực quan trọng phát triển kinh tế Tỉnh, trong thời gian tới Bến Tre cần tiếp tục có những chính sách và hành động thúc đẩy phát triển KTTN, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của Tỉnh.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp thống kê - mô tả, phân tích - tổng hợp và phương pháp chuyên gia để đánh giá các kết quả khảo sát doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong Tỉnh về các vấn đề liên quan đến chính sách và môi trường đầu tư, SXKD.

Các nội dung khảo sát DN được đo lượng bằng thang đo Likert 5 điểm với mức đánh giá thấp nhất là 1 điểm và cao nhất là 5 điểm (1 - Hoàn toàn không đồng ý; 5 - Hoàn toàn đồng ý). Phương pháp phân tích đánh giá của DN cho các tiêu chí sẽ được phân tích dưới góc độ điểm số trung bình có xem xét độ lệch chuẩn và sự phân bổ tỷ lệ DN lựa chọn các mức đánh giá. Với mẫu khảo sát, số DN được lựa chọn để khảo sát là 206 mẫu và số hộ kinh doanh được lựa chọn khảo sát là 410 phân bổ cho 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

ĐÁNH GIÁ CỦA KHU VỰC KTTN VỀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KTTN TẠI TỈNH BẾN TRE

Môi trường đầu tư

Về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư

Đối với DN. Nhìn chung, DN đánh giá về môi trường đầu tư, SXKD ở Bến Tre khá hấp dẫn (3,43/5 điểm). So sánh về sự hài lòng trong môi trường đầu tư, thì độ lệch chuẩn trong đánh giá về sự hấp dẫn trong môi trường đầu tư thấp (độ lệch chuẩn là 0,92), chứng tỏ có sự cảm nhận đồng đều hơn của DN khi đánh giá về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Điều này cũng hàm ý cho Tỉnh trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ DN cần xuyên suốt và dài hạn trong quá trình SXKD.

Hình 1: Sự hấp dẫn trong môi trường SXKD đối với DN

Một số hàm ý chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Bến Tre
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Đối với các hộ SXKD, các hộ đánh giá chung về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, SXKD tại Bến Tre với mức điểm trung bình là 3,45/5 điểm (mức đánh giá của DN là 3,43 điểm). Nhìn chung, các hộ kinh doanh cũng đánh giá về môi trường đầu tư, SXKD ở Bến Tre khá hấp dẫn và tương đồng với đánh giá của các DN.

Hình 2: Sự hấp dẫn về môi trường SXKD đối với hộ kinh doanh

Một số hàm ý chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Bến Tre
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Về sự hài lòng với môi trường đầu tư

Đối với DN. Mặc dù số điểm trung bình ở mức khá (3,39/5 điểm), nhưng độ lệch chuẩn cũng khá cao (độ lệch chuẩn là 1,13). Điều này cho thấy, vẫn còn sự chênh lệch cao trong đánh giá sự hài lòng về môi trường đầu tư tại Tỉnh. Phân tích sâu kết quả thống kê cũng cho thấy, có đến 56,25% DN chỉ đánh giá ở mức tương đối hài lòng trở xuống.

Hình 3: Sự hài lòng về môi trường SXKD doanh đối với DN

Một số hàm ý chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Bến Tre
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Đối với các hộ kinh doanh, các hộ đánh giá chung về sự hài lòng khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại Bến Tre với 3,51/5 điểm (mức điểm đánh giá của DN là 3,39/5 điểm). Độ lệch chuẩn trong đánh giá tiêu chí này của hộ SXKD cũng không cao bằng DN (độ lệch chuẩn là 0,82; trong khi của khối DN là 1,13). Điều này cho thấy, so với DN, các hộ kinh doanh hài lòng tương đối đồng đều hơn về môi trường SXKD tại Tỉnh. So với các DN, các thủ tục, điều kiện, yêu cầu đối với SXKD ở cấp độ hộ tương đối đơn giản hơn. Do đó, các hộ kinh doanh không vướng nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động.

Hình 4: Sự hài lòng về môi trường SXKD đối với hộ kinh doanh

Một số hàm ý chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Bến Tre
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Đánh giá các chính sách phát triển KTTN

Đối với các chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đa số các hộ SXKD đều đồng ý rằng, Tỉnh có những chính sách ưu đãi, với mức đánh giá rất cao, với 4,11/5 điểm (Bảng). Phỏng vấn sâu các hộ kinh doanh, thì các chính sách này chủ yếu là vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp với lãi suất ưu đãi của các chương trình khuyến nông. Và, hầu như các hộ SXKD chỉ mới tiếp cận và hưởng các ưu đãi về nguồn vốn vay. Trong khi đó, các hỗ trợ để tiếp cận thị trường và tiếp cận liên kết chuỗi giá trị với các DN là giải pháp then chốt để phát triển trong dài hạn lại chưa được triển khai mạnh mẽ.

