Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là quan điểm xuyên suốt, dài hạn...
Tăng trưởng GDP thực chất
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Một năm sau khi Nghị quyết được ban hành, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật so với thế giới trong bối cảnh toàn cầu tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.
“Chúng ta đều đã biết, Nghị quyết số 128/NQ-CP được triển khai đến nay đã tròn 1 năm. Đây là Nghị quyết có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (ngày 5/10).
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có thể thấy, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay (ảnh: VGP) |
Cũng theo Thứ trưởng, cùng với Nghị quyết số 128/NQ-CP là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế. Với các giải pháp bổ sung như vậy, đến nay, chúng ta thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế. Sự phục hồi này được duy trì cho đến nay, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới…
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần phải nhìn nhận rằng, với kết quả nền kinh tế Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này, rất nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia đã nhận định một cách khách quan, đánh giá cao về cách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi đối phó với dịch bệnh. |
“Kết quả tăng trưởng trong quý III/2022 với con số 13,67% không phải ngẫu nhiên, mà là sự tăng trưởng thực chất do nền kinh tế đang phục hồi. Có thể thấy, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay...”, Thứ trưởng nhận định.
“Tôi cảm nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, linh hoạt của Thủ tướng và Chính phủ. Thủ tướng liên tục nhắc nhở và chỉ đạo phải nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu để ban hành chính sách kịp thời, hiệu quả. Thực sự rất nhiều chính sách, nghị quyết ban hành vừa qua đã cho thấy hiệu quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ví dụ như Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành, kết quả giải ngân đã tăng lên nhiều so với trước đó…”, Thứ thưởng cho biết.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến duy trì ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế chủ động, thiết thực và sâu rộng. Chúng ta thấy rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn là quan điểm xuyên suốt, dài hạn, thể hiện ở rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Bởi lẽ, đây là điều kiện mang tính tiên quyết, nền tảng để có thể triển khai các giải pháp khác trên tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là gắn với mục tiêu dài hạn của đất nước là phát triển nhanh, bền vững.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cùng các đại biểu tham dự Tọa đàm (ảnh: VGP) |
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tôi muốn đề cập đến các thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…”, ông Trần Quốc Phương chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, các định hướng đề ra trong dài hạn đã tác động trực tiếp đến các cấp, các ngành, các địa phương, dần dần bồi đắp nhận thức và ý thức về vấn đề này. Mỗi cơ sở, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức đều có kế hoạch, giải pháp riêng để thực hiện mục tiêu hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ... |
Thứ nhất là phải xây dựng năng lực nội tại của nền kinh tế, làm sao đạt mục tiêu tự lực, tự cường, đủ năng lực để phát triển, chống chịu với các "cú sốc" từ bên ngoài.
Thứ hai là làm chủ công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra rất mạnh mẽ. Thực tế từ rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh quốc gia nào làm chủ về công nghệ, thì sẽ chiến thắng và giữ thế chủ động trong rất nhiều vấn đề. Để thực hiện được nội hàm của thành tố này, chúng ta đã có rất nhiều đề án, kế hoạch của Chính phủ đề ra và đang triển khai rất quyết liệt về chuyển đổi số, kinh tế số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo…
Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để xây dựng được độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải có vị thế, vai trò trong môi trường quốc tế, hay nói cách khác là chúng ta phải tham gia và làm chủ cuộc chơi./.
Bình luận