Lạm phát mục tiêu 4,5% trong năm 2023 là một thách thức đối với kinh tế Việt Nam
Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/2022 tăng 0,67% so với quý trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê đã trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo xung quanh vấn đề này.
|
Những yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát năm 2022
PV: Thưa bà, trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát năm 2022 với mức tăng 3,15%. Xin bà cho biết đâu là nguyên nhân?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Năm 2022, mặc dù tình hình dịch Covid-19 có xu hướng được kiểm soát, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp, kết hợp với xung đột Nga - Ucraina và sự xuất hiện nhiều yếu tố mới đã làm tăng thêm khó khăn, thách thức như: Căng thẳng năng lượng, giá dầu và hàng hóa thế giới tăng cao; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng tiếp tục bị đứt gãy; chính sách tài khóa, tiền tệ được nhiều nền kinh tế điều chỉnh theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát đã tác động tới khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế, một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực...
Trong bối cảnh đó tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tại khu vực châu Âu và Mỹ. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 7,1% và Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%.
Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung, khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát của Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong nước, bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây là thành công lớn của Việt Nam, kiểm soát lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp. Để đạt được thành công này, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới CPI được kiểm soát giá chặt chẽ. Đối với giá dịch vụ y tế, nếu thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình, thì năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ các loại chi phí theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này đến nay chưa hoàn thành đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Thêm vào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chưa tăng giá điện, mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như: Giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, bảo đảm đầy đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm. Giá thịt lợn bình quân năm nay giảm 10,68% so với năm trước, giá nhà ở thuê giảm 1,83%, chủ yếu giá giảm trong các tháng đầu năm cũng là những yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Khả năng thực hiện mục tiêu lạm phát 4,5% trong năm 2023 thế nào?
PV: Năm 2023, mục tiêu lạm phát Quốc hội đặt ra là khoảng 4,5%, cao hơn những năm trước (khoảng 4%), bà nhận định thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu này?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Lạm phát mục tiêu 4,5% trong năm 2023 là một thách thức đối với kinh tế Việt Nam, chúng tôi đánh giá có một số yếu tố sẽ tạo áp lực cho lạm phát năm sau:
Thứ nhất, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2023. Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát thế giới đã đạt đỉnh trong năm 2022, lạm phát năm 2023 sẽ giảm nhưng vẫn ở mức cao, tiếp tục là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, do đó mọi biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero-covid sẽ gia tăng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy giá cả trên thế giới tăng, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 tăng 6,79% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,56%, mức tăng cao nhất từ năm 2012, trong khi hơn 90% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang phải chịu sức ép rất lớn về chi phí sản xuất.
Thứ ba, thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý sẽ tác động mạnh tới CPI. Trong đó, giáo dục và y tế là hai nhóm chiếm quyền số gần 12% trong rổ hàng hóa tính CPI, nên nếu học phí và dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh giá theo lộ trình sẽ tác động tới CPI trong năm 2023. Giá điện sinh hoạt của EVN cũng có thể tăng giá trong năm tới, khi chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm, điều này cũng sẽ tạo áp lực lên lạm phát.
Thứ tư, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023 như chính sách giảm thuế VAT sẽ khiến giá hàng hóa tăng trở lại. Ngoài ra, việc tăng lương từ 1/7/2023 có khả năng kéo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên theo.
Thứ năm, áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2023 như:
Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Chính sách giảm thuế bảo vệ đối với môi trường đối với xăng dầu dự kiến có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023, sẽ kiềm chế tốc độ tăng của giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, với quyết tâm, kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, cùng sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, Tổng cục Thống kê tin tưởng rằng mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% có thể đạt được./.
Bình luận