THỰC TRẠNG

Để đánh giá khách quan về ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, nhóm nghiên cứu đã phát ra hơn 1.000 phiếu khảo sát đến các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản trên địa bàn. Thời gian khảo sát được thực hiện trong năm 2019. Sau khi thu về và làm sạch, còn lại 524 phiếu hợp lệ được đưa vào phân tích. Kết quả được thể hiện qua những khía cạnh sau:

Thiết bị công nghệ cơ sở đang sử dụng

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu (Hình 1), gần một nửa cơ sở sở hữu máy bơm/tưới, hay còn gọi là bơm hỏa tiễn, bên cạnh đó còn có hệ thống phun (téc), tưới nhỏ giọt, hệ thống sục… Tiếp theo là các máy móc cơ giới lớn, như: máy cày, máy xới, máy làm đất… (16%). 7% các cơ sở sở hữu máy nổ, 6% sở hữu các thiết bị quạt hay thông gió. Chỉ một số ít hộ có sở hữu máy gặt và các thiết bị điều khiển nhiệt độ (như: máy lạnh, máy sưởi), tương ứng 2% và 1%. Ngoài ra, 7% cho biết, họ không có thiết bị máy móc trong sản xuất (hoặc không trả lời).

Thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai

Liên quan đến xuất xứ của thiết bị, gần một nửa đối tượng khảo sát cho biết, máy móc, thiết bị của họ được sản xuất từ Việt Nam (khoảng 45%), tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các quốc gia khác (Hàn Quốc, Thái Lan, Âu Mỹ…). 75% đối tượng khảo sát cho biết, đây là những thiết bị mua mới, chỉ 25% là các máy móc thay thế. 6% trong tổng số các máy móc là những dây chuyền, thiết bị công nghệ đồng bộ.

10% tự nhận, họ có sáng kiến trong sản xuất. Những đối tượng này cho rằng, tác dụng lớn nhất của sáng kiến chủ yếu để giảm chi phí (91%), tăng năng suất (80%) và nâng cao chất lượng sản phẩm (78%) (Hình 2).

Thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai

Với câu hỏi “Năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị của cơ sở như thế nào?”, ngoài 19% không trả lời, đa số các cơ sở đều tự nhận không có khả năng bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị. 31% cho biết, họ có thể sửa chữa, bảo dưỡng những sự cố nhỏ. Chỉ 5% khẳng định, họ thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị định kỳ. 1% trả lời có bảo dưỡng sửa chữa chuyên sâu và 1% có bảo dưỡng, chẩn đoán toàn bộ hệ thống. Điều này cho thấy, mức độ tự chủ về năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc còn nhiều hạn chế.

Hơn nữa, 83% cho biết, họ không có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, hoặc không trả lời. 15% có thể nhận chuyển giao dây chuyền, thiết bị đồng bộ theo phương thức chìa khóa trao tay. Chỉ 1% các cơ sở có khả năng mua phát minh, sáng chế để tự hoàn thiện phát triển, ứng dụng vào sản xuất. Dưới 1% (chỉ một vài cơ sở) mua công nghệ cụ thể để điều chỉnh, cải tiến và tích hợp vào dây chuyền, hoặc mua bản quyền, hay cấp phép công nghệ của đối tác để sản xuất.

Nhân lực và quản lý của cơ sở

Xét đến tổng số nhân lực của các cơ sở được khảo sát, gần một nửa số cơ sở chỉ có 2 lao động đang sản xuất (45%); 17% số cơ sở chỉ có 1 lao động; 23% số cơ sở có từ 3 đến 5 lao động; số cơ sở có từ 5-10 lao động hoặc trên 10 lao động đều chiếm 6%.

Về trình độ nhân lực, 17% số cơ sở có 1 lao động ở trình độ từ cấp 2 trở xuống. 28% số cơ sở có 2 lao động ở trình độ từ cấp 2 trở xuống. 8% số cơ sở có từ 3-5 lao động với trình độ từ cấp 2 trở xuống. Ít cơ sở có trên 5 lao động với trình độ từ cấp 2 trở xuống (5%).

Số cơ sở có lao động đạt trình độ cấp 3 cũng rất thấp, chỉ chiếm 32%. Trong đó, 16% cơ sở có 1 lao động có trình độ cấp 3; 10% các cơ sở có 2 lao động đạt trình độ cấp 3. Số cơ sở có từ 3-5 lao động đạt trình độ cấp 3, từ 5-10 lao động có trình độ cấp 3, từ 10 lao động trở lên đạt trình độ cấp 3 chiếm lần lượt là 3%, 2% và 1%.

