Ngành công nghiệp hoá chất duy trì mức tăng trưởng ổn định

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước, bắt đầu với những nhà máy phân bón, hoá chất tiêu dùng tại miền Bắc do Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ với mục đích cung cấp phân bón và một số loại hoá chất phục vụ tiêu dùng.

Ngay từ giai đoạn hình thành, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Nhờ đó, những năm qua, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể. Chủng loại, cơ cấu sản phẩm ngày càng đa dạng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trong một số lĩnh vực như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác.

Đặc biệt, kể từ khi Luật Hóa chất có hiệu lực vào năm 2007, đến nay ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được những tổ chức nghiên cứu, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành, bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp hóa chất duy trì được mức tăng trưởng ổn định qua các năm (trung bình 10% - 11%/năm)

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp hóa chất duy trì được mức tăng trưởng ổn định qua các năm (trung bình 10% - 11%/năm), sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đã đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, dần tiệm cận với các sản phẩm trong khu vực.

Riêng năm 2023, tổng doanh thu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đạt 55.286 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.277 tỷ đồng... Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn đạt 50.362 tỷ đồng, doanh thu đạt 55.286 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.922 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho khoảng 18.000 lao động với mức tiền lương bình quân hơn 13,52 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2023, Vinachem đã sản xuất hơn ba triệu tấn phân bón và 3,4 triệu lốp ô-tô các loại; 330.000 tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hóa chất phục vụ cho đời sống. Một số sản phẩm ghi nhận tăng mạnh so với năm 2022 như DAP tăng 35%, Urê tăng 17%, supe lân tăng 15%, xút thương phẩm tăng 5%; chất giặt rửa tăng 18%... Giá trị thực hiện công tác đầu tư xây dựng đạt 1.614 tỷ đồng; trong đó, đang tích cực triển khai hai dự án quy mô nhóm B tại Công ty Cao su Đà Nẵng và Hóa chất Việt Trì, dự kiến hoàn thành trong năm 2024, góp phần thực hiện chủ trương huy động nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước...

Một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa, tiền chất thuốc nổ amoni nitrat (NH4NO3). Hầu hết các dự án hóa chất trong những năm gần đây sử dụng công nghệ tiên tiến, tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới, các yếu tố an toàn, môi trường được nâng cao.

Hiện nay, tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam được chia thành 10 phân ngành chính, bao gồm: Hóa dầu; hóa chất cơ bản (bao gồm cả hoá chất tiêu dùng hóa chất tinh khiết…); phân bón; hóa dầu; sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy); hóa chất bảo vệ thực vật; sản phẩm chất tẩy rửa và một số hóa chất khác.

Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, vẫn còn những tồn tại. Ngành mới chủ yếu cung cấp được một số sản phẩm thông dụng, chưa sản xuất được các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, sản phẩm kém tính cạnh tranh. Còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm, mất an toàn dẫn đến tâm lý e ngại, không chào đón tại một số địa phương và cộng đồng dân cư.

Năm 2030, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...

Cùng với đó, hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh, ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.

Ngành công nghiệp hóa chất năm 2030 hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, ứng dụng chuyển đổi số phấn đấu đạt tỷ trọng 4 - 5%.

Đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 - 5%.

Trong đó, nhóm sản phẩm hóa dầu, hóa dược, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản đạt 10%-12%/năm giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 8 - 11%/năm. Nhóm sản phẩm phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật, sản phẩm nguồn điện hóa học, sản phẩm chất tẩy rửa, khí công nghiệp, sản phẩm săm lốp và sơn - mực in đạt 3 - 5%/năm giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 4% - 6%/năm.

Đến năm 2030, duy trì mức đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón ure, lân, NPK, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, khí công nghiệp, sơn - mực in thông dụng, chất tẩy rửa, pin thông dụng và phát triển thị trường xuất khẩu. Đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón sunfat amon. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%.

Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9 - 11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.

Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2030, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2030 - 2040; hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược cũng đưa ra những giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp mang tính đột phá, như: Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic, trong đó: Nghiên cứu, khuyến khích đầu tư hình thành các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác; tại các địa điểm có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông; có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án này. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung.

Cùng với đó, đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất thông qua đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, cao su theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động...

Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án hóa chất: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh. Tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tỉnh cần lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành.

Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp hóa chất...

Để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), hiện Luật đã đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10/2024. Việc xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng được nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; xây dựng cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất ổn định trong những năm tiếp theo; hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế./.