Những người thầy của tôi
Mỗi dịp 20/11 đến, kí ức về những người thầy của P.Gs-Ts Nguyễn Mạnh Hùng lại dâng trào khiến ông bồi hồi xúc động!
"Không thầy đố mầy làm nên"! Tôi nhận thấy đúng vào trường hợp của tôi. Ngoài người thầy dạy vỡ lòng cho tôi chính là mẹ, với số vốn học thức "i-tờ" bà đã khai thông chữ Quốc ngữ cho tôi trên nền gạch. Lớn lên, trình độ "học vấn" của tôi vượt khỏi "sàn nhà" của bà và tiến lên bảng đen phấn trắng ở trường dành cho trẻ mồ côi của nhà dòng.
Khi vào đại học Sài Gòn tôi bắt đầu tiếp cận với những thầy cô mô phạm ở Văn khoa và Luật khoa, với những bài thuyết giảng tại sảnh đường. Có những thầy nói tiếng Việt pha trộn tiếng Tây, có thầy nói tiếng Việt lồng vào các điển cố Hán Nôm để nói về đạo lý thánh hiền, thỉnh thoảng có thầy cô chuyển sang bàn bạc chính trị Sài Gòn.
Thầy Nghiêm Thẩm lo khảo cổ, Thầy Nghiêm Toản thì văn chương, Thầy Bửu Cầm mô tả chữ Nôm cùng Thầy Vũ Văn Kính, Thầy Nguyễn Đình Hòa dạy ngữ âm, Thầy Nguyễn Văn Trung say mê phê bình văn học, thầy Kim Định luôn trầm tư với những dòng tư tưởng có giá trị uyên thâm lạ lẫm. Còn những thầy khác từ các Đại học Pháp trở về nói tiếng Tây vanh vách, mang nền tảng triết học phương Tây với những kiến văn mới về chính trị học, tôn giáo học, siêu hình học, phân tâm học, pháp chế học, biện chứng pháp, thực dụng học… Đó là những thầy Vũ Văn Mẫu, Trần Thái Đỉnh, Bùi Xuân Bào, Lê Tôn Nghiêm, đặc biệt là thầy Châm Vũ Nguyễn Văn Tần về lịch sử tư tưởng Nhật Bản…
Sau ngày 30/4/1975, tôi may mắn được tiếp cận học hỏi với những thầy cô từ Hà Nội vào trong miền Nam giảng dạy. Từ đó tôi tôi bỗng dưng cảm nhận mình là "sinh vật sống trong vùng nước lợ". Kiến thức bản thân mang chất "ngụy" trông như chiếc bánh da lợn, nửa xanh nửa vàng, mà không được đỏ như son. Vì thế tôi quyết chí tự "học tập cải tạo". Tôi tìm đường ra Hà Nội, vinh dự được tiếp cận và học tập từ các thầy trong "tứ trụ triều đình" (tên gọi thân thương ấy được dành cho bốn thầy Lâm – Lê – Tấn – Vượng). Từ đây tôi thật sự được mở rộng tầm nhìn cùng với nhiều thầy cô khác như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Văn Đức, Đỗ Quang Hưng… Khi trở vào Nam, tôi được học ở những thầy cô Bùi Khánh Thế, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ… Đặc biệt tôi quan tâm đến những lời thuyết giảng về triết học Mác-Lênin mà tôi nghe trót lọt, không có chỗ gập ghềnh nào phải vấp ngã.
Nhưng trong số những thầy cô trong Nam ngoài Bắc ấy, riêng tôi lưu giữ kỷ niệm riêng với hai người thầy. Người thứ nhất là Linh mục Thanh Lãng , ông là một người uyên bác ở miền Nam trước năm 1975. Thầy luôn luôn có trong tay những tập hồ sơ văn hóa của miền Bắc để đối chiếu so sánh với miền Nam. Đề tài "tiểu thuyết" của thầy về văn chương chữ quốc ngữ (miền Nam) luôn đi kèm quyển "công việc của người viết tiểu thuyết" của Nguyễn Đình Thi (miền Bắc).
Một hôm, tôi được GS. Hoàng Như Mai, người đứng ra thành lập Hội Văn học đầu tiên của thành phố HCM sai tôi đi gặp Linh mục để mời người vào Ban chấp hành. Tôi được cấp một chiếc xe hơi đến thẳng nhà thầy ở quận Tân Bình. Thầy hỏi tôi “Không biết anh em miền Bắc có thực lòng hay không”? Tôi đưa tay làm dấu trước ngực rồi dõng dạc: Rất thực lòng! Thầy gật gù rồi đưa tôi vào "thư phòng" của thầy để say sưa mô tả tác phẩm của thầy sắp ra đời từ những tấm phiếu chữ Nôm thế kỷ 17. Thông qua tác phẩm Maiorika, đây là tư liệu lưu trữ tại tòa thánh Vatican mà thầy Vũ Văn Kính đã dịch sang chữ La-tinh bên cạnh những bản dịch về "Châu bản triều Nguyễn". Mấy ngày sau tôi trở lại đến để mời thầy dự lễ ra mắt chính thức thì thầy phải đi cấp cứu, rồi thầy không qua khỏi. Nhưng Hội vẫn ghi nhận thầy như người góp viên gạch nối hai dòng văn hóa Nam- Bắc đã bao năm xa cách…!!
