Giáo viên mầm non là một nghề đặc thù, nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì “cái tâm yêu trẻ”. Để tồn tại và trở thành một giáo viên mầm non giỏi, trước hết hãy tập làm “Mẹ”. Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói, bằng suy nghĩ mà bằng chính hành động bởi: “Càng yêu nghề bao nhiêu, càng yêu người bấy nhiêu”. Chính vì những yếu tố đặc thù đó nên xã hội thường gọi các cô là người mẹ thứ hai của các trẻ. Có những người thầy vì lòng yêu nghề, mến trẻ đã chọn nghề giáo dục mầm non để thỏa mãn sự đam mê khát vọng của mình. Đó là Thầy Nguyễn Hữu Giàu và Thầy Nguyễn Văn Sơn hiện là giáo viên của trường mầm non Bình Thạnh, Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.


Tập thể các giáo viên sư phạm của nhà trường

Trường mầm non Bình Thạnh tọa lạc tại ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đây đó là một khung cảnh bình yên, những tán cây xanh sum xuê tạo bóng mát cho cả ngôi trường. Trường được xây dựng khang trang theo tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.


Cô Trần Thị Sáng - Hiệu trưởng của nhà trường

Tiếp chuyện với chúng tôi là cô Trần Thị Sáng - Hiệu trưởng của nhà trường, người đã có hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục địa phương. Cô tâm sự: “Để có được ngôi trường khang trang như hiện nay, đó là nhờ vào sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, với tinh thần đoàn kết không quản ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà ngành giáo dục địa phương giao phó. Chất lượng chăm sóc trẻ năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, nên đã được phụ huynh trên địa bàn xã Bình Thạnh tin tưởng”. Trường có một chút đặc biệt đó là trong khi các trường mầm non thường toàn là các cô thì ở trường mình có tới hai thầy. Có các thầy, phong trào của trường cũng sôi nổi và vui vẻ hẳn. Những khi có công việc nặng nhọc thì các thầy đều xung phong xông xáo gánh vác đỡ cho các cô. Mặc dù về chuyên môn đối với trẻ mầm non, các thầy còn nhiều thứ chưa được bằng các cô nhưng xét một cách toàn diện, các thầy cũng đã làm rất tốt. Hàng năm, các thầy cũng luôn đạt thành tích như lao động xuất sắc, sáng kiến kinh nghiệm hay giáo viên có thành tích cấp cơ sở”.

Theo thầy Nguyễn Hữu Giàu, giáo viên nhà trường: “Điều quan trọng là dù nam hay nữ đều phải yêu nghề, yêu trẻ thực sự. Đôi khi chỉ là những hành động rất đỗi đơn giản như chơi cùng các em, hát múa cùng các em, hay chải tóc cho các em, thế nhưng thầy (cô) lại đón nhận những tình cảm rất đỗi thiêng liêng, trong sáng từ các bé. Tôi vào nghề từ năm 2004 đến nay cũng hơn 10 năm, trong suốt thời gian công tác tại trường tôi đã được rất nhiều sự động viên và giúp đỡ từ ban giám hiệu đến các cô. Hơn nữa, nhà tôi có truyền thống yêu nghề sư phạm, trong sáu anh chị em thì đã có năm người hiện đang dạy học trên địa bàn huyện Cao Lãnh, bên cạnh đó tôi có được người vợ luôn động viên và chia sẽ những công việc trong cuộc sống để tôi có thể yên tâm công tác".


Thầy Nguyễn Hữu Giàu

Còn đối với thầy Nguyễn Thanh Sơn: “Làm nghề chăm sóc trẻ phải biết kiên trì, không cho phép mình nóng nảy, từ ngày làm cái nghề này tính mình nhuần hẳn, mình yêu cái nét đáng yêu, ngây thơ của những đứa trẻ. Có những câu nói của chúng làm mình cứ nhớ mãi như: "Thầy thương bạn ấy hơn thương con"…Gắn bó với nghề như một cái duyên rồi cũng từ cái duyên, trái tim yêu lũ học trò bé nhỏ ngây thơ đã “cột chặt” cuộc đời tôi với cái nghiệp trồng người".


Thầy Nguyễn Thanh Sơn

Chia tay với trường mầm non Bình Thạnh chúng tôi vẫn nghe bên tai tiếng hát, tiếng vui đùa hồn nhiên của các em, như báo hiệu một năm học mới hứa hẹn nhiều thành tích trong công tác chăm sóc, dạy dỗ của nhà trường. Chúc cho đội ngũ thầy, cô giáo trường mầm non Bình Thạnh luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với “đàn em thân yêu”. Để giúp các em bay cao và bay xa hơn nữa trên bầu trời tri thức./.