Số cơ sở có lao động trình độ đại học chỉ chiếm 12%. Bên cạnh đó, 7% cơ sở có 1 lao động trình độ đại học, 3% có 2 lao động trình độ đại học. Chỉ 2% số cơ sở có nhiều hơn 3 lao động ở trình độ đại học. Ngoài ra, số cơ sở có lao động đạt trình độ sau đại học chỉ chiếm 2%.

Nếu xét theo vị trí việc làm, số lượng cơ sở có công nhân trực tiếp sản xuất, vận hành chiếm chưa đến 20% (hơn 80% không trả lời). Trong đó, 7% có 1 nhân lực trực tiếp vận hành, 5% có 2 nhân lực và 5% có 3 nhân lực trực tiếp vận hành trở lên. Số lượng cơ sở có lao động quản lý, hành chính chỉ chiếm 12% (88% không có/không trả lời). Trong đó, 7% sở hữu 1 nhân lực quản lý, 5% có 2 nhân lực quản lý trở lên. Số lượng cơ sở có lao động nghiên cứu và phát triển là thấp nhất, chỉ chiếm gần 5% tổng cơ sở.

Rất ít cơ sở chi cho công tác đào tạo và huấn luyện trong 3 năm gần nhất. Cụ thể, theo Hình 3, năm 2017, có 1,72% cơ sở có chi cho đào tạo nhân lực, trước khi giảm nhẹ vào năm 2018 (1,53%) và được cải thiện nhẹ vào năm 2019 (3,05%), tuy nhiên vẫn còn rất khiêm tốn. Chi phí lớn nhất mà một cơ sở chi cho công tác nhân sự là 100 triệu đồng/năm và thấp nhất là 300 ngàn đồng.

Thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai

Đa số (77%) cho biết, họ không áp dụng hệ thống quản lý sản xuất nào hoặc không trả lời. 15% các cơ sở áp dụng hệ thống quản lý sản xuất theo quy trình tự thiết kế. Chỉ 8% các cơ sở áp dụng hệ thống quản lý sản xuất theo quy trình được cấp chứng chỉ, như: ISO, VietGAP.

Liên quan đến hệ thống xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, gần 2/3 cơ sở không áp dụng một hệ thống xử lý chất thải nào, hoặc không trả lời. 37% cơ sở có hệ thống xử lý chất thải đáp ứng đủ các quy định hiện hành của Nhà nước.

Hạ tầng thông tin và năng lực nghiên cứu, phát triển

Về thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm đang sử dụng tại cơ sở, 88% cơ sở không có máy tính/không sử dụng máy tính trong sản xuất. 81% cơ sở không sử dụng một phần mềm hỗ trợ sản xuất nào. Chỉ 10% các cơ sở có 1 máy tính, 1% có 2 máy tính và 1% các cơ sở có trên 3 máy tính sử dụng trong sản xuất. Số cơ sở sử dụng 1 phần mềm là 6%, 2 phần mềm là 4% và 3 phần mềm trở lên là 3%. Các phần mềm chủ yếu được sử dụng là những phần mềm văn phòng và phần mềm kế toán.

Về công tác nghiên cứu, phát triển, 97% cơ sở cho biết, họ không có hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ. Chỉ 3% là có hoạt động nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, công nghệ, tuy nhiên không thường xuyên và không có bộ phận riêng. Duy nhất 1 cơ sở có bộ phận nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ chuyên trách. Đây là con số rất nhỏ và khiêm tốn, cho thấy sự ưu tiên phát triển sản phẩm, công nghệ của các cơ sở sản xuất còn rất thiếu và yếu.

Hơn nữa, chỉ có 3 cơ sở có quy trình, phương tiện, thiết bị công nghệ được tiến hành nghiên cứu; 1 cơ sở có quy trình, công nghệ, phương thức sản xuất mới được chấp nhận đăng ký hoặc được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Không có cơ sở nào có quy trình, công nghệ, phương thức sản xuất mới được bảo hộ dưới dạng bằng sáng chế và được thương mại hóa.

