THỰC TRẠNG SẢN XUẤT HỒ TIÊU XUẤT KHẨU Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

Kết quả đạt được

Về tình hình sản xuất hồ tiêu

Số liệu ở Bảng cho thấy, giai đoạn 2016-2020, diện tích trồng hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên có xu hướng tăng nhưng không liên tục. Trong năm 2016-2017, diện tích hồ tiêu tăng lên nhanh chóng, nhưng đến giai đoạn sau đó (2018-2020), diện tích hồ tiêu lại giảm xuống. Nguyên nhân là do, năm 2018, khoảng 13.381 ha diện tích trồng hồ tiêu bị chết bởi ảnh hưởng của mưa kéo dài liên tục và giá hồ tiêu giảm xuống.

Phát triển hồ tiêu xuất khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên theo hướng bền vững
Hồ tiêu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và được trồng hầu hết ở các tỉnh Tây Nguyên.

Tuy vậy, tính đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn Vùng vẫn đạt 82.865 ha, chiếm 62,87% so với cả nước. Các hộ nông dân đã chủ động tham gia liên kết với doanh nghiệp và Nhà nước áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Mô hình sản xuất hồ tiêu theo IPM làm tăng sử dụng phân bón hữu cơ khoảng 10%-30%, giảm phân bón vô cơ khoảng 10%-20%; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng khoảng 15%-25%, thuốc bảo vệ thực vật hóa học giảm khoảng 20-30%; giảm lượng nước tưới khoảng 15%-20%; nhờ đó, năng suất hồ tiêu tăng khoảng 10%-15% [2].

Phát triển hồ tiêu xuất khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên theo hướng bền vững

Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất, chương trình hồ tiêu bền vững, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance) đang được triển khai mạnh mẽ ở các tỉnh Tây Nguyên, đạt 5.527 ha vào năm 2020. Trong đó, tỉnh Gia Lai đã trồng 3.700 ha theo chương trình hồ tiêu bền vững; 580 ha hồ tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance; khoảng 165 ha hồ tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn OCP và 10 ha hồ tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ [2]. Đắk Nông đã thực hiện được 1.827 ha, trong đó: VietGAP 296 ha; hữu cơ 310 ha; các tiêu chuẩn khác như: Flo, Rainfores… là 1.221 ha [4].

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, các hộ trồng tiêu ở Tây Nguyên đã đầu tư, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt…, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm hồ tiêu đạt được ngày càng cao. Các chủ thể trồng tiêu gồm: hộ nông dân, doanh nghiệp, cũng như các chương trình, dự án đã đầu tư vào ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với diện tích khoảng 5.016 ha.

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức sản xuất hồ tiêu thực hiện theo chuỗi giá trị ở các tỉnh Tây Nguyên ngày càng được mở rộng. Năm 2020, có 21 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ sản xuất, kinh doanh hồ tiêu, 10 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ có sản phẩm OCOP (mỗi làng một sản phẩm) đạt chứng nhận 3 sao. Điển hình ở Gia Lai, doanh nghiệp đã đầu tư thực hiện Dự án liên kết sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance và OCP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất thâm canh bền vững, chuẩn hóa quy trình canh tác và chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững [2].

Về sản lượng hồ tiêu

Giai đoạn 2016-2020, mặc dù diện tích trồng tiêu giảm xuống, nhưng sản lượng thu hoạch hằng năm tăng lên. Năm 2016, sản lượng hồ tiêu của Tây Nguyên đạt 120.357 tấn (chiếm 55,62% sản lượng tiêu cả nước) và đến năm 2020 tăng lên 165.677 tấn (chiếm 61,32% sản lượng tiêu cả nước). Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng hồ tiêu chiếm 41,46% và sản lượng chiếm 44,46% toàn Vùng, là địa phương có diện tích và sản lượng cao nhất tại Tây Nguyên (Bảng).

Tình hình chế biến hồ tiêu

Những năm gần đây, các hộ trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên ngày càng quan tâm đầu tư, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thu hoạch đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhất là khi thu hoạch bảo đảm có quả chín từ 5%-10%, sau khi thu hoạch tách hạt bằng máy, phơi hạt từ 3-4 nắng, hạt bảo đảm độ ẩm từ 11%-12% [2].

Trong chế biến hồ tiêu xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư, cải thiện nhà máy chế biến tiêu ứng dụng công nghệ hiện đại. Cụ thể, tỉnh Gia Lai có 4 nhà máy chế biến hồ tiêu, trong đó có 1 nhà máy chế biến tiêu sạch; 1 nhà máy chế biến hồ tiêu chất lượng cao; 1 nhà máy chế biến tiêu chín, tiêu sọ; 1 nhà máy chế biến tiêu của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang [2]. Tỉnh Đắk Lắk có 4 cơ sở chế biến tiêu bột với quy mô nhỏ dưới hình thức hợp tác xã [3]. Đắk Nông hiện có 2 nhà máy chế biến với công suất mỗi nhà máy trên 10.000 tấn sản phẩm/năm, ngoài ra trên địa bàn Tỉnh đã xây dựng được 4 nhãn hiệu hồ tiêu có chỉ dẫn địa lý [4].

