Tóm tắt

Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là một yêu cầu tất yếu cần đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Thực tế trong những năm qua, KTTN đã đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản về chính sách dẫn đến kìm hãm sự phát triển của KTTN, cũng như phát huy nội lực của nền kinh tế. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc về thúc đẩy phát triển KTTN, qua đó rút ra bài học đối với khu vực KTTN tại Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, chính sách, kinh nghiệm Trung Quốc

Summary

Promoting the development of the private sector is an indispensable requirement in the current context. In Vietnam, the 12th National Congress of the Party affirmed: “The private economy is an important driving force of the economy”. In fact, in recent years, the private sector has contributed significantly to the national economic development. However, there remains policy barriers that hinder the development of the private economy, as well as prevent the promotion of internal strength of the economy. Within the scope of the article, the authors study China’s experience in promoting the development of the private economy, thereby drawing lessons for the private economic sector in Vietnam.

Keywords: private economy, policy, China’s experience

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KTTN TẠI TRUNG QUỐC

Trong giai đoạn 1978-2019, KTTN đã trở thành bộ phận trụ cột trong nền kinh tế của Trung Quốc. KTTN đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp logistics, công nghiệp quân sự và tài chính. Bên cạnh đó, KTTN góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân Trung Quốc, góp phần quan trọng trong việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được những thành tựu này, Trung Quốc đã tiến hành cải tổ liên quan đến phát triển KTTN, được phân chia thành những cột mốc quan trọng như sau:

Giai đoạn 1978-1988

Trước năm 1978, việc thúc đẩy KTTN tại Trung Quốc chưa được chú trọng. Tuy nhiên, kể từ năm 1978, Trung Quốc đã ban hành quy định thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh cá thể. Nhờ đó, số hộ kinh doanh cá thể đã phát triển nhanh chóng. Thống kê cho thấy, năm 1979, số hộ kinh doanh cá thể ở Trung Quốc đạt mức 310.000 hộ, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 1978. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lúc này chưa được hình thành. Trung Quốc chỉ ghi nhận DNTN đầu tiên vào năm 1980, khi một người bán hàng rong 19 tuổi tên Zhang Huamei đăng ký quầy hàng bán cúc áo và đồ chơi ở thành phố cảng Ôn Châu (Việt Nga, 2019).

Trước tình hình đổi mới, Hiến pháp của Trung Quốc đã được sửa đổi vào năm 1998 hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DNTN. Chính nhờ sự tháo gỡ này, tính đến năm 1998, số hộ đăng ký kinh doanh cá thể lên tới 14.527.000 hộ với 23.040.000 lao động, số vốn đăng ký kinh doanh là 31,19 tỷ Nhân dân tệ. Doanh thu từ kinh doanh cá thể, ăn uống, phục vụ, sửa chữa đạt 119,07 tỷ Nhân dân tệ (Nguyễn Văn Đức, 2021). Đến hết năm 1988, số lượng DNTN đăng ký sản xuất, kinh doanh đạt khoảng 90.581 doanh nghiệp với khoảng 1,64 triệu nhân viên và số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ Nhân dân tệ (T. H. V. Ha và cộng sự, 2019). Từ năm 1988, kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng với tỷ lệ lạm phát cao, dẫn đến hệ lụy cuối năm 1989, số lượng đăng ký thành lập cũng như duy trì hộ kinh doanh đã sụt giảm hơn 2 triệu hộ, ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 3,6 triệu lao động (H. B. Vuong và H. H. Duong, 2018). Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực KTTN thông qua những gói vay kích cầu kinh tế, hướng đến mục tiêu phục hồi kinh tế trong giai đoạn này.