Về tình trạng áp dụng các công nghệ số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở, 91% các cơ sở không có hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chỉ 6% đang nghiên cứu áp dụng và 2% đã áp dụng toàn bộ. 94% các cơ sở không có hệ thống xử lý tự động, 4% đang nghiên cứu áp dụng và 2% đã áp dụng cho một bộ phận. Mặt khác, 97% các cơ sở không có phần mềm điều khiển trên thiết bị di động thông minh, 1,5% cho biết đang nghiên cứu áp dụng, 1% đã áp dụng 1 phần và 0,6% áp dụng toàn bộ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 98% cơ sở không sử dụng các phần mềm điều khiển trên máy tính, chỉ 1% đang nghiên cứu áp dụng và 1% đã áp dụng với 1 bộ phận. 98% các cơ sở không sử dụng công nghệ cảm biến, phân tích dữ liệu, 1% các cơ sở đã áp dụng 1 phần và 1% áp dụng toàn bộ.

Về hình thức liên kết, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, 66% các cơ sở trả lời không có hình thức nào. 9% các cơ sở có liên kết với các viện, các trường, 4% tự đầu tư các dự án nghiên cứu, phát triển, 2% thuê chuyên gia, tiếp nhận kết quả nghiên cứu.

Mặc dù vậy, các đối tượng khảo sát đã có nhận thức về việc áp dụng, nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất, bởi 27% nhận thấy đây là việc làm cần thiết; 11% cho rằng đây là yêu cầu của thị trường, đòi hỏi cạnh tranh để kinh doanh. Chỉ 2% cho biết, do được Nhà nước hỗ trợ, nên áp dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất (Hình 4).

Thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai

Liên quan đến kênh thu nhận thông tin về hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của cơ sở, nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra 4 loại thông tin: thông tin về kỹ thuật, công nghệ mới; thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm; thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thông tin về chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Kết quả cho thấy, đối với thông tin về kỹ thuật, công nghệ mới, 30% số cơ sở tiếp cận thông tin này thông qua chính quyền địa phương; khoảng 26% tiếp cận thông qua đài, báo, TV; 25% thông qua mạng internet, 25% thông qua tập huấn, chuyển giao. Chỉ có 1 cơ sở tự bỏ tiền để tham gia lớp học nhằm tiếp cận thông tin về kỹ thuật, công nghệ mới. Khoảng 12% trả lời họ tìm kiếm thông tin qua nguồn khác và 12% cho biết, họ không tiếp cận những thông tin này.

Với thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, 25% số cơ sở không tiếp cận những thông tin này. Số còn lại tiếp cận thông tin từ chính quyền địa phương, đài báo, mạng internet. Rất ít cơ sở bỏ tiền ra để tiếp cận thông tin về thị trường thông qua các lớp học. Đặc biệt, có đến 25% cơ sở cho biết, họ có thông tin này thông qua nguồn khác (ở đây là các thương lái).

Đối với các thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khoảng 50% số cơ sở trả lời họ không tiếp cận được với loại thông tin này. Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở được tiếp cận thông qua kênh thông tin của chính quyền địa phương, đài báo và internet. Số lượng cơ sở có được thông tin này thông qua tập huấn chuyển giao đạt 9%.

Cuối cùng, thông tin về chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp cho tỷ lệ tiếp cận thấp nhất (hơn 60% không được tiếp cận). Khoảng 25% tiếp nhận thông tin từ chính quyền địa phương, chỉ gần 10% tiếp cận qua kênh đài báo, 8% thông qua internet và 5% thông qua tập huấn, chuyển giao.

Kết quả khảo sát cũng cho biết, 54% cơ sở nhận được hỗ trợ từ chính quyền để ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, các cơ sở này không đánh giá cao về các hình thức hỗ trợ mà họ nhận được. 40% số cơ sở cho rằng, những hỗ trợ từ Nhà nước không mang lại lợi ích gì và không thiết thực; 14% nhận xét, các hỗ trợ này mang lại ít lợi ích. 28% tin tưởng, các hỗ trợ từ Nhà nước mang nhiều lợi ích, thiết thực. Có 16% cơ sở trả lời các hỗ trợ từ Nhà nước mang lại rất nhiều lợi ích, rất thiết thực.

