THỰC TRẠNG

Những kết quả đạt được

Thời gian qua, trên cơ sở các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về quản lý chất thải trên địa bàn. Hệ thống văn bản pháp quy ngày một hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo định hướng mới; là bước tiến quan trọng để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; góp phần ngăn chặn các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, công nghệ chôn lấp và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Đơn cử, năm 2009, UBND Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tiếp đến, để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, năm 2016, UBND Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (ban hành kèm theo Quyết định số 4012/QĐ-UBND, ngày 30/11/2016). Ngày 23/5/2017, UBND Tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1613/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn. Có thể nói, với việc điều chỉnh quy mô, vị trí và số lượng các cơ sở xử lý chất thải rắn tại Quyết định số 4012/QĐ-UBND, các bãi chôn lấp và khu xử lý tập trung chất thải rắn hiện nay đã tính đến yếu tố liên kết vùng; các khu xử lý cấp tỉnh hình thành đã xử lý cho liên đô thị, liên huyện. Việc tổ chức triển khai quy hoạch đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn trên địa bàn Tỉnh.

Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Tình trạng xả rác thải không đúng nơi quy định tại các khu vực công cộng vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Internet.

Việc triển khai thực hiện việc quản lý, xử lý CTRSH hiện nay trên địa bàn Tỉnh đã đạt được những kết quả sau:

(1) Hiện trạng năng lực thu gom CTRSH

Tổng lượng CTRSH (bao gồm cả đô thị và nông thôn) phát sinh trên địa

bàn tỉnh Quảng Ninh đến tháng 6/2020 là 1.243,4 tấn/ngày; tổng lượng

CTRSH được thu gom tương ứng khoảng 1.125,2 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom

CTRSH toàn Tỉnh trung bình đạt 90,5% [4]; trong đó:

- CTRSH khu vực đô thị phát sinh 984,9 tấn/ngày (chiếm 79,2% tổng lượng CTRSH toàn Tỉnh); khối lượng CTRSH đô thị được thu gom 984,9 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom trung bình CTRSH đô thị toàn Tỉnh đạt 96,0%; trong đó, CTRSH tại các đô thị lớn (TP. Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; thị xã Đông Triều và Quảng Yên) có tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị đạt khoảng 95,7% [4].

- CTRSH khu vực nông thôn phát sinh 258,6 tấn/ngày (chiếm 20,8% tổng lượng CTRSH toàn Tỉnh); khối lượng CTRSH khu vực nông thôn được thu gom 179,7 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom CTRSH khu vực nông thôn trung bình đạt 69,5% [4].

Khu vực các xã ngoại thị TP. Hạ Long (sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ) có tỷ lệ thu gom thấp, 2 xã Kỳ Thượng và Đồng Sơn chưa được thu gom, còn lại khu vực ngoại thị các đô thị và xã nông thôn các huyện trên địa bàn có tỷ lệ thu gom đạt khoảng 80% lượng CTRSH phát sinh.

(2) Hiện trạng hoạt động thu gom, trung chuyển, vận chuyển CTRSH

Đối với CTRSH đô thị: Phương thức thu gom, vận chuyển CTRSH điển hình tại khu vực đô thị, như: TP. Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, thị xã Đông Triều, Quảng Yên và các thị trấn thuộc huyện được thực hiện theo 2 phương thức: (i) Thu gom, vận chuyển trực tiếp: CTRSH đô thị phát sinh từ hộ gia đình (ven các tuyến đường chính) được chứa trong túi nilon đặt ven đường chính; hàng ngày được công nhân vệ sinh môi trường gom trực tiếp lên xe ép rác loại 3,5-7,5 tấn và vận chuyển trực tiếp đến cơ sở xử lý CTRSH đô thị; (ii) Thu gom, vận chuyển gián tiếp: CTRSH đô thị được các hộ gia đình đựng trong túi nilon để ra ngoài nhà, vào khung giờ cố định trong ngày công nhân đội vệ sinh môi trường thu gom lên xe đẩy tay (loại 0,4-0,6 m3 ); sau đó, vận chuyển đến các điểm tập kết hoặc điểm trung chuyển (TP. Hạ Long sử dụng 8 container kín, làm điểm tập kết xe đẩy tay; một số đô thị có diện tích đất trống đã xây dựng trạm tập kết rác có mái che); hầu hết các đô thị đặt điểm tập kết ven đường, chưa có quy hoạch; CTRSH từ xe đẩy tay (tại các điểm tập kết, điểm trung chuyển…) được đưa lên xe ép rác tải trọng 3,5-9,5 tấn, rồi vận chuyển đến cơ sở xử lý CTRSH đô thị.