Giai đoạn 1992-2001

Vào năm 1993, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Một số ý kiến về thúc đẩy phát triển nền KTTN”, đưa ra những biện pháp khuyến khích phát triển nền KTTN ở các phương diện khác nhau như: đăng ký, tiếp cận thị trường, cổ phần hóa, mở rộng kinh doanh... Đại hội lần thứ XV năm 1997 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa kinh tế phi công hữu trở thành một trong những thành phần quan trọng của kinh tế ở Trung Quốc. Thể chế hóa điều này, Trung Quốc tiến hành sửa đổi Hiến pháp, khẳng định nền kinh tế phi công hữu là một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá IX năm 1999 khẳng định: “Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh”. Đây được nhận định là những bước đệm nền tảng thúc đẩy phát triển khu vực KTTN. Nhờ đó, năm 2001, hộ kinh doanh cá thể có sự gia tăng khi số lượng đăng ký thành lập mới là 24,33 triệu hộ, số nhân công lao động tham gia vào sản xuất ở khu vực này tương đương 47,603 triệu lao động, nguồn vốn đăng ký kinh doanh đạt 343,58 tỷ Nhân dân tệ, doanh thu đạt 1.960 tỷ Nhân dân tệ. Số lượng doanh nghiệp tư doanh là 2.028.200 doanh nghiệp, tăng 15,54% so với năm 2000, số lượng nhân viên đạt 27,1386 triệu người, tăng 16,56% so với năm 2000 (Nguyễn Văn Đức, 2021).

Giai đoạn 2002-2007

Đây được nhận định là cột mốc thúc đẩy phát triển KTTN. Tại Đại hội lần thứ XVI, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra các chính sách khác nhau, như: sửa đổi pháp luật, nới lỏng thị trường, đối xử bình đẳng, phá vỡ các rào cản liên quan đến thể chế, nhằm tiến đến thúc đẩy phát triển nền kinh tế cá nhân với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong giai đoạn này, Nhà nước tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn các DNTN có quy mô nhỏ và vừa hướng đến mục đích củng cố niềm tin đối với phát triển KTTN, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của các DNTN, dần loại bỏ việc đối xử không công bằng trong các mô hình doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2007, số hộ kinh doanh cá thể đăng ký trong nước là 27,415 triệu hộ với 54.962 triệu nhân viên, số vốn đăng ký tương đương 735,08 tỷ Nhân dân tệ. Số DNTN là 5,513 triệu doanh nghiệp, với số nhân viên là 72.531 triệu người, nâng tổng số vốn lên khoảng 9.290 tỷ Nhân dân tệ (H. B. Vuong và H. H. Duong, 2018).

Giai đoạn 2008-2012

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung và KTTN ở Trung Quốc nói riêng. Nhằm điều tiết vấn đề này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo KTTN phát triển. Năm 2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc triển khai chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các biện pháp, như: tạo môi trường tốt, tăng hỗ trợ tài chính và thuế, hỗ trợ phát triển thị trường... hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế trong năm 2012. Đến cuối năm 2012, số hộ kinh doanh cá thể đạt 40,59 triệu hộ, với 86,28 triệu nhân viên cùng số vốn đạt 1.980 tỷ Nhân dân tệ. Trong đó, số lượng DNTN đạt khoảng 10,85 triệu doanh nghiệp với 113 triệu người, mức vốn đạt 31.100 tỷ Nhân dân tệ (Nguyễn Văn Đức, 2018).

Giai đoạn 2013-2018

Đây là giai đoạn thúc đẩy kinh tế phát triển tại Trung Quốc. Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra những định hướng về hỗ trợ sự phát triển của các DNTN và thực hiện hàng loạt hoạt động trong hệ thống tiếp cận thị trường, hệ thống quyền tài sản, hệ thống thương mại. Cụ thể, ngày 01/11/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị chuyên đề Khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của nền KTTN. Theo đó, Trung Quốc không thay đổi chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn phát triển nền kinh tế ngoài công lập, đồng thời, cam kết tạo ra một môi trường tốt và cung cấp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế ngoài công lập; nền kinh tế công hữu và KTTN nên bổ trợ cho nhau thay vì loại trừ lẫn nhau. KTTN là một thành tựu và lực lượng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đến cuối năm 2017, số hộ kinh doanh cá thể là 65.793 triệu hộ, DNTN đạt 27,263 triệu doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 165 nghìn tỷ Nhân dân tệ (T. H. V. Ha và cộng sự, 2019).

