TS. Nguyễn Minh Đức - Chuyên viên cao cấp, Phó Chủ tịch

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La

GIỚI THIỆU

Trong những năm qua, Sơn La đã có những bước phát triển khá nhanh về kinh tế - xã hội, đảm bảo sự ổn định về chính trị, giữ gìn khối đoàn kết dân tộc. Để đạt được những thành tựu đó, một trong các nhiệm vụ được Tỉnh hết sức quan tâm là vấn đề phát triển nguồn nhân lực, mà trước hết là tạo việc làm cho lực lượng thanh niên. HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 124/2015/NQ-HĐND, ngày 10/12/2015 về Chương trình việc làm tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề việc làm của thanh niên Sơn La hiện nay vẫn còn thiếu ổn định, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Một bộ phận thanh niên trong Tỉnh vẫn giữ thói quen cũ ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự nghĩ đến việc lập thân, lập nghiệp, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo. Thiếu việc làm sẽ dễ dẫn tới một bộ phận thanh niên nông thôn sa vào các tệ nạn xã hội, như: cờ bạc, rượu chè, nghiện hút... Thực tiễn này đòi hỏi việc nghiên cứu giải pháp tạo việc làm cho thanh niên tỉnh Sơn La trước những yêu cầu mới là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, bài viết đi sâu nghiên cứu thực trạng việc làm của thanh niên Sơn La, từ đó đề xuất một số giải pháp, nhằm góp phần tạo việc làm cho thanh niên của Tỉnh trước những yêu cầu mới.

THỰC TRẠNG VIỆC LÀM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NỖ LỰC TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN Ở SƠN LA

Thực trạng việc làm của thanh niên Sơn La

Đề tài “Nghiên cứu thực trạng việc làm và xây dựng nội dung tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh Sơn La trong giai đoạn hiện nay” (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, 2020) đã đưa ra một số thông tin nghiên cứu về thực trạng việc làm của thanh niên Sơn La như sau:

Đa số thanh niên tỉnh Sơn La có một công việc để làm và tạo ra được thu nhập từ sức lao động của mình, thể hiện: 64,7% số lao động thanh niên được hỏi thừa nhận có việc làm và nhận được tiền công, tiền lương; 50,3 % số lao động được hỏi cho rằng, mình làm việc từ 1 giờ trở lên và tạo ra thu nhập cho gia đình.

Phần lớn lao động thanh niên cho rằng, công việc hiện tại chưa phù hợp với trình độ chuyên môn của bản thân. Trong số những lao động thanh niên được hỏi, có 62,6% thanh niên cho rằng, ngành nghề chính mà họ đang làm không phù hợp với chuyên môn, tay nghề của bản thân. Gần một nửa số lao động thanh niên cho rằng, không đủ thời gian lao động trong công việc, cụ thể: Công việc so với thời gian lao động: 49,6% cho rằng đủ thời gian lao động; 44,1% cho rằng không đủ thời gian lao động trong công việc.

Một bộ phận lao động thanh niên cho rằng, điều kiện làm việc của mình chưa tốt, cụ thể: 35,3% cho rằng có điều kiện môi trường làm việc tốt; 46,8% cho rằng bình thường; 17,3% đánh giá điều kiện làm việc chưa tốt, 0,6% có ý kiến khác. Đa số lao động thanh niên làm việc trong môi trường có tổ chức đảm bảo về quyền lợi cho người lao động, cụ thể: 65,3% lao động cho biết, nơi mình làm việc có tổ chức công đoàn; 34,7% không có tổ chức công đoàn; 82,4% lao động được tham gia đóng bảo hiểm xã hội; 17,6% cho rằng không được đóng bảo hiểm xã hội. Đa số công việc của lao động thanh niên chưa có độ ổn định cao, mức độ ổn định của công việc được thể hiện như sau: 13,5% dưới 6 tháng; 16,5% từ 6 đến 12 tháng; 43,5% từ 1 đến 5 năm; 22,9% từ 5 đến 10 năm; từ 10 năm là 3,5%, họ có khả năng sẽ chuyển sang các ngành nghề khác.

Một bộ phận thanh niên Sơn La chưa hài lòng về thu nhập từ công việc mà mình đang làm. Mức độ hài lòng thể hiện như sau: 13,5% số thanh niên cho rằng hài lòng với công việc hiện tại; 66,5% đánh giá thu nhập bình thường; 20% chưa hài lòng về thu nhập của công việc mà họ đang làm. Đa số thanh niên có nhu cầu làm thêm giờ để có thu nhập cao hơn, cụ thể: nhu cầu làm thêm giờ: 50,6% thanh niên có nhu cầu làm thêm giờ; 49,4% không có nhu cầu làm thêm giờ.