Đối với CTRSH nông thôn: CTRSH được tổ thu gom CTRSH của thôn hoặc xã sử dụng xe đẩy tay hoặc phương tiện cơ giới (đối với các hộ ven các tuyến giao thông chính) thu gom trực tiếp CTRSH từ hộ gia đình hoặc các xã nông thôn phụ cận (đô thị) được đơn vị thu gom CTRSH của đô thị thực hiện thu gom. Sau khi CTRSH thu gom, được đưa đến điểm tập kết của mỗi thôn, xã để tổ, đội vệ sinh môi trường của xã hoặc đơn vị dịch vụ công ích của đô thị vận chuyển (bằng xe ép rác chuyên dụng) tới cơ sở xử lý CTRSH của xã hoặc cơ sở xử lý chất thải rắn của đô thị. Hiện nay, nhiều thôn, xã đã thành lập các tổ tự quản, tổ vệ sinh môi trường, CTRSH được thu gom theo tần suất nhất định, quy định rõ các ngày trong tuần và chuyển đến cơ sở xử lý.

(3) Thực trạng công tác xử lý và công nghệ xử lý CTRSH

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp về quản lý chất thải, trực tiếp tổ chức, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; kêu gọi, huy động các đơn vị doanh nghiệp áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn phục vụ chung cho các đô thị trong Tỉnh, từng bước khắc phục, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra. Hiện nay, hoạt động xử lý CTRSH trên địa bàn Tỉnh đang chủ yếu áp dụng bằng 2 phương pháp: chôn lấp và đốt.

Đến nay, toàn Tỉnh có 10 khu xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động, trong đó 5 khu xử lý sử dụng công nghệ đốt tại: xã Vũ Oai và Hòa Bình (TP. Hạ Long); thôn Khe Hố, xã Nam Sơn (Ba Chẽ); thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến (Cô Tô) và 5 bãi chôn lấp chất thải rắn tại: Phường Mạo Khê (Đông Triều), xã Vạn Yên (Vân Đồn), xã Vô Ngại (Bình Liêu), xã Tiên Lãng (Tiên Yên), xã Dực Yên (Đầm Hà). Một số dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt đang được triển khai, như: Nhà máy xử lý rác tại xã Tràng Lương (Đông Triều); Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Đông Hải (Tiên Yên); Khu xử lý chất thải rắn xã Dực Yên (Đầm Hà). Dự kiến, sau khi các dự án hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu xử lý chất thải rắn, hạn chế lượng chất thải rắn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường.

Các khu xử lý và bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn Tỉnh cơ bản thực hiện đúng theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được UBND Tỉnh phê duyệt; các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn mới đều được đầu tư xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý, vận hành khu xử lý và bãi chôn lấp chất thải rắn đều thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất thải rắn. Đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn đã đầy không còn khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải rắn hoặc các bãi chôn lấp chất thải rắn không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đã được UBND Tỉnh chỉ đạo đóng cửa và thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Năm 2020, Tỉnh đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đối với 4 bãi chôn lấp chất thải rắn đã đầy và có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh môi trường (Đèo Sen, Hà Khẩu, Quang Hanh, bãi rác khu 1 thị trấn Trới); hỗ trợ phương tiện thiết bị thu gom rác đối với một số xã miền núi, nông thôn các địa phương: Hải Hà, Bình Liêu, Quảng Yên, Uông Bí. Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, hỗ trợ các địa phương: Bình Liêu, Vân Đồn, Đầm Hà, Cô Tô, Ba Chẽ thực hiện 9 dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt… [5].

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc quản lý, thu gom và xử lý CTRSH của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế sau:

- Việc quản lý CTRSH chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt; việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải... trong sản xuất còn hạn chế; chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; các chương trình phân loại tại các địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa; hoạt động thu gom CTRSH ở khu vực nông thôn còn thấp, chưa có nhiều cải thiện; hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường. Còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao; tỷ lệ chất thải được xử lý bằng công nghệ đốt CTRSH hiện đang trong quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm và hoàn thiện thủ tục pháp lý.

- Nhiều cơ sở xử lý CTRSH đã được xây dựng và vận hành chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí. Một số bãi chôn lấp chất thải rắn được hình thành từ lâu tại địa bàn các huyện vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn, nên không đáp ứng được đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường, đặc biệt là xử lý nước rỉ rác.

