Nhóm công tác VBF khuyến nghị 4 vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng
Đại diện cho Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF, ông Trần Tuấn Phong, Đồng Trưởng nhóm đánh giá cao và bày tỏ hoan nghênh tham vọng mới công bố gần đây của Chính phủ hướng đến mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng không vào năm 2050. “Cam kết này được đưa ra dựa trên nền tảng vững chắc được thiết lập theo Nghị quyết số 55-NQ/TW và định hướng chính sách về lộ trình tăng trưởng bền vững. Mục tiêu này cũng phát đi tín hiệu quan trọng về cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam và phù hợp với chuyển dịch chiến lược hướng đến đầu tư bền vững đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp và tài chính quốc tế”, ông Phong nhấn mạnh.
| ||
Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng đã đưa ra khuyến nghị liên quan đến 4 vấn đề gồm: Khai thác tài trợ quốc tế để hiện thực hóa tiềm năng cơ sở hạ tầng của Việt Nam; Xây dựng chính sách đặc thù của ngành để cho phép đầu tư quy mô lớn và dài hạn; Triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm và Khuyến nghị của Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng từ năm 2020.
Tối ưu hóa nguồn lực tư nhân và tài trợ quốc tế để tăng năng lực cơ sở hạ tầng
Vấn đề đầu tiên được Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng nêu lên là bài toán tối ưu hóa nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực tài chính, trong đó phát triển lĩnh vực năng lượng là một câu chuyện điển hình. Ông Trần Tuấn Phong nêu một thực tế là trong khi Việt Nam đã phát triển được công suất đáng kể điện gió và điện mặt trời trong những năm gần đây, hoạt động phát triển này chủ yếu vẫn được thực hiện với tài trợ của các ngân hàng trong nước và khu vực hoặc các ngân hàng đánh giá rủi ro doanh nghiệp chứ không phải rủi ro dự án. Cơ cấu tài trợ cũng thường dựa trên hình thức giảm thiểu rủi ro tín dụng, thường là bảo lãnh, của ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án.
Do vấn đề dai dẳng về năng lực vay vốn ngân hàng theo phương thức IPP, thường không thể áp dụng hình thức tài trợ dự án không truy đòi, là hình thức tài trợ có chi phí vốn thấp hơn và có thể vay với thời hạn dài hơn so với nguồn tài trợ trong nước.
Đặc biệt đối với Việt Nam, tình trạng phụ thuộc vào hỗ trợ giảm thiểu rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án khiến cho việc phát triển dự án quy mô lớn trở nên không khả thi. Ngoài ra, hạn chế về thanh khoản, lãi suất cao, thiếu nguồn tài trợ dài hạn, và giới hạn theo ngành của khu vực ngân hàng trong nước sẽ dẫn tới phụ thuộc nợ nước ngoài nhiều hơn để tài trợ cho phát triển hạ tầng trong thập kỷ tới.
Theo khuyến cáo của Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng, khi các dự án điện mới quy mô lớn (điện LNG, điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng tái tạo khác) dự kiến sẽ được phát triển chủ yếu trên cơ sở IPP chứ không phải PPP, tình trạng không có nguồn tài trợ dự án quốc tế sẽ dẫn tới rủi ro trọng yếu về phát triển và nguồn tài trợ cho Việt Nam trong ngắn hạn. Do mỗi năm từ nay đến năm 2030 sẽ cần tới khoảng 8-9GW công suất phát điện mới và với kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thông qua phát triển phụ tải nền LNG, nhất thiết phải có một khuôn khổ khả thi cho các dự án điện gió và LNG quy mô lớn.
Theo ước tính của Nhóm Công tác, mỗi năm Chính phủ Việt Nam có thể tài trợ từ 15 - 18 tỷ đô la Mỹ (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ đô la Mỹ cho cơ sở hạ tầng (bao gồm cả ngành điện). Do đó, mỗi năm dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ đô la Mỹ tài trợ cho hạ tầng, trong đó tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu khi mức trần nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt này nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng khuyến nghị Chính phủ nên đẩy sớm sự tham gia của khu vực tư nhân và các định chế tài chính đa phương ngay trong đầu năm 2022 để giải phóng nguồn tài trợ dự án cần thiết cho các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, cải thiện sự tham gia của các tổ chức đa phương (MLA) trong cung cấp bảo lãnh MLA để giảm thiểu rủi ro quốc gia và hỗ trợ phát triển dự án cơ sở hạ tầng, dự án năng lượng tái tạo và LNG quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Nhóm Công tác cũng kiến nghị đánh giá về cách thức áp dụng Quyết định 1604 đối với dự án PPP và ở một mức độ nhất định đối với dự án IPP cũng như có các giải pháp tương tự trong cải tiến Luật PPP, coi đây là giải pháp khả thi để phát triển dự án BOT. Cho phép đánh giá của các cơ quan chính phủ về việc liệu Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ (GGU) có thể được phân loại là nợ tiềm tàng trong tương lai. Việc phân loại lại GGU sẽ cho phép GGU được cấp cho nhiều dự án hơn và giải quyết vấn đề chính về khả năng vay vốn ngân hàng của nhiều dự án trọng điểm. Đồng thời đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Điện lực và cho phép khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện mà Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng ủng hộ mạnh mẽ.
