Năm 2017, Nhà nước chỉ nắm giữ 51% tổng số cổ phần của Vinacafe
Trong đó, bao gồm các đơn vị hạch toán phụ thuộc sản xuất kinh doanh và 7 đơn vị nông nghiệp gồm: Công ty Cà phê Ia Sao 1; Công ty Cà phê Ia Sao 2; Công ty Cà phê Đắk Đoa; Công ty Cà phê Đắk Uy; Công ty Cà phê Buôn Hồ; Công ty Cà phê 706; Công ty Cà phê 719.
Đề án cũng nêu rõ nhiệm vụ, trong năm 2016, chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Tổng công ty Cà phê Việt Nam nắm giữ 51% tổng số cổ phần đối với 18 công ty TNHH một thành viên: Cà phê Việt Đức; Cà phê Việt Thắng; Cà phê Ea Sim; Cà phê Ea Tiêu; Cà phê 715B; Cà phê Đ’Rao; Cà phê 49; Cà phê 52; Cà phê 716; Cà phê 720; Cà phê 721; Cà phê Ia B’Lan; Cà phê 705; Cà phê Ia Grai; Cà phê 704; Cà phê 731; Cà phê 734; Cà phê Đắk Nông.
Thủ tướng cũng cho phép phối hợp với các nhà đầu tư khác thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường, thực hiện trong năm 2016 đối với 3 công ty TNHH một thành viên: Cà phê 715A; Cà phê 715C; Cà phê Ea Ktur.
Trường hợp Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Ktur không chuyển thành công ty TNHH hai thành viên được thì thực hiện hình thức giải thể.
Cũng trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải thể 3 công ty TNHH một thành viên: Cà phê Ia Châm, Cà phê Ea Bá, Cà phê Ea Tul; thực hiện sau khi hoàn tất việc cổ phần hóa các công ty trên cùng địa bàn huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk đối với Công ty TNHH một thành viên Cà phê Chư Quynh và Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea H’Nin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đối tác cam kết sau khi sắp xếp, phải tiếp tục giữ và phát triển thương hiệu; không được đổi tên doanh nghiệp; rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ của từng công ty sau sắp xếp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ đạo các công ty nông nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Phương án quản lý đối với diện tích đất đơn vị giải thể, diện tích đất các công ty không có nhu cầu sử dụng bàn giao về địa phương; xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật về đất đai.
Thủ tướng đồng ý việc điều chỉnh các nội dung trong Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Cà phê Việt Nam giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 2101/QĐ-TTg, ngày 28/12/2012 về: giải thể Công ty cổ phần Vinacafe Đà Nẵng, Trung tâm sản xuất giống lúa lai (đơn vị sự nghiệp) và thoái toàn bộ 12,58% vốn Nhà nước của Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê Việt Nam tại Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Khi thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa, Tổng công ty Cà phê Việt Nam ưu tiên bán cho nhà đầu tư trong nước. Tiền thu từ thoái vốn thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Việc đầu tư xây dựng nhà máy cà phê hòa tan công suất 3.200 tấn cà phê hòa tan đen/năm thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên sau khi thu hồi đất hoặc tiếp nhận bàn giao đất của các công ty nông nghiệp trên địa bàn, thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ./.
Bình luận