Một số kết quả về tạo việc làm cho thanh niên tỉnh Sơn La

Trong báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, 2020): giai đoạn 2011- 2020, toàn Tỉnh đã giải quyết được việc làm cho khoảng 193.054 lao động; trong đó: thanh niên được giải quyết việc làm ước khoảng 115.832 người, chiếm 60% tổng số lao động được giải quyết việc làm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị dưới 4%; duy trì ổn định tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn ở mức 90%. Cụ thể như sau:

(i) Chương trình vay vốn giải quyết việc làm: Thực hiện phân bổ vốn vay từ đầu năm, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi và cho vay vốn giải quyết việc làm đảm bảo theo kế hoạch được giao. Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án vay vốn, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả. Các dự án vay vốn đa số là của các hộ gia đình, vốn vay chủ yếu sử dụng để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn, dê...) hoặc cải tạo, phát triển vườn cây ăn quả, cây công nghiệp (trồng, cải tạo vườn nhãn, xoài, cà phê...). Trong giai đoạn 2011-2020, toàn Tỉnh đã cho vay 442.734 triệu đồng với 9.079 dự án và giải quyết việc làm cho 23.475 lao động. Ước thực hiện đến hết năm 2020, Tỉnh cho vay 493.592 triệu đồng với 10.096 dự án và giải quyết việc làm cho 25.475 lao động, trong đó có khoảng 12.737 (50%) lao động là lực lượng thanh niên được giải quyết việc làm từ nguồn vốn vay.

(ii) Xuất khẩu lao động: Trong giai đoạn 2011-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh đã phối họp với Trung lao động ngoài nước thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tuyên truyền, thực hiện tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và thực tập sinh tại Nhật Bản. Đồng thời, phối hợp, giới thiệu trên 100 lượt doanh nghiệp có đủ năng lực (đã được cấp giấy phép hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến các huyện, thành phố tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động và đã đưa được 536 lao động sang làm việc ở nước ngoài (chủ yếu là các thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, UAE, Malaysia...). Đến hết năm 2020, ước có khoảng 636 lao động tham gia xuất khẩu lao động đều là lực lượng thanh niên.

(iii) Cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh: Thực hiện kết nối cung cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh chủ động kết nối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu sử dụng nhiều lao động và có thu nhập ổn định, để tư vấn cho người lao động. Thông tin về thị trường lao động ngày càng đa dạng, chứa đựng nhiều nội dung, như: học nghề, việc làm sau học nghề, mức thu nhập, vị trí việc làm, trình độ người lao động... được phổ biến rộng rãi qua nhiều hình thức, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Trong giai đoạn 2011-2020, toàn Tỉnh cung ứng trên 17.279 lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh, trong đó chủ yếu là lực lượng thanh niên.

Những vấn đề đặt ra từ thực trạng việc làm của thanh niên Sơn La hiện nay

Thực trạng việc làm của thanh niên tỉnh Sơn La đang đặt ra những vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, trình độ giáo dục và chuyên môn kỹ thuật của thanh niên Sơn La đang dần được cải thiện, song vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lớn, chất lượng lao động thấp, thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi, cơ cấu ngành nghề và cấu trúc đào tạo không hợp lý, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động còn yếu, năng suất lao động chưa cao. Công tác đào tạo nghề dù đã có một số thành tựu, nhưng vẫn có những hạn chế khiến hiệu quả tác động đến giải quyết việc làm chưa như mong muốn.

Thứ hai, lực lượng lao động thanh niên tỉnh Sơn La phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và có nhu cầu làm thêm giờ và có thêm thu nhập. Lực lượng thanh niên làm việc với các nghề lao động giản đơn có chất lượng việc làm và năng suất lao động thấp.

Thứ ba, thu nhập của thanh niên Sơn La còn thấp hơn so với mặt bằng thu nhập của thanh niên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn. Vấn đề này xuất phát từ trình độ của lao động thanh niên Tỉnh chưa cao, lao động chủ yếu chưa qua đào tạo...

Thứ tư, xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, do tâm lý của gia đình, người thân của người lao động và người lao động đều không muốn đi làm việc xa nhà, xa quê hương; đa số người lao động chỉ muốn tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường lớn, có thu nhập cao (trên 20 triệu đồng/tháng) như: Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng phần lớn người lao động trên địa bàn Sơn La không đáp ứng tiêu chí (như sức khỏe, trình độ học vấn... ) tuyển chọn lao động của các thị trường này. Các thị trường khác, như: Ả rập Xê út, Qatar, Malaysia... có thu nhập trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng, thì người lao động ít có nhu cầu tham gia (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN TỈNH SƠN LA

Từ thực trạng việc làm của thanh niên tỉnh Sơn La, tác giả đề xuất một số giải pháp cần tập trung triển khai như sau:

Một là, tạo môi trường khởi nghiệp hiệu quả, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đất đai, nhà xưởng và công nghệ thông tin cho các tổ chức, cá nhân là thanh niên khởi nghiệp

Cần tạo được môi trường khởi nghiệp hiệu quả, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thông qua các trung tâm ươm tạo, để hỗ trợ, phát triển nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo. Nên hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Xây dựng cụm ngành liên kết hỗ trợ khởi nghiệp. Tăng cường hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp: nghiên cứu và đề ra những chính sách đột phá, ưu tiên cho khởi nghiệp; hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đất đai, nhà xưởng và công nghệ thông tin cho các tổ chức, cá nhân là thanh niên khởi nghiệp.