Có chính sách đặc thù ngành cho phép đầu tư quy mô lớn và dài hạn
Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF tái khẳng định hoan nghênh việc áp dụng biểu giá điện hỗ trợ FIT cho điện gió ngoài khơi đã được Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn đến năm 2030 từ tháng 11/2021 cho các dự án có công suất điện gió ngoài khơi cao hơn theo đề xuất cho năm 2030 trong đánh giá của Bộ Công Thương vào tháng 11 đối với Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8. Điều này sẽ tạo sự chắc chắn về mức giá và cải thiện sự tin tưởng của nhà đầu tư và cam kết cần thiết để thiết lập thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam và các chuỗi cung ứng liên quan cần thiết.
Các Nhóm Công tác thống nhất kiến nghị cải thiện sự tham gia của quốc tế và khu vực tư nhân trong việc thu xếp nguồn vốn và đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án năng lượng quy mô lớn |
Bên cạnh đó, Nhóm Cơ sở hạ tầng tác cũng nhắc lại kiến nghị các dự án điện LNG được miễn tham gia thị trường bán buôn điện và được hưởng biểu giá cạnh tranh cố định. Xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia gắn với việc phát triển các trung tâm điện lực vùng, các dự án điện LNG và khu vực điện gió ngoài khơi để xác định việc sử dụng và phân bổ các vùng biển một cách tối ưu; Rà soát căn cứ của các quyết định giao khu vực biển theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP để thu tiền sử dụng khu vực biển tương xứng với chi phí phát triển và vận hành của các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi.
Liên quan việc xây dựng các mẫu PPA mới cho lĩnh vực điện LNG và điện gió ngoài khơi, Nhóm Công tác kiến nghị có các điều khoản phân bổ rủi ro được các bên cho vay chấp nhận trong các giao dịch tài trợ dự án quốc tế. Ngoài ra, mẫu PPA áp dụng cho các dự án LNG cần có điều khoản về việc thu xếp để nhiên liệu đi qua và trách nhiệm tiếp nhận hoặc thanh toán xuất phát từ hợp đồng cung cấp nhiên liệu. Những vấn đề chính về khả năng vay vốn ngân hàng sẽ được giải quyết trong các PPA sửa đổi bao gồm điều khoản về cắt giảm, vận hành, thanh toán chấm dứt theo thỏa thuận, phân biệt giữa tình trạng bất khả kháng do tự nhiên hay chính phủ, thay đổi về luật pháp và các biện pháp bảo vệ thuế, quyền tiếp quản của bên cho vay, giải quyết tranh chấp, và luật điều chỉnh.
Cũng theo đề xuất của các chuyên gia Nhóm Công tác VBF, Chính phủ xem xét cần phát triển thêm năng lực vận chuyển hàng hóa tại các đầu mối giao thông quốc tế (hàng không và đường biển) để hỗ trợ mở rộng thương mại và phục hồi kinh tế. Đồng thời, xây dựng một cơ quan quốc gia và chương trình đào tạo quốc gia để hỗ trợ phát triển cả lĩnh vực điện LNG và điện gió ngoài khơi nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới trong lĩnh vực này, xuất khẩu kỹ năng và năng lượng sạch trên toàn cầu.
Liên quan việc triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, Trưởng Nhóm Công tác Trần Tuấn Phong khẳng định các thành viên của Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng đều ủng hộ và hoan nghênh việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế và thương mại trong nước, đặc biệt là các dự án Nạo vét luồng hàng hải Cái Mép; Đường vành đai 3, đường vành đai Bến Lức Long Thành, và cầu Phước An nối Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam với cụm cảng Cái Mép; Phát triển năng lực vận chuyển hàng hóa mới và bổ sung tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Đồng quan điểm với Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng về việc cải thiện sự tham gia của quốc tế và khu vực tư nhân trong việc thu xếp nguồn vốn và đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án năng lượng quy mô lớn, ông John Rockhold, Trưởng nhóm Nhóm Công tác Điện và Năng lượng đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc khởi động chương trình năng lượng tái tạo với cơ chế biểu giá FIT ưu đãi và Hợp đồng mua bán điện (PPA) do Tập đoàn điện lực Việt nam (EVN) bảo lãnh để đảm bảo khả năng vay vốn với xếp hạng Moody.
“Điều này đã cho phép Việt Nam thu hút các nhà đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy vậy, điều kiện tiên quyết cho phát triển điện bền vững là EVN phải có đủ tiềm lực tài chính để bảo lãnh cho các PPA. Do đó, EVN không thể tiếp tục bù giá với số lượng lớn và chịu lỗ trong quá trình bán điện. Mức giá quốc tế đối với điện từ năng lượng tái tạo và khí/LNG phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá điện của Việt Nam và đáp ứng các thỏa thuận quốc tế về khí hậu”, ông John Rockhold nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, nguồn tài chính xanh cũng đang đưa ra mức lãi suất ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân để giảm lượng phát thải CO2. Do đó, nên tăng cường và tiếp tục cải thiện sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc hoàn thiện Hợp đồng mua bán năng lượng tái tạo trực tiếp tại chỗ (DPPA). Đồng thời cải thiện cơ chế bảo lãnh hỗ trợ chứng minh năng lực quản lý và trách nhiệm giải trình theo tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế và trong quá trình vay vốn nhằm thu xếp nguồn tài chính đầu tư cho các dự án năng lượng quy mô lớn./.
Bình luận