Phấn đấu khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước ngày 31/12/2022
Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 470 nghìn tỷ đồng
Thông báo nêu rõ, mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông...
Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công Trung ương và địa phương, tăng thu tiết kiệm chi... Tổng nguồn vốn bố trí cho giai đoạn này đạt khoảng 470 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Khối lượng công việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tương ứng cũng lớn gấp 3 lần so với các giai đoạn trước, vì vậy đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức, bộ, ngành phải đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp cận xử lý vấn đề; đổi mới cách tổ chức thực hiện; ứng xử có trách nhiệm với công việc, phải thực sự tâm huyết; nói đi đôi với làm, đã hứa thì phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả.
Phấn đấu khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước ngày 31/12/2022 |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tác động của xung đột tại Đông Âu, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc đẩy mạnh đầu tư công, trong đó có đầu tư các dự án hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thực hiện với trách nhiệm cao nhất.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, chỉ đạo nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện công việc đến từng công chức, người lao động.
Các thành viên Ban chỉ đạo phải gương mẫu thực hiện kỷ luật hành chính, có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban chỉ đạo (không được cử người dự thay khi không có lý do đặc biệt). Văn phòng Chính phủ theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách Thành viên Ban chỉ đạo các trường họp vắng mặt 3 lần không có lý do chính đáng.
Tuyệt đối không đầu tư dàn trải, manh mún
Về thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại thủ tục đầu tư, chủ động tháo gỡ các vướng mắc thuộc trách nhiệm của mình, không đùn đẩy các công việc của cơ quan, đơn vị lên cấp trên hoặc cơ quan khác. Khi có vướng mắc thuộc các bộ, ngành, thì cần chỉ rõ nội dung vướng mắc là gì? quy định tại Văn bản quy phạm pháp luật nào? thẩm quyền của ai? để có kiến nghị xử lý kịp thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư. Khi được hỏi ý kiến, các cơ quan phải tham gia ý kiến có trách nhiệm, nêu rõ quan điểm xử lý theo đúng chức năng, trả lời đúng hạn.
Công tác chuẩn bị đầu tư là khâu yếu và triển khai rất chậm trong thời gian vừa qua, cần nghiêm túc chấn chỉnh để nâng cao chất lượng, tiến độ. Các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị tư vấn, nhất là các cục, vụ, sở, ban, ngành tham mưu của cơ quan phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, bám sát với công việc, hiểu rõ, nắm chắc vấn đề.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị triển khai phải hết sức khoa học, hiệu quả. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, chỉ đạo cụ thể, theo dõi tiến độ hằng tháng.
Khi lựa chọn dự án phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng trọng điểm, công trình có tính lan tỏa, động lực để phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt; các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ, không khởi công công trình mới khi chưa hoàn thành các công trình còn dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, trừ trường hợp cấp bách.
Tăng cường kiểm tra tiêu cực trong công tác đấu thầu
Công tác giải phóng mặt bằng là công việc rất khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông thuộc danh mục chỉ đạo của Ban Chỉ đạo có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, đi qua nhiều địa phương... Do vậy, yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội, mặt trận tổ quốc cùng chung tay vào cuộc và nỗ lực thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công theo đúng tiến độ Chính phủ, Thủ tướng giao.
Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận, chia sẻ, chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đúng tiến độ. Các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận để người dân thấu hiểu, đồng thuận với chủ trương, phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với công tác đấu thầu phải hết sức trách nhiệm, phải bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có kinh nghiệm, có năng lực; tuyệt đối không chia nhỏ gói thầu, thông thầu, chuyển nhượng thầu sai quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đấu thầu, thực hiện đầu tư.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong triển khai thực hiện các dự án. Ban Chỉ đạo đã họp định kỳ hằng tháng, do vậy các bộ, ngành, địa phương được giao là cơ quan chủ quản phải giao ban định kỳ 2 lần/tháng hoặc hằng tuần để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; phải sát sao, kịp thời chấn chỉnh các Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan.
Các Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm chính về tiến độ, chất lượng công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát với công việc.
Các bộ, ngành tập trung, xử lý triệt để các vướng mắc, không đùn đẩy, né tránh công việc khi địa phương có vướng mắc phát sinh. Tăng cường thực hiện họp trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính.
Phấn đấu khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước ngày 31/12/2022
Tại Thông báo, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan chức năng liên quan. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, chỉ đạo cụ thể từng gói thầu bảo đảm hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2022 theo đúng yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 300/TB-VPCP, ngày 25/9/2022; làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, Ban quản lý dự án, nhà thầu vi phạm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết, lời hứa trước Thủ tướng Chính phủ.
Tích cực rà soát, chuẩn bị kỹ các công việc lựa chọn nhà thầu để bảo đảm khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trước ngày 31/12/2022 như Nghị quyết của Chính phủ để giải ngân được nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 theo yêu cầu của Quốc hội; xác định quy mô gói thầu phù hợp, không chia nhỏ gói thầu, lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực để triển khai đáp ứng tiến độ, chất lượng.
Bộ Giao thông Vận tải phải quyết liệt rà soát năng lực của các Ban quản lý dự án, kiên quyết sắp xếp, tổ chức, điều chuyển, thay thế ngay lãnh đạo khi không hoàn thành nhiệm vụ, tiến độ các công việc được giao.
Báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có văn bản giải trình, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho phép Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí vốn cho các dự án cao tốc (gồm Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng) và hoàn thiện thủ tục giao vốn đối ứng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị của TP. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội.
Thực hiện quy định tại Điều 126 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và chọn được đúng nhà thầu có năng lực, chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2022; chủ trì hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải; đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Bộ Tài chính rà soát hoàn thành các thủ tục về vốn vay ODA cho dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Bộ Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hằng tháng, đầy đủ, sát với biến động của thị trường; kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, hợp đồng xây dựng; thực hiện vai trò của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu đối với các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Các địa phương chịu trách nhiệm công bố kịp thời giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hằng tháng, đầy đủ, sát với biến động của thị trường…/.
Bình luận