Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp FDI, chuỗi cung ứng

Summary

Although the supporting industry is paid special attention and priority by the Party and State for development with many investment incentives, up to now there are still shortcomings and limitations in the development of this industry. Based on analyzing the current situation of the supporting industry, the authors propose a number of solutions to promote the active development of Vietnam's supporting industry in the coming time.

Keywords: supporting industry, technology transfer, FDI enterprises, supply chain

GIỚI THIỆU

Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo ra tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, ngành CNHT hiện chưa phát triển tương xứng với sự quan tâm và ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp cần tập trung triển khai, nhằm thúc đẩy ngành CNHT phát triển tích cực hơn trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH CNHT

Để phát triển CNHT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Theo đó, mục tiêu cụ thể là phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước. Lĩnh vực CNHT của ngành dệt may - da giày: phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75%-80%…

Có thể nói, ngành CNHT đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm ưu tiên phát triển với nhiều ưu đãi đầu tư; thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam, như: dệt may, da giày, điện tử… Năng lực sản xuất các sản phẩm của ngành CNHT trong nước đang dần được cải thiện. Các doanh nghiệp trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện, như: linh kiện, phụ tùng nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô, xe máy; phụ tùng, linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị. Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ; sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, ngành CNHT đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Hệ thống chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển, như: điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô tô..., nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT chưa đạt được kết quả như mong muốn. Sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm...

KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Để giảm bớt phụ thuộc vào bên ngoài, tiến tới phát triển ngành CNHT Việt Nam tự chủ phục vụ sản xuất và xuất khẩu, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong những năm tới, nhóm tác giả khuyến nghị cần tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho CNHT phát triển

Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển CNHT.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển CNHT cần tập trung theo hướng xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương, với hiệp hội doanh nghiệp, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp công nghiệp; giữa doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch để tăng cường thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành CNHT có lợi thế.

Hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển CNHT. Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển CNHT, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành. Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển CNHT.

Đổi mới chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào CNHT, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI đầu tư vào các ngành CNHT đến năm 2030 theo hướng: ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”; sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước; có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) trong nước cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các công ty đa quốc gia có thương hiệu quốc tế và có năng lực cạnh tranh cao, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực CNHT.

Thứ hai, hình thành chính sách tài chính, tín dụng linh hoạt cho phát triển CNHT

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng. Nhà nước cũng cần thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp, để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi nước ngoài… Theo đó, các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển CNHT cần triển khai, như: nên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, để xây dựng quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển các doanh nghiệp CNHT thuộc các ngành được ưu tiên; thúc đẩy thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng trung gian, để kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp cận vốn khi gặp khó khăn về tài sản thế chấp, có thể bảo lãnh cho các khoản vay; phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, để tạo nguồn cung về vốn nhanh, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp CNHT có cơ hội thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, từ đó ổn định sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động.

Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng (kể cả vốn vay từ nước ngoài) đối với các doanh nghiệp CNHT, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Xóa bỏ triệt để các rào cản, bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp CNHT thuộc các thành phần kinh tế. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp đối với các ngành CNHT được ưu tiên, các ngành công nghiệp thông minh...

Thứ ba, hoàn thiện chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển CNHT

Ưu tiên nguồn lực, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2030.

Đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KHCN. Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong thời đại số. Có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất kinh doanh; xác định doanh nghiệp là lực lượng quan trọng và là trung tâm trong phát triển và ứng dụng KHCN; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp CNHT.

Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng KHCN; mua bán, chuyển giao các sản phẩm KHCN. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu KHCN. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ. Phát triển các dịch vụ tư vấn, thẩm định, môi giới, định giá sản phẩm KHCN.

Có cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng và kiểm soát chặt chẽ công nghệ đối với ngành CNHT trên nguyên tắc kết hợp giữa tranh thủ công nghệ tiên tiến, lợi thế của nước đi sau, đi tắt đón đầu nhằm tận dụng tối đa lợi thế của thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất hiện có; quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ công nghiệp, bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao.

Đổi mới căn bản, đồng bộ cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức và hoạt động KHCN; phương thức sử dụng ngân sách nhà nước cho KHCN. Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư trong triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển CNHT. Rà soát, sửa đổi các quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hình thành quỹ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN đủ lớn, để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ CNHT. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực CNHT.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNHT

Phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Tập trung phát triển một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề về công nghệ, kỹ thuật đạt trình độ quốc tế. Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực cho ngành CNHT chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động CNHT.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách bảo đảm phúc lợi xã hội cho người lao động trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng, bao gồm cả chính sách về tiền lương, bảo hiểm, bảo hộ lao động. Đổi mới chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động. Hoàn thiện chính sách về nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng cho cán bộ có trình độ kỹ thuật cao và công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Có chính sách thu hút và sử dụng nhân tài có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao, có năng lực đổi mới sáng tạo, nhất là đội ngũ chuyên gia là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong ngành CNHT. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia. Chú trọng xây dựng đội ngũ công nhân Việt Nam có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới...

Thứ năm, phát triển chuỗi giá trị trong nước và bảo vệ thị trường

Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất lắp ráp trong và nước ngoài; xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển mạnh các ngành công nghiệp vật liệu, nhằm tăng tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất...

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước, để tạo điều kiện cho phát triển ngành CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, gia tăng quy mô thị trường nội địa thông qua các giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các chính sách ưu tiên phát triển trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế; xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển; tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh../.

Đại tá, TS. Nguyễn Mạnh Hổ, Trung tá, TS. Bùi Tiến Phúc

Khoa Kinh tế chính trị học – Mác Lênin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022.

2. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 115 NQ/CP, ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.