Phó Thủ tướng đốc thúc tiến độ, chất lượng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông là dự án rất quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự án có quy mô đầu tư lớn, đi qua nhiều địa phương, có các yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Việc triển khai Dự án được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai Dự án với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng các yêu cầu tiến độ, chất lượng, an ninh, an toàn.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 13 tỉnh
Về công tác giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, trước mắt là hoàn thành công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương chỉ đạo rà soát quy hoạch các khu tái định cư và thực hiện xây dựng để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân; chỉ đạo chính quyền cấp huyện, xã tổ chức triển khai thủ tục thu hồi đất, lập phương án bồi thường bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật, vận động và có chính sách hỗ trợ người dân thuê nhà tạm cư để bàn giao mặt bằng.
Các bộ, ngành có các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (như công trình điện, thủy lợi, thông tin truyền thông…) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để kịp thời di dời.
Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm rà soát, hoàn thành quy hoạch mỏ vật liệu trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm đủ trữ lượng, chất lượng; phối hợp với các Ban quản lý dự án, Tư vấn để thực hiện cấp phép, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng.
Bộ Xây dựng sớm công bố, điều chỉnh, sửa đổi các định mức để áp dụng cho dự án; hỗ trợ xác định phương pháp và giá gói thầu tư vấn nước ngoài thực hiện công tác kiểm tra, tính toán đối chứng hồ sơ thiết kế kỹ thuật phần cầu chính đối với dự án Cầu Mỹ Thuận 2.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai Dự án; đồng thời thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: số 1119/VPCP-CN, ngày 04/5/2019, số 1429/VPCP-CN, ngày 31/5/2019 và số 4903/VPCP-CN, ngày 06/6/2019 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải sớm báo cáo Thường trực Chính phủ nghe và cho ý kiến chỉ đạo về việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật và đảm bảo các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm đại diện các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiểm toán Nhà nước để thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương kịp thời tuyên truyền về chủ trương và quá trình triển khai Dự án, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khách quan./.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng mức đầu tư dự kiến trên 118.700 tỷ đồng đi qua 13 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long. |
Bình luận