Xuất khẩu năm 2019 sẽ có nhiều thuận lợi

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong năm 2018, tạo nên nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và gây tác động không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2018 vẫn đạt được khá nhiều thành công cả về quy mô và tốc độ. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt 480,2 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2017.

Có đến 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD.

Đặc biệt, có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể là: điện thoại và linh kiện là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%. Kế đến là hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28% và da giày đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%.

Năm 2018, điện thoại và linh kiện là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, đạt 50 tỷ USD

Ngoài ra, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản, thủy sản ghi nhận có sự đột phá. Cụ thể, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2%; gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16%.

Cùng với dung lượng thị trường còn tương đối lớn, năm 2019, hoạt động xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cũng như đổi mới trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/01/2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay đã và đang tạo ra sức hút mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Hơn nữa, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào sản xuất và khi đạt được mức công suất tối đa có thể cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đáp ứng 80%-90% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu nội địa sẽ giúp giảm bớt việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giúp nền kinh tế hạn chế những ảnh hưởng do biến động trên thị trường thế giới.

Những rủi ro tiềm ẩm

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, thị trường thế giới năm 2019 dự báo sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường; nguy cơ leo thang của một cuộc chiến tranh thương mại đang hiện hữu sẽ ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng trong khu vực, có thể gây khó khăn cho cho các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu ở trong nước. Mặt khác, hành động của Mỹ áp thuế cao đối với các mặt hàng của Trung Quốc sẽ dẫn tới gia tăng các biện pháp giám sát chống lẩn tránh thuế để đảm bảo hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ từ nước thứ ba.

Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể cũng bị giám sát chặt chẽ và khả năng bị điều tra, áp thuế chống lẩn tránh có thể gia tăng. Việc bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng buộc Trung Quốc phải gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước.

Hơn nữa, theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2019, nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.

Ngoài ra, bên cạnh những cơ hội, trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA và các hiệp định lớn như CPTPP và EVFTA sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường này. Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới cán cân thương mại có thể đảo chiều đang từ xuất siêu sang nhập siêu.

Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, gây nhiều thiệt hại trên diện rộng với chi phí khắc phục ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tập trung các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa như phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng để đảm bảo quy mô xuất khẩu; phát triển và mở cửa thị trường; tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến.

Đặc biệt, tập trung nâng cao hiệu quả kết nối, phối hợp đồng bộ với các đơn vị giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Thay đổi căn bản trong xúc tiến thương mại, đi sâu vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn chứ không làm dàn trải như hiện nay để đưa sản phẩm Việt Nam đến ngày càng nhiều thị trường trên thế giới.

Đồng thời, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng từ các sản phẩm xuất khẩu.

Năm 2019, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8%-10% so với năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/xuat-khau-nam-2019-nhieu-du-dia-tang-truong-301888.html

https://www.tienphong.vn/kinh-te/xuat-khau-2019-nhieu-co-hoi-de-but-pha-1376151.tpohttps://baotintuc.vn/kinh-te/nam-2018-xuat-sieu-an-tuong-72-ty-usd-gap-hon-3-lan-so-voi-nam-2017-20190106002122911.htm