Năm 2016, xử lý triệt để xe quá tải
Theo báo cáo của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2015, Tổng Cục đã kiểm soát 24/7 tại các trạm kiểm tra tải trọng xe và tổ chức đợt cao điểm xử lý xe quá tải trong 2 tháng cuối năm. Qua đó, đã kiểm tra 635.351 xe; phát hiện, xử lý 50.863 xe vi phạm; tước 20.289 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc 344,9 tỷ đồng. Lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% đã giảm cơ bản, chủ yếu còn các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30%-50% trở xuống.
Có thể thấy rằng, năm 2015 được cho là năm cao điểm thực hiện chiến dịch “dẹp” xe quá tải trọng của ngành giao thông nói chung và của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Đinh La Thăng, vẫn còn một số nơi xe quá tải hoạt động ngang nhiên, chưa xử lý dứt điểm. Để xảy ra tình trạng này trước hết là do công tác phối hợp chưa tốt giữa Tổng cục và các địa phương nên vẫn còn tình trạng xe quá tải chạy lông nhông trên đường mà không bị xử lý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần thực hiện mọi giải pháp để chấm dứt tình trạng xe quá tải trọng lưu hành gây bức xúc cho người dân.
“Dứt khoát năm 2016 phải hết xe quá tải, khu vực nào còn thì xử lý cán bộ, các cục trưởng, chi cục trưởng. Không được để đường xấu, xe quá tải, cầu hỏng mà không báo cáo xử lý, cần phải có sự nhạy cảm trong công việc, thể hiện sự quan tâm, biết đau với nỗi đau người dân và chia sẻ với người dân” - Bộ trưởng yêu cầu.
Song song với đó, trong năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế chính sách để quản lý, tạo điều kiện phát triển, đầu tư hệ thống đường cao tốc, tỉnh lộ theo hướng hiện đại. Khắc phục những tồn tại, bất cập về biển báo, hệ thống đèn tín hiệu, đặc biệt lưu ý ứng dụng khoa học công nghệ vào sửa chữa, bảo trì đường bộ. Theo đó, năm 2016 phải giảm 30% về thời gian, 39%-70% về vốn trong hoạt động bảo trì, sửa chữa đường bộ. Đồng thời, Tổng cục cần tiến hành rà soát các biển báo, đèn tín hiệu, tăng cường kiểm soát tải trọng xe. Đặc biệt, thực hiện đấu thầu công khai công tác sửa chữa đường bộ để sử dụng nguồn tiền người dân đóng góp có hiệu quả.
“Chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền của để đầu tư hạ tầng tốt hơn, xe tốt lên nhưng biển báo vẫn để tốc độ cũ, thì sao có thể đáp ứng chủ đề “Vì sự hài lòng hơn của người dân”. Chúng ta không thể để người dân bức xúc chỉ vì biển báo”. Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh./.
Bình luận