“Làm mới” quy định về trái phiếu doanh nghiệp, chưa ổn
Coi chừng “bó” doanh nghiệp gọi vốn
Trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi tới Vụ Tài chính các Ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Dự thảo bổ sung thành phần hồ sơ là kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với trường hợp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, có kết quả kinh doanh lỗ. Quy định này cần được xem xét lại, do quy định pháp lý và thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa phát triển: các chuẩn mực xếp hạng chưa được hình thành, hiện thị trường mới chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Việc yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ gây khó khăn lớn cho các tổ chức phát hành, cũng như gây một số quan ngại liên quan đến chất lượng của kết quả xếp hạng tín nhiệm – vốn là yếu tố hàng đầu trong việc yêu cầu thành phần hồ sơ này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc bổ sung quy định này, có thể theo hướng đưa ra lộ trình phù hợp, bắt đầu từ việc khuyến khích doanh nghiệp sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành trong 11 tháng năm 2021. Nguồn: VBMA |
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định: doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành là tương đối rộng, trong đó có những hành vi vi phạm nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, nên quyền được mua lại trong trường hợp này là không hợp lý. Việc này tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là chỉ khi doanh nghiệp phát hành có những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nhà đầu tư không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì mới phát sinh quyền này. Trong một số trường hợp, dù thay đổi mục đích sử dụng, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận và có nhu cầu giữ trái phiếu. Khi đó, quy định doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm mua lại trái phiếu trước hạn là không hợp lý. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp có cam kết mua lại khi thay đổi mục đích sử dụng, các vi phạm nghiêm trọng về phát hành trái phiếu hoặc phương án phát hành, trừ trường hợp các nhà đầu tư (trái chủ) chấp nhận các nội dung này.
Tránh gây khó cho nhà đầu tư
Dự thảo quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm. Theo VCCI, quy định này không phù hợp với quyền tự do ra quyết định của nhà đầu tư. Kết quả tín nhiệm chỉ nên được xem là một thông tin tham khảo cho nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định đầu tư, không nên được coi là điều kiện loại trừ nhà đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. |
Liên quan đến xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu. Yêu cầu xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vào thời điểm bán là không cần thiết. Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm đảm bảo các cá nhân nhỏ lẻ không chuyên có thể tham gia vào lĩnh vực này. Tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường), nên yêu cầu này không còn ý nghĩa. Hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này…
Dự thảo quy định nhà đầu tư có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn khi phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn không đúng mục đích. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng như thế nào được coi là “phát hiện”? Liệu có cần kết luận của cơ quan có thẩm quyền về doanh nghiệp sử dụng tiền không mục đích hay nhà đầu tư chỉ cần yêu cầu là sẽ được mua lại? Nếu không có căn cứ yêu cầu mua lại phù hợp, chỉ cần có tin đồn trên thị trường, có thể khiến một lượng nhà đầu tư yêu cầu mua lại trái phiếu, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng nhà đầu tư được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích…/.
Bình luận