Giai đoạn 2019-2021

Để thực hiện được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số chủ trương, giải pháp lớn, như: cải cách để kích hoạt sức sống của các chủ thể thị trường, tạo động lực mới để phát triển. Ngoài ra, Chính phủ còn giảm bớt gánh nặng thuế của các DNTN, khuyến khích khu vực tư nhân phát hành công khai trái phiếu, tối ưu hóa môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển. Đồng thời, khuyến khích các DNTN cải thiện quan hệ với các doanh nghiệp khác, tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ trong sản xuất, nâng cấp công nghiệp (Xinhua, 2019). Chính phủ Trung Quốc cũng chi tiết hóa các chương trình hỗ trợ DNTN được tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn.

Với những chính sách khuyến khích hỗ trợ kinh tế, DNTN đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2021, số lượng DNTN thành lập mới đã lên tới 8,525 triệu, tăng 11,7% so với năm 2020. Loạt chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực thuế, tài chính, việc làm và bảo hiểm xã hội mà Chính phủ ban hành từ đầu năm 2020 đến nay đã góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, giúp DNTN nước này có được động lực mạnh mẽ, từ đó đóng góp trên 50% nguồn thu từ thuế, trên 60% tổng vốn đầu tư và hơn 70% phát minh, sáng chế trong nền kinh tế quốc dân (Hữu Hưng, 2022).

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Tại Việt Nam, khu vực KTTN không chỉ đóng góp lớn vào GDP của cả nước, mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động. Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực KTTN kiến tạo thị trường tại Việt Nam, do Tổ chức Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới (2021) thực hiện cho thấy, thời gian qua, khu vực KTTN đã đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam nói chung. KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39%- 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển… Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, thì khu vực KTTN đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là tình trạng lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị…

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, để thúc đẩy phát triển khu vực KTTN Việt Nam trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, một số bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể rút ra như sau:

Thứ nhất, cho phép cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, từng bước mở rộng những lĩnh vực khác nhau mà KTTN có thể tham gia, không loại trừ những lĩnh vực độc quyền ở thành phần kinh tế nhà nước. Đồng thời, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, như: (i) cho các DNTN vay với lãi suất ưu đãi; (ii) giảm thuế ở các sản phẩm thuộc các DNTN; (iii) giảm bớt gánh nặng thuế của các DNTN nhằm khuyến khích loại hình kinh doanh cá thể, hộ gia đình chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thúc đẩy KTTN phát triển. Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của Luật Doanh nghiệp năm 2020, cùng những văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị định nên có sự chuyển giao cho cơ quan “độc lập” chủ trì soạn thảo. Trong đó, cần kiến tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác hình thành một đạo luật doanh nghiệp mang tính thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, điều này thúc đẩy các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thống nhất, công bằng giữa các chủ thể kinh tế.

Thứ ba, để nâng cao năng lực của khu vực KTTN Việt Nam, cần thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết giữa DNTN với doanh nghiệp khu vực khác./.

TS. TRẦN LÊ ĐĂNG PHƯƠNG

Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

ThS. NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG

Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 08 - T3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. H. B. Vuong and H. H. Duong (2018), 40 years of reform and development of China’s private economy: A look and outlook, Journal of Economic and Management Research, 4(7).

2. Hữu Hưng (2022), DNTN Trung Quốc phát triển mạnh, truy cập từ https://nhandan.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-trung-quoc-phat-trien-manh-post690375.html.

3. Nguyễn Văn Đức (2021), Quá trình phát triển KTTN Trung Quốc và một số tham khảo đối với Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, số 8, 293-300.

4. T. H. V. Ha, D. H. Do, and T. H. Y. Tran (2019), Development of the private economy in China since the opening reform to the present and its role in the Chinese economy, Economic Review and World politics, 5, 12-28.

5. Tập đoàn Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (2021), Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực KTTN kiến tạo thị trường tại Việt Nam.

6. Việt Nga (2019), Trung Quốc sốt sắng “giải phóng” cho KTTN, truy cập từ https:// diendandoanhnghiep.vn/trung-quoc-tang-toc-ho-tro-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien-144339.html.

7. Xinhua (2019), China’s private economy to thrive in better business environment, retrieved from http://www.xinhuanet.com/english/2019-12/22/c_138650517.htm.