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình trồng tiêu ở các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã ứng dụng thành công dây chuyền máy chế biến tiêu trắng từ tiêu đen, không dùng hóa chất, chỉ sử dụng loại enzym hữu cơ để xử lý tách vỏ và tẩy trắng, giúp rút ngắn thời gian chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Những vấn đề đặt ra

Hiện nay, việc trồng hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên không theo quy hoạch, diện tích tiêu già lớn dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững hồ tiêu xuất khẩu. Một số hộ trồng tiêu tự ươm giống và nhân giống vô tính, sử dụng giống có nguồn gốc không rõ ràng, giống chưa được công nhận chính thức, nên khả năng lây lan dịch bệnh rất cao khiến sản phẩm hồ tiêu đạt được không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, ảnh hưởng tình hình xuất khẩu hồ tiêu.

Hơn nữa, việc đầu tư, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ còn chưa mạnh mẽ; kỹ thuật chăm sóc, chế biến vẫn còn nhiều hạn chế, một số hộ chưa nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, dẫn đến năng suất thấp, đầu tư kém hiệu quả; kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản chưa chuyên nghiệp, phẩm chất và chất lượng sau thu hoạch chưa cao; trình độ công nghệ chế biến hàng xuất khẩu quy mô nhỏ, chậm đổi mới dẫn đến sản lượng bị tổn thất khá cao.

Hình thức tổ chức sản xuất tiêu xuất khẩu hiện nay của Tỉnh chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô diện tích nhỏ, manh mún, năng lực nội tại còn yếu. Sự liên kết giữa các nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết để tổ chức sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thấp (khoảng 10%); sự liên kết tạo thành hệ thống thu mua, mở rộng thị trường xuất khẩu, phương thức ký kết hợp đồng, giá cả còn lỏng lẻo, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong khi đó, ý thức, trình độ chuyên môn của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, mà chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài, chưa tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết. Trong một số dự án hợp tác, các thành viên tham gia liên kết chưa thực hiện đúng cam kết theo các nội dung hợp đồng. Hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ, đổi mới hệ thống canh tác chậm, nên người nông dân khó tiếp cận, đặc biệt là thiếu nguồn lực để đầu tư ban đầu.

Trong khi đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý còn chậm; chưa đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại; tham dự các hội chợ ngành hàng hồ tiêu chưa liên tục; dự báo về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu còn hạn chế...

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để phát triển hồ tiêu xuất khẩu theo hướng bền vững trong thời gian tới, theo tác giả, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức các mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng nâng cao chất lượng gắn với phát triển bền vững

Cần tiếp tục tuyên truyền, tổ chức sản xuất trồng tiêu theo hướng sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện chăm sóc, phân bón theo đúng kỹ thuật nhằm phát hiện kịp thời và phòng trừ các loại sâu bệnh hại; chủ động nguồn nước tưới, áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, bảo đảm đủ lượng nước và có biện pháp che tủ gốc hiệu quả cho cây tiêu trong những ngày nắng hạn. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật từ khâu canh tác đến thu hoạch, bảo quản đối với cây hồ tiêu theo chuỗi giá trị bền vững gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, đa dạng hình thức áp dụng kỹ thuật thực hiện quy trình sản xuất hồ tiêu xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh hồ tiêu xuất khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất hồ tiêu xuất khẩu

Tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ, hệ thống số hóa từ các hoạt động sản xuất trang trại, hộ nông dân, thu hoạch đến chế biến, marketing và tiêu dùng vào chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh hồ tiêu xuất khẩu. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng hệ thống thông tin thị trường hồ tiêu toàn diện từ thu thập quản lý dữ liệu, nâng cao năng lực về khả năng nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường hồ tiêu.

Thứ ba, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết nông dân với nông dân: Xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để nông dân chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt để cùng nhau áp dụng; thực hiện các hợp đồng mua phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật của các công ty có thương hiệu, hạn chế tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, ảnh hưởng đến hồ tiêu và sản phẩm sau thu hoạch.

Tăng cường liên kết nông dân với doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần đầu tư vật tư đầu vào cho người dân trồng hồ tiêu, đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác khuyến nông, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cũng từ mối liên kết này, cần bảo đảm thực hiện cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến chăm sóc, bảo quản và thu hoạch; áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp với quản trị dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại trong đất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm giới hạn tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm theo quy định của quốc tế. Mặt khác, doanh nghiệp cần thực hiện ký hợp đồng và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân với giá phù hợp. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư hiện đại hóa dây chuyền công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm hạt tiêu và các sản phẩm khác từ hạt tiêu, mở rộng thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại đối với sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên

Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí, tư vấn cho hộ trồng tiêu, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu xuất khẩu, như: hồ tiêu hạt, hồ tiêu xanh, hồ tiêu bột… Đồng thời, doanh nghiệp cần phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực tham dự các các hội chợ, hội thảo quốc tế ngành hàng hồ tiêu nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm hồ tiêu sang các thị trường tiềm năng. Tiếp tục mở rộng thị trường, đa dạng các kênh phân phối, xây dựng website của doanh nghiệp, sử dụng thương mại điện tử và kênh thương mại thông qua các sở giao dịch hàng hóa với hợp đồng kỳ hạn./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014). Quyết định số 1442/QĐ/BNN-TT, ngày 27/6/2014 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai (2021). Báo cáo thực trạng sản xuất hồ tiêu của tỉnh Gia Lai và đề xuất giải pháp canh tác phát triên hồ tiêu bền vững

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (2020). Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển cà phê, hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (2020). Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển cà phê, hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông

5. Tổng cục Thống kê (2020). Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nxb Thống kê

6. Hà An (2021). Hồ tiêu Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới, truy cập từ https://nhandan.vn/nhan-dinh/ho-tieu-viet-nam-ghi-danh-tren-ban-do-the-gioi-664930

TS. Lê Thị Thanh Huyền

Học viện Chính trị Khu vực III

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)