Đối với vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đa phần (55%) các cơ sở đánh giá tốt. 33% các cơ sở chỉ cho điểm khá tốt và 5% các cơ sở cho rằng, địa phương còn nhiều yếu kém, hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, các cơ sở có rất ít hoạt động chung với nhóm các viện nghiên cứu, trường đại học. Trong đó, viện, trường chuyển giao công nghệ miễn phí chỉ chiếm 4,39%, tiếp theo là hoạt động thường xuyên nhận thông tin về công nghệ do viện, trường cung cấp (3%) và hợp tác nghiên cứu với viện, trường (2,86%). Các hoạt động còn lại đều chỉ xấp xỉ 1%.

Hiện nay, các cơ sở có tham gia hoạt động chung với nhóm cơ quan nhà nước nhiều hơn nhóm viện, trường, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế. Dẫn đầu là hoạt động thường xuyên nhận thông tin về công nghệ (chiếm 14,12%) và hoạt động chuyển giao công nghệ miễn phí (10,69%). Tiếp theo là hợp tác nghiên cứu (4,96%) và hỗ trợ xử lý miễn phí (3,63%). Các hoạt động còn lại đều chỉ xấp xỉ 1%.

Đánh giá về chất lượng chuyển giao công nghệ, 75% không nhận chuyển giao từ các cơ quan nhà nước so với 85% không nhận chuyển giao từ các viện, trường. Trong số các cơ sở được chuyển giao, số lượng cơ sở đánh giá chất lượng chuyển giao tốt và khá tốt của nhóm cơ quan nhà nước cũng cao hơn (lần lượt là 11% và 14%), so với 7% của nhóm viện, trường.

Với câu hỏi “Cơ sở liên kết với các chủ thể khác trong hoạt động sản xuất như thế nào?”, 8% các cơ sở được hỏi cho biết, họ không có bất cứ hình thức liên kết nào. Trong số 92% còn lại, phần đông là những cơ sở liên kết lỏng lẻo (42%), chỉ có 18% là khá chặt chẽ và 15% là liên kết chặt chẽ.

Theo Hình 5, các cơ sở đánh giá mục đích liên kết là tiêu thụ sản phẩm được xếp cao nhất với 68%. Tiếp theo là mục đích sản xuất theo chuỗi giá trị (39%). Các mục đích: nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tăng quy mô sản lượng chỉ chiếm lần lượt 6% và 2%. Còn lại là các mục đích khác (6%).

Thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai

Câu hỏi cuối cùng nhằm khảo sát xem nhu cầu thiết yếu nhất hiện nay của các cơ sở nông nghiệp. Kết quả cho thấy, 39% cơ sở thấy thiếu nhất là vốn. 22,4% các cơ sở trả lời họ cần hỗ trợ bình ổn giá đầu ra, tìm đầu ra phù hợp ổn định lâu dài nhằm ổn định kinh doanh. 17,8% các cơ sở cho rằng, họ thiếu hỗ trợ về kỹ thuật, cập nhật về những công nghệ mới trong sản xuất. Các nhu cầu khác, như: liên kết sản xuất, đầu vào, vật tư hay cơ sở hạ tầng chỉ chiếm 5%. Nhu cầu thấp nhất là cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách (3,4%).

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Qua tìm hiểu thực trạng, nhóm nghiên cứu đưa ra một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, như sau:

Một là, nâng cao nhận thức của người sản xuất về tầm quan trọng và yêu cầu của đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hai là, tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Cần lựa chọn mô hình để chuyển giao đến các nhóm đối tượng phù hợp với khả năng tiếp nhận và duy trì mô hình của mỗi đối tượng.

Ba là, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong định hướng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Để thực hiện giải pháp này, cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp.

Bốn là, tích tụ và tập trung nguồn lực, năng lực sản xuất của kinh tế hộ gia đình thông qua hình thành các hợp tác xã nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Bởi lẽ, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chỉ đạt được hiệu quả trên một quy mô sản xuất đủ lớn, quản trị chuyên nghiệp và thị trường đầu ra ổn định.

Năm là, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức cấp tín dụng và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là điều kiện để gắn kết yêu cầu của thực tiễn sản xuất và nghiên cứu khoa học. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và nhà khoa học, trường, viện trong nghiên cứu khoa học thông qua cung cấp một phần tài chính cho các nghiên cứu./.

Tài liệu tham khảo

UBND tỉnh Đồng Nai (2020). Quyết định số 4000/QĐ-UBND, ngày 28/10/2020 phê duyệt Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030

PGS,TS. Bùi Văn Huyền

PGS,TS. Đinh Thị Nga

ThS. Lê Thạch Anh

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)