Năm 2017: Tổng cục Thuế sẽ thanh kiểm tra ít nhất 18% doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Tổng cục Thuế, ước thực hiện năm 2016, toàn ngành thanh tra, kiểm tra được 84.472 doanh nghiệp, đạt 94,2% kế hoạch năm 2016. Theo đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.164 tỷ đồng (tăng 38,9% so với năm 2015) với số tiền thuế nộp vào ngân sách là 11.907 tỷ đồng.
Năm 2017: Tổng cục Thuế sẽ thanh kiểm tra ít nhất 18% doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế
Dự kiến trong năm 2017, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng 18% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử; doanh nghiệp kinh doanh lỗ; các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn; doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế… Lĩnh vực thanh tra Tổng cục Thuế tập trung như: Chuyển nhượng vốn, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản…
Cũng theo báo cáo, riêng trong năm 2016, cơ quan Thuế đã chuyển sang Công an hồ sơ của 2.776 vụ việc và cơ quan Công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu thu hồi 1.159 tỷ đồng, bắt giữ, tạm giữ 20 đối tượng có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Theo Tổng cục Thuế, các Cục Thuế thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hoá, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Khánh Hoà, An Giang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Phú Yên...
Thực tế, toàn ngành Thuế đã tập trung vào việc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quản lý rủi ro, đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm và từng chuyên đề thanh tra, kiểm tra như: Chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, chuyển giá, hoàn thuế Giá trị gia tăng... Cơ quan Thuế cũng đã chủ động tăng cường việc phối hợp với cơ quan Công an, Quản lý thị trường nhằm đẩy mạnh điều tra nhiều vụ tội phạm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế để thu hồi cho ngân sách và truy tố trước pháp luật...
Tuy nhiên, công tác thanh tra kiểm tra tại địa phương còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như: Chính sách thuế còn thiếu sự ổn định, rõ ràng, do vậy dẫn tới cách hiểu và áp dụng của cả cơ quan thuế và người nộp thuế có những điểm không đồng nhất, có lúc chưa cập nhật kịp thời những thay đổi để áp dụng đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, lại chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc cho các trường hợp cố tình không cung cấp tài liệu hoặc kéo dài thời gian cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra, cố tình trì hoãn việc ký biên bản ghi nhận số liệu, biên bản thanh, kiểm tra.
Ngoài ra, việc ứng dụng phân tích thông tin rủi ro người nộp thuế (TPR) đã hỗ trợ việc xây dựng kế hoạch thanh tra nhưng việc kết xuất dữ liệu mất khá nhiều thời gian và phải kéo dữ liệu theo từng địa bàn quản lý. Việc đánh giá rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra mới chỉ dựa trên thông tin nội bộ ngành, chưa có sự kết nối thông tin bên ngoài./.
Bình luận