Bảng: Đánh giá chính sách cho sự phát triển của hộ SXKD*

STT

Tiêu chí

Điểm trung bình

Lệch chuẩn

1

Tỉnh có cách chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế hộ gia đình

4,11

0,81

2

Đã tiếp cận và nhận được các hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế hộ

2,44

1,86

3

Các chính sách hỗ trợ của Tỉnh có hiệu quả cao đối với quá trình SXKD

3,96*

0,89

4

Đã tiếp cận được những chính sách thúc đẩy các hộ kinh doanh phát triển lên loại hình DN

2,83

1,02

5

Tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động hộ phát triển lên loại hình DN

3,85

0,88

(*1.Hoàn toàn không đồng ý; 2.Không đồng ý; 3.Tương đối đồng ý; 4.Đồng ý; 5.Hoàn toàn đồng ý)

Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Đối với chương trình, chính sách thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh lên DN. Với các kế hoạch triển khai chương trình đồng khởi khởi nghiệp, tỉnh Bến Tre đã có các chương trình cụ thể để vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh phát triển lên DN. Các hộ kinh doanh đã đánh giá các hoạt động tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh phát triển lên loại hình DN tương đối tốt (3,85/5 điểm). Tuy nhiên, các hộ kinh doanh lại chưa thể tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ các chính sách, ưu đãi, cơ hội và những thách thức khi phát triển lên loại hình DN (đánh giá 2,83/5 điểm) (Hình 5).

Hình 5: Chính sách phát triển cho các hộ SXKD

Một số hàm ý chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Bến Tre
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Đối với tiếp cận và nhận được hỗ trợ trong phát triển kinh tế hộ. Mức điểm trung bình là 2,44/5 điểm. Hàm ý rằng, khả năng các hộ SXKD tiếp cận và nhận được các hỗ trợ trong phát triển kinh tế hộ là rất thấp. Tuy nhiên, độ lệch chuẩn lại rất cao (độ lệch chuẩn = 1,86). Quan sát thống kê dữ liệu cho thấy, trong số 195 hộ kinh doanh được khảo sát, 34,8% hộ trả lời từ mức đồng ý trở lên (trong đó, 33,3% lựa chọn mức 5) và 63,5% hộ trả lời ở mức không đồng ý trở xuống (trong đó, 60,5% lựa chọn mức 1). Kết quả này cho thấy, đã có một số lượng không nhỏ các hộ SXKD đã tiếp cận và nhận được các hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế hộ (33,3 đến 34,8%). Các hỗ trợ này chủ yếu là các khoản vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Các hộ đã tiếp cận các khoản vay này nhìn chung đánh giá có hiệu quả cao đối với quá trình SXKD (3,96/5 điểm).

NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KTTN TẠI TỈNH BẾN TRE

Một, các DN, hộ kinh doanh khó khăn trong quá trình kết nối với DN trong các địa phương lân cận và trong cả nước. Khả năng mở rộng quy mô sản xuất kém do chưa thể liên kết để mở rộng sản xuất và gia tăng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, sự kết nối của DN với các hộ kinh doanh tại Tỉnh cũng ở mức thấp, các liên kết thường rất rời rạc.

Hai, khả năng liên kết chuỗi giá trị để tạo nguồn cung ứng đầu vào kém. Nguồn nguyên liệu tại địa phương là yếu tố tiên quyết để các DN đầu tư phát triển tại Bến Tre. Tuy nhiên, khả năng liên kết với các đối tác nông dân, hợp tác xã để tạo thành chuỗi cung ứng đầu vào còn gặp nhiều khó khăn, do nền tảng liên kết tại địa phương vốn rất thấp.

Ba, nguồn nhân lực tại địa phương đáp ứng yêu cầu chỉ được DN và hộ kinh doanh đánh giá dao động quanh mức trung bình, một bộ phận lao động thiếu chuyên môn và tay nghề. Ngay cả nguồn lao động phổ thông cũng khó tuyển dụng và biến động nhiều, phụ thuộc vào biến động sản xuất ở khu vực TP. Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương.

Bốn, vị trí địa lý của Bến Tre vốn là một trong những điểm yếu của Tỉnh trong kết nối giao thương cả nước với sự ngăn cách địa hình bởi các con sông, cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, bến bãi của Tỉnh cũng chưa thể hoàn thiện để thuận lợi nhất cho các DN hoạt động.

