Hết năm 2016, nợ xấu chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đến nay, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến cuối năm 2016, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã cùng với các tổ chức tín dụng xử lý 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Các tổ chức tín dụng đã xây dựng phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng. Giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần tăng trưởng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tài sản của nhà nước và nhân dân được đảm bảo an toàn; Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, sử dụng các nguồn lực của xã hội; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo từng bước được xử lý; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng đã dần được hoàn thiện và đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế” - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng quá trình triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng chưa cao do hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, áp lực từ nợ xấu lớn; Tỷ lệ nợ xấu đã được kiểm soát dưới 3%, nhưng nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

“Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC, chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế” - Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Hết năm 2016, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế

Cần có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội ban hành

Trong quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc, do vậy Ngân hàng Nhà nước cho rằng để triển khai thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, cần phải có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội ban hành. Theo đó, trong kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá 14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trình bày Dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị quyết quy định bao gồm toàn bộ nợ xấu hiện có và nợ phát sinh trong giai đoạn có hiệu lực của nghị quyết.

Nợ xấu được quy định tại Dự thảo Nghị quyết là các khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc được đánh giá không có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán, được phân loại vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có nguy cơ mất vốn. Phạm vi, nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo Nghị quyết có 3 nội dung chính đáng chú ý:

Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ…;

Thứ hai, Dự thảo Nghị quyết khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng;

Thứ ba, Dự thảo cũng đề cập đến cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Theo nhận định ban đầu của một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, thì phạm vi điều chỉnh của Dự thảo rất rộng, bao gồm cả việc “xử lý nợ xấu”, xử lý ”tài sản bảo đảm” của các tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, cũng như các quyền nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cơ quan tòa án, công an, thi hành án, cơ quan đăng ký tài sản...), nhưng nội dung Dự thảo lại không thể hiện được hết tính bao quát như đã nêu tại phạm vi điều chỉnh./.