Kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt nhiều kết quả khả quan
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngày 01/7/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 13 ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Chính phủ đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 78 trong đó đề ra 14 chỉ tiêu phát triển, 26 nhiệm vụ và 07 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông |
Đến nay, sau 2 năm thực hiện đã hoàn thành 04/26 nhiệm vụ gồm các nhiệm vụ lớn, trong đó trọng tâm là phê duyệt quy hoạch tỉnh của 13/13 địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành 5 dự án quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2, đang triển khai một số đoạn tuyến như tuyến Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cần Thơ - Cà Mau; tuyến từ nút giao An Bình (Đồng Tháp) - Lộ Tẻ (Cần Thơ); tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang); cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh (đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận); Cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi; nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II... Đang hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Nghị quyết 108 của Chính phủ về vay 2,53 tỷ USD để đầu tư hệ thống đường ven biển và các dự án quan trọng của vùng. Các dự án còn lại đang được các Bộ, ngành và địa phương xây dựng lộ trình nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng có nhiều kết quả khả quan
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng có nhiều kết quả khả quan.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng trên kinh tế; cao gấp gần 1,3 lần so bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 72,32 triệu đồng/người, tăng 10,1% so với năm 2022 (65,69 triệu đồng/người);
Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp giảm dần; công nghiệp-xây dựng có xu hướng tăng; khu vực dịch vụ tăng nhẹ. Cơ cấu của 3 khu vực năm 2023 lần lượt là 30,05%; 27,62%; 37,07% và Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 5,26%.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,15%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (5,71%).
Môi trường kinh doanh được cải thiện, toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất, trong đó, Long An là địa phương bứt phá mạnh mẽ, đứng thứ 2 về chỉ số PCI năm 2023 (sau Quảng Ninh).
Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%; một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.
Ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho Vùng
Các bộ, ngành đã nỗ lực tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho Vùng. Cụ thể là Nghị quyết số 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ trong đó 07 dự án quan trọng của Vùng được áp dụng; Nghị quyết số 111 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 08 chính sách đặc thù; Luật Đất đai, trong đó phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, bãi bỏ thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển đổi rừng, đây là chính sách sẽ tháo gỡ rất nhiều cho các địa phương trong Vùng.
Qua 6 tháng thực hiện kế hoạch hoạt động Hội đồng vùng năm 2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành 13/27 nhiệm vụ đạt tỷ lệ 48% đó là các nhiệm vụ về công tác quy hoạch, kiện toàn, xây dựng bộ máy điều phối vùng ở các cấp, các nhiệm vụ còn lại về rà soát cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng các đề án về phát triển các ngành, lĩnh vực đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, thực hiện.
Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện các hoạt động liên kết, kết nối để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đã phối hợp triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký kết về hợp tác giữa các địa phương trong vùng, tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với TP Hồ Chí Minh; đã ký kết biên bản ghi nhớ liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau giữa 4 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - Kiên Giang, đã thay đổi rõ nét từ tư duy cho đến hành động cụ thể với phương châm “không thể đi xa nếu không đi cùng nhau”.
"Như vậy, mặc dù thời gian triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ không dài; Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL được thành lập mới thay thế Hội đồng vùng được thành lập năm 2021, nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, địa phương trong vùng đã quán triệt nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; ĐBSCL đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực; Công tác điều phối, liên kết vùng dần nhịp nhàng, phát huy hiệu quả; Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; Công tác an sinh xã hội được quan tâm đầy đủ", Thứ trưởng tổng kết.
Các bộ, ngành đã tích cực chủ động phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Quy hoạch Vùng
Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được ban hành sớm nhất so các vùng trên cả nước; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch Vùng tại Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 07/7/2023, đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của Vùng trong thời kỳ quy hoạch.
Với tổng số 363 chương trình, dự án của quy hoạch được xác định, đây là những dự án lớn, quan trọng, có tính chất dẫn dắt, có tác dụng lan tỏa sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trước, đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng để làm mồi dẫn thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung và thúc đẩy liên kết vùng nói riêng với tổng số 116 dự án,
Quy hoạch vùng đã định hướng từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa là chính sang mô hình thủy sản - trái cây - lúa gạo nhằm tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Qua 02 năm thực hiện Quy hoạch Vùng, các bộ, ngành đã tích cực chủ động phối hợp với các địa phương liên quan để triển khai thực hiện; Lãnh đạo các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới toàn vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số chính sách áp dụng riêng cho vùng
Thứ trưởng cho biết, sau khi rà soát, ngoài các chính sách có thể áp dụng chung các vùng khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số chính sách áp dụng riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ nhất, cơ chế, chính sách về cho lĩnh vực nước sạch, nước sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ những khu vực khó khăn, khan hiếm nguồn nước sạch; Cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư các hệ thống hồ chứa với quy mô lớn (khoảng 30ha/hồ) trữ nguồn nước ngọt dự phòng.
Thứ hai, ban hành chính sách phát triển nông lâm ngư nghiệp, trong đó ưu đãi đặc biệt cho người trồng lúa nhằm ổn định vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước; chính sách về tạm trữ lúa gạo hỗ trợ người nông dân liên kết các chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp thuận thiên, bền vững.
"Các địa phương trong vùng được phép được chuyển đổi linh hoạt phần diện tích quy hoạch đất trồng lúa kém hiệu quả sang sang đất trồng hoa màu, trái cây,... với định mức ở vùng ĐBSCL cao hơn ít nhất 30% so với trung bình của cả nước", Thứ trưởng cho biết.
Thứ ba, cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư phù để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo an sinh cho người dân ở khu vực ven biển.
Thứ tư, nâng mức đặc thù về suất đầu tư cho các công trình giao thông xây dựng mới hoặc bảo trì đối với khu vực ĐBSCL.
Thứ năm, chính sách đào tạo thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các nội dung chính sách được rà soát, trong đó, tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành. "Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả", Thứ trưởng cho biết./.
Bình luận