- Hiện nay, các công nghệ đốt CTRSH (công suất lớn) được sử dụng tại các cơ sở xử lý hầu hết do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm, nên việc hoàn thiện công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng công nghệ đốt nước ngoài khi sử dụng gặp một số khó khăn do CTRSH phần lớn chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, điều kiện thời tiết nhiệt đới, lượng CTRSH tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định, đầu tư khá cao dẫn đến chi phí xử lý cao. Một số lò đốt CTRSH quy mô nhỏ chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật đốt và công suất đốt, tuy nhiên đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật 30 quốc gia về lò đốt CTRSH QCVN 61-MT: 2016/BTNMT, các lò đốt còn một số tồn tại: (1) Chưa có lỗ lấy mẫu khí thải trên thân ống khói lò đốt; (2) Chưa bố trí sàn thao tác đảm bảo thuận tiện và an toàn cho ngưới lấy mẫu và thiết bị và (3) Chiều cao ống khói dưới 20 m [3].

- Việc huy động các nguồn lực cho quản lý CTRSH còn hạn chế. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho quản lý CTRSH không đáp ứng yêu cầu. Mức phí thu gom CTRSH từ các hộ gia đình còn quá thấp so với chi phí quản lý. Việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn, nên không khuyến khích việc đầu tư, nhân rộng các mô hình xử lý tốt.

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Đề án nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2022 nêu rõ mục tiêu, đến năm 2023, 100% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; phấn đấu tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; 100% các bãi chôn lấp CTRSH tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý CTRSH phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Để hoàn thành mục tiêu trên, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả sau:

- Đảm bảo sự quản lý thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, thành, thị về quản lý CTRSH; UBND cấp tỉnh là đầu mối quản lý nhà nước về CTRSH trên địa bàn; Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý CTRSH toàn Tỉnh.

- CTRSH phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Quản lý CTRSH phải từng bước, hướng đến đảm bảo theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm giải quyết ô nhiễm” các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái môi trường phải có trách nhiệm đóng kinh phí, khắc phục bồi thường thiệt hại theo đúng luật định.

- Đầu tư hệ thống quản lý CTRSH phải đồng bộ, bao gồm xây dựng cơ sở xử lý CTRSH, công tác thu gom, vận chuyển trên cơ sở công nghệ phù hợp. Thực hiện đầu tư cho quản lý CTRSH phải có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên cho từng giai đoạn cụ thể, tránh dàn trải, kém hiệu quả.

- Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tăng cường cho công tác quản lý, xử lý CTRSH; xây dựng lộ trình, kế hoạch và nhanh chóng triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước tham gia vào quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý CTRSH theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; xây dựng và thực hiện quy trình, chính sách liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù xây dựng các khu xử lý CTRSH; nâng cao năng lực quản lý, vận hành với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng nhằm thúc đẩy việc xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

- Việc tăng cường nguồn lực cho các huyện, thành, thị trong công tác quản lý CTRSH phải đi kèm với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

- Cần xây dựng mô hình thu gom và quản lý CTRSH theo cơ chế thị trường phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp xã hội tham gia; nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp nước ngoài vào công tác thu gom và xử lý CTRSH.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư thu gom, xử lý; xây dựng cơ sở dữ liệu và thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện; đặc biệt giám sát việc thực hiện phân loại và xử lý CTRSH.

- Tăng cường phát huy sự sáng tạo của chính quyền cơ sở trong việc đa dạng hóa mô hình thu phí môi trường CTRSH, thu theo mức độ phân loại, thu theo khối lượng và tính chất, thu bằng việc bán bao gói, kinh doanh tái chế CTRSH.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường; Thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng CTRSH, bỏ CTRSH đúng nơi quy định;/.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020

2. UBND tỉnh Quảng Ninh (2019). Quyết định số 3294/QĐ-UBND, ngày 8/8/2019 phê duyệt đề cương nhiệm vụ: Đề án nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2022

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh (2020). Báo cáo hoạt động quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trên địa bàn Tỉnh năm 2020

4. Sở Xây dựng (2020). Đề án Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2022, công bố tháng 07/2020

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Chuyên đề Quản lý CTRSH, Nxb Dân trí

6. Thu Nguyệt (2021). Siết chặt quản lý rác thải rắn sinh hoạt, truy cập từ https://baoquangninh.com.vn/siet-chat-quan-ly-rac-thai-ran-sinh-hoat-2526024.html

TS. Trần Mạnh Tuyến

UBND Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)