Lão nông mê sáng chế ở Bình Dương
Ông vốn là nông dân ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Đất chật người đông, người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông nên cuộc sống rất khó khăn. Mong muốn đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo khó, năm 1990, ông cùng gia đình lên ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tìm nghề để lập nghiệp.
Như một nhân duyên, ông tìm đến với cây cao su. Với đức tính cần cù, chăm chỉ của người nông dân, ông vừa thu mua và khai thác 10 héc ta cao su đồng thời trồng xen canh các loại hoa màu khác. Ngoài ra, ông còn sản xuất giống cây cao su vừa để trồng, vừa để bán cho bà con nông dân xung quanh vùng.
Đến nay gia đình ông Long đang trồng 25 héc ta cao su
Nhờ cần cù, chịu khó, linh hoạt vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ sở sản xuất của gia đình ông ngày càng mở rộng. Đến nay, gia đình ông đang trồng 25 héc ta cao su, trong đó đã có 10 héc ta đang khai thác mủ. Bình quân thu nhập từ khai thác mủ cao su sau khi trừ chi phí là 600 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, ông luôn chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức khoa học, tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Ông chia sẻ thêm: “Thấy công nhân ngày ngày đi quét lá cao su vất quả quá tôi liền suy nghĩ để tạo ra cái máy thổi lá cây để hỗ trợ cho người lao động mà giảm chi phí cũng đáng kể. Đầu năm 2007, tôi tiếp tục cải tiến, sáng chế máy rải phân tự động cho cây cao su. Máy rải được các loại phân hữu cơ vi sinh, hóa học, vừa trộn vừa rải, hoạt động không kể trời mưa hay nắng...” Ông Long tâm sự: với chiếc máy rải phân tự động công suất 20 mã lực do 1 người điều khiển, năng suất cao gấp 25 lần lao động thủ công, lại chủ động được thời vụ.
Ông nhớ lại: “Năm 2010 cây cao su bị dịch bệnh nhiều lắm lá rụng trụi cả cây, phun thuốc thì cực kỳ khó khăn vì cây cao hơn cả chục mét. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi quyết định chế tạo cái máy phun thuốc, ai ngờ thành công lớn. Máy phun này giúp giảm chi phí và sức lao động lớn cho trang trại, trong 8 giờ, máy xịt được 12-15ha mà chỉ cần 1 người điều khiển. Nhiều người nghe tin cũng tìm đến học hỏi, tôi biết gì chỉ hết, tôi đưa luôn bản vẽ để họ về chế tạo mà phục vụ gia đình nên được bà con mến lắm, còn đặt biệt danh cho tôi là ông “Hai Gật” nữa chứ!”
Cải tiến, sáng chế 3 máy phục vụ trồng, chăm sóc cao su và các loại cây màu khác đã giúp hiệu quả sản xuất, kinh doanh của gia đình ông tăng lên rõ rệt: 25ha cao su của gia đình ông, 10ha đã cho mủ, trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Long cùng Hội Nông dân đã giúp 5 hộ hội viên mượn vốn không lấy lãi (12 triệu đồng/hộ); tạo việc làm ổn định cho 8 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Ba máy do ông cải tiến, sáng chế đều được Hội Nông dân và UBND tỉnh Bình Dương trao bằng khen. Riêng máy phun thuốc trừ sâu cao áp đoạt giải Nhì Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Bình Dương năm 2010. “Máy ngoại giá cao, có khi mua về vẫn phải cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. Máy tôi chế tạo có thể phổ biến rộng cho bà con cùng làm...” - ông Long cho hay.
Nông dân Nguyễn Văn Long bên sáng chế của mình
Khi được hỏi về những dự tính trong tương lai, ông Long tâm sự: “Đời tôi đã khổ lắm rồi chỉ mong lo cho con cháu ăn học thành tài, làm người có ích cho xã hội. Ở đâu có cái gì hay hỗ trợ cho kiến thức nông nghiệp thì tôi tiên phong đi liền”. Máy thổi lá cao su, máy rải phân tự động, ông đều phổ biến kinh nghiệm, quy trình cải tiến, chế tạo máy cho nhiều hộ trong và ngoài tỉnh.
Giữa rừng cao su bạt ngàn chúng tôi được nghe nhiều chuyện về loại cây đã làm hồi sinh vùng đất cằn cỗi này, càng quý hơn về sự chia sẻ thân tình của các bậc tiền bối thì không gì quý bằng. Khi rời khỏi đây, câu nói hóm hỉnh của người nông dân chân chất này cứ quanh quẩn trong đầu tôi “Người thì già chớ kiến thức tôi không già à nghen”.
Bình luận