Người thứ hai là Thầy Cao Xuân Hạo. Tôi đã tìm cách gặp thầy vì mến mộ tài năng và số phận. Đến thầy để học ngôn ngữ và nghe kể chuyện văn hóa miền Bắc.Về phần tôi, tôi cũng cố lấy ra mớ chữ Hán Nhật "học mót" để làm quà. Rồi chúng tôi tách ra làm hai phía. Thầy cho rằng nếu Việt Nam vẫn dùng chữ Hán chữ Nôm như Nhật Bản thì Việt Nam đã tiến xa như Nhật mà không phải như bây giờ! Thầy đã viết bài "Chữ Tây chữ Hán - Thứ chữ nào hay hơn?" (1) còn tôi thì bảo vệ thành quả xây dựng lực lượng công chúng văn học chữ La-tinh (2). Tôi bỗng cảm nhận ra một điều, thầy là người sử dụng chữ La-tinh điêu luyện và sắc sảo thông qua một một tác phẩm dịch mà tôi đã đọc nhưng tại sao thầy lại không "bênh vực" nó!. Như tác phẩm"Chiến tranh và hòa bình" của Leon Tolstoi từ văn bản tiếng Nga sang tiếng Việt mà Thầy đã dịch trên cái ghế dựa vào những buổi trưa hè oi bức tại Hà Nội. Tôi không hiểu ông dịch "Chiến tranh và hòa bình" như thế nào! Vì tôi không đủ sức đánh giá. Nhưng chỉ riêng cái tựa đề tác phẩm "Mugentô" (Vô huyền đăng) của Nhật Bản thông qua bản tiếng Nga thì tôi nhận ra ông là bậc thầy của ngôn ngữ Việt Nam. Thay vì dịch "Ngọn đèn mổ" theo sát nghĩa chữ "Mugentô" (Vô huyền đăng) như ngọn đèn rọi vào "xác người" trong phòng giải phẫu. Thế mà thầy đã dịch "Đèn không hắt bóng". Đó là ngọn đèn của Thần chết đã che lấp cái bóng của lưỡi dao sát thủ.
Những nhà Văn hóa học khi nghiên cứu thần giao cách cảm đã chú ý đến hình tư tưởng này. Từ đó, thông qua chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam đã có ít nhất hai hình ảnh ẩn tàng từ trong tư tưởng dân gian qua cái biểu tượng "đèn không hắt bóng" ấy!
Hình ảnh thứ nhất "Ngọn đèn" đã không "hắt cái bóng" đen vào "Sân vườn Lệ Chi" để phát hiện ra kẻ chủ mưu giết vua Lê Thái Tông trong suốt đêm ngồi bên Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi), một người đẹp giỏi văn chương bỗng nhiên nhà vua bị bạo bệnh (trúng độc) rồi chết tại chỗ. Cái tên "Đèn không hắt bóng" ấy đã xuất hiện một hình ảnh đau thương trong tâm trí dân gian Việt Nam với bản án "tru di tam tộc" dành cho dòng họ Nguyễn Trãi, một vụ án giết người không thấy "bóng" thủ phạm.
Hình ảnh thứ hai lần này "ngọn đèn đã hắt cái bóng" của thiếu phụ Nam Xương lên vách để nói dối với đứa con thơ là: "Cha con đấy!". Khi ấy, cha nó người bị gọi đi làm lính canh nơi biên thùy đã vắng nhà từ khi nó được sinh ra. Khi người cha về đứa con không nhận, mà chỉ nhận "cái bóng hắt ra từ ngọn đèn in hình mẹ nó lên vách" để rồi lòng ghen tuông và hành vi tàn nhẫn của người chồng đã khiến người vợ nhảy xuống dòng sông tự vẫn. "Đèn không hắt bóng" đã tác động vào tư tưởng người đọc về một "ngọn đèn ngược lại" Lần này đã "hắt cái bóng đen" quái ác lên vách nhà để gây ra một thảm kịch!
… Thế rồi! Vào ngày cuối đời – Tôi có mặt để thắp cho Thầy một nén nhang. Tôi đã khấn vái "Xin từ biệt người Thầy – Một ngọn đèn đã "hắt cái bóng vĩ đại" trong lịch sử ngôn ngữ Việt Nam thời cận đại./.
Nay, nhìn lại! Tôi cảm thấy được vinh dự sống xuyên suốt qua cuộc chiến tranh, tiếp cận được nhiều mẫu người của cả hai miền Nam Bắc. Có người đã ra đi, tôi cảm thấy bùi ngùi! Vì chưa trả được món nợ đã giúp đỡ, giảng dạy cho tôi trong những năm tháng đầu đời. Tôi thật sự biết ơn Bác Năm – người bỏ cả cuộc sống cô đơn để nghiên cứu chữ Nôm. Thầy Châm Vũ Nguyễn Văn Tần dạy cho tôi chữ Hán Nhật, thầy Nguyễn Tài Cẩn hướng dẫn cho tôi đi vào lịch sử văn hóa, thầy Bùi Khánh Thế giúp tôi tìm hiểu ngôn ngữ đại cương, thầy Trần Chút cho tôi tập "Tiếng Việt thực hành" như tập đứa con trẻ sau ngày ba mươi tháng tư. Và còn nhiều thầy cô mà tôi đã tri ân trong cuộc đời mình.
Tài liệu:
(1) Cao Xuân Hạo – "Chữ Tây và chữ Hán, chữ nào hay hơn" – Kiến thức ngày nay số 141, ngày 15/6/1994 – Trang 3,4,5
(2) PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - "Sự định hình chữ La-tinh cấu thành chữ viết của Việt Nam và Nhật Bản trong thế giới hóa giải chữ Hán"
Bình luận