Nghị trường “nóng” với vấn đề chi tiêu công và nợ đọng thuế
Đại biểu lo chi tiêu công, nợ đọng thuế quá lớn
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) dẫn chứng, riêng tiền chi xe công trong 1 năm tới 13.000 tỷ là quá lớn trong khi ngân sách đang hạn hẹp và hết sức tiết kiệm.
Điều đáng lo là những chi phí cho chi tiêu công còn rất lớn, trong khi đó quỹ lương lại rất hạn hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến chi ngân sách, cũng như nguồn chi ngân.
Đại biểu này đề nghị, chi tiêu ngân sách của Bộ Tài chính trình Chính phủ trong năm tiếp theo cần phải kiểm soát ngặt nghèo hơn, nhất là đối với chi tiêu công.
Về vấn đề nợ đọng thuế còn rất lớn, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Bộ trưởng trả lời về con số là 76.000 tỷ, trong đó có đưa ra khoảng 34.000 tỷ là có khả năng thu hồi này xem chúng ta có đạt được mục đích hay không? Chúng ta có những giải pháp, biện pháp gì để chúng ta giải quyết vấn đề này hay không?
Còn theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động các nguồn thu vào ngân sách nhà nước có xu hướng sụt giảm, do vậy việc bố trí ngân sách chi cho đầu tư phát triển cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Từ thực tế trên, đại biểu Sơn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích rõ hơn tình hình, đặc biệt phân tích thêm các nguyên nhân, các giải pháp khắc phục và giải pháp nào là quan trọng nhất mang tính quyết định nhất.
Cơ cấu chi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi thường xuyên quá cao
Trong giai đoạn 2011-2015 tình hình tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu theo yêu cầu và chúng ta đã điều chỉnh. Nhưng, các mục tiêu khác chúng ta không điều chỉnh, đặc biệt là an sinh xã hội.
“Do vậy, có tình trạng đến năm 2014, 2015, chi ngân sách nhà nước cho thường xuyên quá cao, 67%, 68% trong dự toán, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến vấn đề cơ cấu chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ, đây là một thực tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận.
Trong thời gian vừa qua, cơ cấu thu đã đi được một bước, đã chuyển biến tích cực.
Thu nội địa, do hội nhập, giãn, hoãn, giảm thuế, nhưng nhờ điều chỉnh được chính sách thu, cơ cấu thu nội địa đã đẩy lên hết đến năm 2015 đạt 74% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ huy động từ phí, thuế bình quân của giai đoạn này khoảng 21%, Quốc hội đã quyết không quá 22%, 23%, xấp xỉ giai đoạn năm 2005.
Đến năm 2020, chi thường xuyên xuống khoảng 58%-59%
Năm 2015, đã đưa chi thường xuyên lên đến 68%, nhưng theo kế hoạch và thực tế trong dự toán năm 2016, chi thường xuyên đã giảm trên 64%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tại kế hoạch trung hạn về tài chính ngân sách, thì đến năm 2020, chi thường xuyên xuống khoảng 58%-59%.
Thời gian tới, về giải pháp, sẽ tập trung rà soát các chính sách thu để cơ cấu lại thu, đảm bảo thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đảm bảo yêu cầu hội nhập, nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phù hợp với quốc tế.
Tập trung cơ cấu lại các chính sách về chi, đảm bảo tiết kiệm và hướng tới giảm chi ngân sách thường xuyên xuống khoảng 58%-59% và giữ bội chi.
“Truy” vấn đề nợ đọng thuế
Vấn đề quản lý thuế, trong giai đoạn năm 2011-2015, Bộ trưởng Bộ tài chính cho biết, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 300.606 lượt doanh nghiệp, với tổng số thuế tăng thu thêm 56.273 tỷ đồng đến hết tháng 10/2015.
Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.104 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động giao dịch liên kết và đã giảm lỗ 25.479 tỷ. Truy thu, truy hoàn và phạt 5.970 tỷ, giảm khấu trừ 712 tỷ, từng năm, năm sau cao hơn năm trước.
Bộ trưởng cho biết, nợ đọng thuế hiện nay còn khoảng 76.000 tỷ đồng.
Quá sốt ruột trước câu trả lời chưa đi vào trọng tâm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi của đại biểu là liệu có thu được 34.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hay không và yêu cầu Bộ trưởng trả lời là có thu được hay không.
“Chắc chắn là thu được, năm nay đã thu được 31.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời.
“Đồng chí chỉ cần cam kết với Quốc hội là chúng tôi đảm bảo thu được không? Làm thế nào là việc của đồng chí, Quốc hội chỉ ghi nhận lời hứa thôi”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói và lại tiếp tục “truy” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc bao giờ thì cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế đạt được yêu cầu như Thủ tướng Chính phủ đưa ra là năm 2016 tương đương ASEAN 4.
“Năm 2016 sẽ tương đương ASEAN 14, như chỉ thị của Thủ tướng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói./.
Bình luận