Năm, các chính sách của Tỉnh hỗ trợ tốt cho DN ở giai đoạn đầu thành lập, tuy nhiên, đến giai đoạn vận hành, các DN đánh giá sự hỗ trợ của các chính sách này ở mức kém hơn. Tỉnh thiếu nguồn lực để thực hiện các chính sách trong dài hạn và thiếu cơ chế thực thi cụ thể để DN có thể thuận lợi tiếp cận được các hỗ trợ từ chính sách.

Sáu, mặc dù công tác cải cách hành chính được cải thiện liên tục, nhưng khâu thực thi vẫn còn những nhũng nhiễu nhất định cho DN. Nhiều DN đồng ý rằng, họ phải mất các chi phí chìm để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan trong quá trình hoạt động. Các thủ tục đó có thể liên quan đến thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Bảy, các ấn phẩm để vận động hộ kinh doanh phát triển lên DN còn tương đối chung chung, chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp các thông tin cơ bản và chủ yếu là các thuận lợi khi phát triển lên DN, thiếu vắng những thông tin về chính sách ưu đãi, cơ hội và thuận lợi, hoặc những hướng dẫn cơ bản về quản trị DN và thách thức khi kinh doanh ở quy mô lớn...

Tám, các DN khó khăn trong khâu tiếp cận thị trường và đầu ra sản phẩm, nhưng các chính sách hỗ trợ để tiếp cận thị trường, tiếp cận liên kết chuỗi giá trị với các DN sản xuất lớn, thị trường tiêu thụ lớn chưa được đầu tư đúng mức và xuyên suốt.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC KTTN TỈNH BẾN TRE TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Tỉnh cần xây dựng xây môi trường thể chế thông thoáng và minh bạch tạo thuận lợi cho các DN phát triển; Nâng cao khả năng thực thi các chính sách ưu đãi, tạo niềm tin cho DN khi tiếp cận các chính sách; Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và DN; Đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông.

Thứ hai, phát triển các DN đầu tàu và liên kết chuỗi giá trị gắn với kinh tế tuần hoàn. Tỉnh cần tập trung chủ yếu các nguồn lực để kêu gọi các dự án đầu tư lớn có khả năng dẫn dắt thay vì chạy theo số lượng DN; Phát triển các DN vệ tinh cung ứng đầu vào; đẩy mạnh liên kết nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất gắn với kinh tế tuần hoàn. Việc gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giải quyết được bài toán tăng trưởng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp thực tế và điều kiện phát triển mới. Tỉnh cần có các giải pháp cụ thể hơn trong thực hiện hoạt động khởi nghiệp theo hướng tăng cường hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời kết nối với với các tỉnh, thành phố khác trong vùng, để tạo nên một hệ sinh thái vững chắc. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có trọng điểm, hướng đến phát triển DN hoạt động có hiệu quả; xây dựng các nguồn lực lớn để hỗ trợ và đầu tư cho các dự án/ý tưởng khởi nghiệp theo chiều sâu.

Thứ tư, nâng chất các hoạt động nhằm phát triển hộ kinh doanh lên DN. Tỉnh cần đặc biệt chú ý đến nội lực phát triển và khả năng tiếp cận thị trường của DN sau chuyển đổi. Cụ thể là: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN; Đào tạo các kiến thức cần thiết về quản trị DN, thị trường cho các hộ kinh doanh có tiềm năng; Rà soát và hoàn thiện các chính sách đối với hộ kinh doanh lên DN.

Thứ năm, đẩy mạnh kết nối thị trường và xúc tiến thương mại. Tỉnh cần xây dựng các chính sách hỗ trợ từ việc xây dựng thương hiệu đến các hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, cần tập trung vào những nhóm giải pháp, như: Đẩy mạnh xây dựng và triển khai các chính sách xúc tiến thương mại; tập trung các chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng các kênh, mạng lưới xúc tiến thương mại hiệu quả./.

NCS. Nguyễn Hoàng Anh, TS. Nguyễn Văn Nên

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 34, tháng 12/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tỉnh uỷ Bến Tre (2016), Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 28/4/2016 về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN tỉnh Bến Tre.

2. UBND tỉnh Bến Tre (2016), Quyết định số 4181/QĐ-UBND, ngày 15/8/2016 về hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

3. UBND tỉnh Bến Tre (2017), Kế hoạch số 1537/KH-UBND, ngày 17/4/2017 về chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017-2020.

4. UBND tỉnh Bến Tre (2020), Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND, ngày 3/1/2020 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ DNNVV tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025.