Nhiều rào cản trong thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển hạ tầng
Tại hội thảo Mô hình đối tác công - tư trong lĩnh vực giao thông do Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức sáng ngày 20/4 tại Hà Nội, luật sư Trần Tuấn Phong – công ty luật VILAF cho biết, Việt Nam cần 150 tỷ USD cho các mục tiêu phát triển hạ tầng đến năm 2020.
Để đáp ứng vốn đầu tư phát triển hạ tầng, Việt Nam đã được rất nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ, như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA (đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD cho 6 dự án), hay Ngân hàng Thế giới (830 triệu USD cho phát triển đường cao tốc và nội thành)… Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải “vật lộn” để thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển hạ tầng.
Toàn cảnh hội thảo
Bàn thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban PPP, Bộ Giao thông Vận tải nhận xét, mô hình PPP khó khăn và phức tạp hơn đầu tư công rất nhiều. Do vậy, để có thể nắm bắt rõ trách nhiệm và quyền lợi cụ thể khi tham gia dự án PPP, doanh nghiệp cần thiết có luật sư tư vấn về mặt pháp lý, song điều này lại gây ra sự tốn kém không hề nhỏ.
Mặt khác, hiện nay PPP chịu điều chỉnh bởi 13 luật, 63 nghị định và hàng trăm thông tư hướng dẫn khác. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, không rõ ràng và khó khăn cho các doanh nghiệp áp dụng.
Hơn nữa, hiện nay, chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp cho doanh nghiệp khi tham gia các dự án PPP, điều này khiến nhà đầu tư nghi ngại, không sẵn sàng để bỏ vốn đầu tư.
Đồng tình với ông Huy và bổ sung thêm những nguyên nhân chính dẫn đến PPP không đạt hiệu quả như kỳ vọng, luật sư Lê Nết – trọng tài viên VIAC cho biết, về phía cơ quan nhà nước, hiện chưa thực hiện đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Quyết định chủ trương đầu tư còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt nội dung đầu tư và tổng mức đầu tư còn sai lệch.
Thêm vào đó, kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông.
Về phía nhà đầu tư, họ e ngại tham gia các dự án PPP bởi sự thay đổi liên tục các quy định của nhà nước, giải phóng mặt bằng khó khăn, và cơ chế chia sẻ rủi ro chưa phù hợp. Ngoài ra cũng cần phải bàn đến vấn đề nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình.
Với những khó khăn đang vướng phải, luật sư Lê Nết đề xuất cần thiết phải xây dựng quy định về hình thức đầu tư PPP một cách rõ ràng, đồng bộ; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phủ hợp đảm bảo lợi ích, thu hút nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cải cách về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tăng cường hợp tác ba bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các ngân hàng, tổ chức tín dụng; cẩn trọng đánh giá hiệu quả đầu tư, đạt được mục tiêu kết hợp tối ưu giữa lợi ích và chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ tới người sử dụng.
Ngoài ra, theo đại diện của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Nghị định só 15/2015/NĐ-CP để “gỡ vướng” cho doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định thay thế đang được trình Chính phủ xem xét và dự kiến sớm ban hành trong thời gian tới.
Và, để thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn vốn, cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư thông qua hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trong quá trình soạn thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020./.
Bình luận