Chi cho khoa học công nghệ vượt 1% chi từ Ngân sách Trung ương

Năm 2022, Ngân sách Trung ương tăng chi cho khoa học công nghệ
Với dự toán của năm 2022, khoản chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1% tổng chi Ngân sách Trung ương trong năm

Với dự toán của năm 2022, khoản chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1% tổng chi Ngân sách Trung ương trong năm. Đây là điểm mới của năm 2022 mà các năm trước chưa đạt được.

Cụ thể, năm gần nhất 2021, chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam là 7.732 tỷ đồng, tính trên tổng chi Ngân sách Trung ương của năm là 827.550 tỷ đồng thì chỉ chiếm 0,934%. Năm 2022, chi cho khoa học công nghệ dự tính là 9.140 tỷ đồng, tính trên tổng chi của Ngân sách Trung ương là 841.310 tỷ đồng, chiếm 1,086%.

Việc tăng chi cho khoa học công nghệ là một trong những giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Cùng với đó, thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng….

Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước); Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; vốn của các tổ chức, doanh nghiệp; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022

Năm 2022 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Việc công khai Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế.

Báo cáo giúp người dân bình thường, ngay cả những người nắm ít kiến thức về tài chính - ngân sách đều có thể tiếp cận và nắm bắt được các thông tin cơ bản về Ngân sách Nhà nước. Thông qua đó, người dân có thể tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và có thể đóng góp tiếng nói của mình đối với vấn đề phân bổ, quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN) đến Quốc hội thông qua các Đại biểu quốc hội.

“Báo cáo ngân sách dành cho công dân - Dự toán NSNN năm 2022” cung cấp cho người dân những thông tin cơ bản nhất về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5,4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 32-34% GDP.

Báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể về NSNN năm 2022 với dự toán thu NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1%GDP; từ thuế, phí khoảng 12,7%GDP. Dự toán chi NSNN là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Cụ thể, dự toán chi đầu tư phát triển 526,1 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên 1.112,2 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 103,7 nghìn tỷ đồng, các khoản chi còn lại khác 42,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra một số biện pháp chủ yếu điều hành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2022, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:

Năm 2022, Ngân sách Trung ương tăng chi cho khoa học công nghệ
Nguồn: Bộ Tài chính
Năm 2022, Ngân sách Trung ương tăng chi cho khoa học công nghệ
Nguồn: Bộ Tài chính
Năm 2022, Ngân sách Trung ương tăng chi cho khoa học công nghệ
Nguồn: Bộ Tài chính

Năm 2022, Ngân sách Trung ương tăng chi cho khoa học công nghệ
Nguồn: Bộ Tài chính