Cần thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Sơn La. Đây sẽ là bước cụ thể hóa trong chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Cơ sở pháp lý để thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm này là Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021” của Bí thư Trung ương Đoàn… Mục tiêu của Trung tâm này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho thanh niên Sơn La khởi nghiệp thành công, đồng thời đây sẽ là một điểm đến để cộng đồng doanh nhân chia sẻ thông tin về các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Hai là tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường lao động

Cần đổi mới tư duy, nhận thức của chính quyền về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho thanh niên Sơn La trong điều kiện hội nhập quốc tế và những yêu cầu mới của phát triển trong thời kỳ mới. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động hợp lý, quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Phát triển các ngành dịch vụ - du lịch gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống từ nguyên liệu địa phương; du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, du lịch trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ, tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa bản địa, du lịch sinh thái nông nghiệp.

Xác định rõ nội dung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thanh niên theo hướng toàn diện, tổng hợp và hệ thống, nhằm đáp ứng mọi hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, tổ chức và thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng điểm để giải quyết việc làm cho thanh niên ở hiện tại và trong tương lai.

Nâng cao trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước với quản lý, tổ chức, thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhằm thu hút mọi nguồn lực trong xã hội, để thực hiện giải quyết việc làm cho thanh niên. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền đối với công tác quản lý thông tin về lao động, thị trường và việc làm. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động. Tăng cường quản lý nhà nước, củng cố chất lượng hoạt động của các đơn vị xuất khẩu lao động trên địa bàn Tỉnh. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, quản lý hoạt động của các tổ chức cung ứng nhân lực, giới thiệu việc làm theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lao động, tư vấn tìm việc, học nghề cho người lao động khi tham gia vào thị trường lao động.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ lao động thương binh xã hội các cấp và Trung tâm giới thiệu việc làm. Quản lý nhà nước về lao động phải phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động hiện tại và tương lai, đặc biệt trong công tác thông tin, quy hoạch phát triển thị trường lao động, làm tốt công tác dự báo về cung - cầu nhân lực trong tương lai, để chủ động đối phó những biến động của nền kinh tế và thị trường lao động. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tạo điều kiện cho các tổ chức công đoàn tại cơ sở tham gia hiệu quả vào việc quản lý lao động, làm tốt vai trò, chức năng của công đoàn đối với người lao động.

Ba là hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tạo thêm việc làm

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên trong khi học nghề cần được đổi mới theo hướng giảm dần kinh phí dạy nghề và thay đổi hình thức hỗ trợ, nhằm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả. Hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động hỗ trợ, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hỗ trợ tín dụng cho thanh niên. Đây là nội dung quan trọng, cấp thiết để đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng những chính sách tín dụng này. Để công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả, chính quyền Tỉnh cần có những biện pháp thu thập thông tin phản hồi trong quá trình tổ chức thực hiện cho vay vốn. Từ đó, tiếp cận thông tin phản hồi, nhanh chóng kiểm tra được việc triển khai các chính sách tín dụng này cho thanh niên. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, cần tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, cũng như nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

UBND các huyện, thành phố huy động bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn uỷ thác địa phương (nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, thành phố). Nắm bắt nhu cầu sử dụng vốn vay của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch đề nghị Trung ương cấp bổ sung nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho tỉnh Sơn La. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mô hình kinh tế, phát triển sản xuất của thanh niên, các dự án giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ nông thôn, người chấp hành xong án phạt tù và người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ giải quyết việc làm và các chính sách hỗ trợ lãi suất khác của Nhà nước hiện hành, để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay, tập trung cho vay gắn với các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của từng vùng, từng cây, con chủ lực trên địa bàn Tỉnh, chuyển đổi mô hình, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện tốt chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và vốn vay ưu đãi đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án vay vốn, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thiếu sót để bảo đảm nguồn vay, mục đích của chương trình. Tăng cường công tác chỉ đạo của UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia.

2. Ngô Quỳnh An (2012), Tăng cường khả năng tự tạo việc làm cho thanh niên Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

3. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La (2020), Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh của đề tài “Nghiên cứu thực trạng việc làm và xây dựng nội dung tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh Sơn La trong giai đoạn hiện nay”.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La (2020), Báo cáo số 307/BC-SLĐTBXH ngày 03/7/2020 kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030.