Phân bổ vốn NSNN năm 2016 phải tuân theo những nguyên tắc nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2016.
Theo đó, việc phân bổ vốn NSNN phải quán triệt và thực hiện theo các nguyên tắc: Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 phải nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành trong phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng vùng, từng địa phương…
Việc phân bổ vốn thực hiện theo đúng Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13, ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg, ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, lưu ý năm 2016 việc phân bổ vốn phải đảm bảo theo thứ tự ưu tiên sau:
1- Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn ứng trước; dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 (theo tiến độ trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2016);
2- Vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
3- Số vốn còn lại bố trí cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.
Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới, theo quy định sau: ưu tiên bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 để lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Dự án khởi công mới trong năm 2016 phải được rà soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Cụ thể như sau: Thuộc danh mục dự án khởi công mới trong dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và quyết định đầu tư dự án trước ngày 31/10/2015.
Mức vốn bố trí bảo đảm hoàn thành theo đúng thời gian quy định (dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng: bố trí vốn không quá 5 năm; dự án nhóm B có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến 2.300 tỷ đồng: bố trí vốn không quá 8 năm; dự án nhóm C bố trí vốn không quá 3 năm).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc bố trí vốn nước ngoài (ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) của bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện theo nguyên tắc: ưu tiên bố trí cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đang triển khai dở dang, có hiệu quả. Các dự án chuyển tiếp nếu thấy không hiệu quả, phải nghiên cứu dừng ngay việc triển khai thực hiện để rà soát, phân tích kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khởi công mới năm 2016 phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả; phải phù hợp với khả năng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ và các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện trong năm 2016./.
Bình luận