Kỳ vọng về tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã thành hiện thực sau 2 năm thực thi EVFTA
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị "Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA - Những thành quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả", do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (ngày 27/12).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị |
Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực với Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/8/2020. Đây là cột mốc quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vì sau gần 10 năm nghiên cứu khả thi, đàm phán, ký kết và phê chuẩn, lần đầu tiên trao đổi thương mại giữa Việt Nam với một thị trường truyền thống quan trọng như EU được tiến hành dựa trên cơ sở là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với cam kết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa hoạt động dịch vụ và đầu tư…
Các cam kết này được xây dựng theo kết cấu cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ cho cả EU và Việt Nam, vì vậy, được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho quan hệ thương mại song phương.
Thực tế 2 năm triển khai EVFTA cho thấy, kỳ vọng về sự tăng trưởng cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu sang EU đã trở thành hiện thực.
Mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở EU và trên toàn thế giới, nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng. Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3% và sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%.
Riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực, như: Dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA |
Một điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu sang EU được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
“Những kết quả tích cực trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA” ”, ông Khánh đánh giá.
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA, song lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng đây mới chỉ là bước đầu. Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan. Đặc biệt, thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã khai thác rất tốt thị trường EU. Cụ thể, năm 2018, Tập đoàn xuất khẩu vào thị trường EU hơn 2.000 tấn gạo; 2019 là 8.000 tấn; 2020 là 11.000 tấn; 2021 là 12.000 tấn và năm 2022 tính đến thời điểm hiện tại là khoảng trên 24.000 tấn. Tuy vậy, còn nhiều dư địa để đưa gạo Việt Nam vào thị trường EU.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt còn thấp
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ, những nỗ lực trong thời gian vừa qua cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, để tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội từ EVFTA, bởi lẽ cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dù chúng ta đã đạt được những thành công kể trên, nhưng mới chỉ là bước đầu.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới vẫn còn thấp. Nếu như năm 2019, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì năm 2021 giảm xuống còn 11,9% dù EVFTA đã đi vào thực thi hơn một năm.
Trong khi đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt còn thấp, dẫn tới tỷ trọng các mặt hàng không cao. Các mặt hàng có ưu đãi lớn nhất là thủy sản, rau quả cũng có giá trị còn khiêm tốn với 2,7% và 4,2% thị phần tại EU. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của việt Nam là máy vi tính, dệt may, máy móc cũng chỉ chiếm lần lượt 1,45%; 3,8%; 2,19%.
“Việt Nam mất hơn 10 năm để chuẩn bị đàm phán, ký kết với sự nỗ lực từ các ban, ngành, doanh nghiệp... để có thể đưa đến cơ hội xuất khẩu con cá, hạt gạo hay các mặt hàng có khả năng xuất khẩu với thuế suất 0%. Tuy nhiên, lợi thế từ EVFTA sẽ không còn khi các đối thủ đang bắt đầu tiến tới ký kết FTA với EU. Hiện nay, trong khu vực, EU đã có FTA với Singapore và đang khởi động với Malaysia, Thái Lan…”, ông Khanh nói.
Hơn nữa, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng.
Dù doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tăng tốc, nhưng hàng hóa Việt Nam cũng mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU. Những mặt hàng thế mạnh chiến lược của Việt Nam dư địa thị phần rất ít và dư địa còn lớn.
“Doanh nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn gia công khá nhiều. Những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang EU hiện chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn sợ không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của EU”, ông Khanh cho hay.
Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn
Bên cạnh đó, dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn. Ông Khanh cho biết, có 7 nhóm mặt hàng bao gồm cả công nghiệp và nông nghiệp là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, bao gồm: Máy vi tính; dệt may; máy móc và thiết bị; giày dép; rau quả tươi, rau củ quả chế biến; thuỷ sản (cá tra và các sản phẩm khác); gạo.
Chẳng hạn, với mặt hàng rau quả tươi và rau củ quả chế biến, theo ông Khanh, nếu không có EVFTA, thì thuế suất sẽ ở mức cao nhất là 20%, nhưng nhờ có EVFTA thì hiện phần lớn thuế đã về mức 0%. Tuy nhiên, tỷ lệ mặt hàng rau quả tươi, rau quả chế biến Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới chiếm khoảng 2,7% thị phần tại EU, nên tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam đưa mặt hàng rau quả tươi, rau củ quả chế biến xuất khẩu vào EU là rất lớn.
Tương tự với nhóm mặt hàng máy móc và thiết bị, nếu không có EVFTA, thì thuế suất sẽ ở mức tối đa là 13,9%, nhờ có EVFTA đã xóa bỏ phần lớn thuế ngay khi gia nhập, còn lại sau 5 năm. Tỷ lệ mặt hàng máy móc và thiết bị xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới chiếm khoảng 2,19%. Đây cũng là nhóm hàng có tiềm năng rất lớn xuất khẩu vào EU.
Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản có tới 85,6% kim ngạch được hưởng thuế 0%, nhưng thị phần vẫn khiêm tốn chỉ hơn 4%; thị phần dệt may là 3,8%, gạo là 2%.
Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chủ động và tự tin
Từ những phân tích trên, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua EVFTA, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai 4 nội dung, bao gồm:
- Xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội.
- Triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX.
- Đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho các CEO, chủ doanh nghiệp.
- Thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành xác định một đến hai mặt hàng chiến lược có thế mạnh của tỉnh, sau đó để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền hỗ trợ. Cùng với đó, thay vì những hội nghị chung chung, thì Bộ sẽ có những buổi tọa đàm, tập huấn sát hơn để tuyên truyền cho doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chủ động và tự tin. Tôi đã từng gặp những doanh nghiệp đầu tư rất bài bản, công nghệ tốt, nhưng lại không tự tin, họ sợ rằng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU", ông Khanh nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang EU, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu bưởi, dừa và thanh long vào EU theo Hiệp định EVFTA. Thị trường EU đòi hỏi phải có chứng nhận Global GAP (Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), đòi hỏi nhà máy chế biến, đóng gói trái cây phải áp dụng tiêu chuẩn ISO, phải có chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) và chứng nhận Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SMETA). Các tiêu chuẩn ấy, Vina T&T đã có sẵn, nên việc đàm phán bán hàng với EU diễn ra thuận lợi và được hưởng mức thuế 0%.
Theo ông Tùng, rau củ quả là thực phẩm thiết yếu nên thị trường thế giới luôn rộng mở. Doanh số xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam hiện chỉ chiếm 1% trên thế giới.
Các FTA sẽ mang lại thuận lợi cho Việt Nam giao thương với các nước, nhưng muốn tận dụng triệt để các FTA, thì doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa. Việt Nam phải sản xuất ra những mặt hàng cùng một tiêu chuẩn để có thể bán vào EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và trong nước đều được.
Và quan trọng là nhà nông và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững, xuất khẩu ngày càng tăng./.
Bình luận