Từ khóa: hiệp định thương mại tự do, PVTM, chống trợ cấp, chống bán phá giá

Summary

Free trade agreements (FTAs) are becoming increasingly popular because of their economic benefits, particularly given the limitations in global cooperation. One of the legal tools to protect fairness in the goals of free trade is trade remedies. Vietnam's international economic integration process has been increasingly deepening, especially with the negotiation and signing of free trade agreements with major trading partners. Therefore, the article will explore the content of trade remedies and evaluate their impact on Vietnam, thereby proposing some solutions in the near future.

Keywords: free trade agreements, trade remedies, anti-subsidy, anti-dumping

GIỚI THIỆU

PVTM là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp PVTM bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Hầu hết các FTA nói chung, FTA thế hệ mới nói riêng đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ các rào cản đối với thương mại. Tuy nhiên, việc loại bỏ rào cản thuế quan trong FTA đòi hỏi các quốc gia phải áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, cũng như chống cạnh tranh không công bằng từ các quốc gia khác. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế trong quá trình mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, khi tham gia các FTA, Việt Nam cần chuẩn bị, nâng cao năng lực trong nước để ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM.

CÁC BIỆN PHÁP PVTM CỦA VIỆT NAM TRONG CÁC FTA THẾ HỆ MỚI

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã đàm phán và ký kết 21 FTA. Trong đó, Việt Nam đã ký kết 19 FTA và thực thi 16 FTA; 3 FTA còn lại đang được đàm phán bao gồm: FTA với Canada, FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) và FTA với Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Các nội dung cơ bản về PVTM của Việt Nam trong các FTA như sau:

- Các nội dung về PVTM về cơ bản đều dựa trên các cam kết chung về PVTM trong khuôn khổ WTO.

- Tùy thuộc vào đối tác, tầm quan trọng của thị trường xuất khẩu, Việt Nam có thể linh hoạt trong phạm vi và nội dung áp dụng biện pháp PVTM.

- Về nội dung quy định, đa số các quy định về PVTM trong các FTA của Việt Nam liên quan đến biện pháp tự vệ. Một số ít FTA có đề cập đến các biện pháp khác nhau như: chống bán phá giá, chống trợ cấp theo hướng dẫn chiếu tới việc áp dụng quy định của WTO.

- Đối với trường hợp quy định bổ sung thêm ngoài các quy định của WTO, ngoại trừ EVFTA và CPTPP bổ sung thêm quy định đối với biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các FTA khác của Việt Nam đều tập trung bổ sung thêm các quy định về biện pháp tự vệ song phương và khu vực. Đối với biện pháp tự vệ toàn cầu, các FTA của Việt Nam thường dẫn chiếu tới các quy định của WTO.

Theo số liệu của Cục PVTM (Bộ Công Thương), tính đến tháng 6/2023, đã có 231 vụ, việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (33 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép). Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với Việt Nam, như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng; trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Riêng trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm hơn 30% tổng số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam từ trước tới nay). Trong đó một số mặt hàng bị điều tra có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời hay tủ gỗ. Không loại trừ khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với quy định của WTO và các cam kết quốc tế. Tính đến hết tháng 6/2023, Bộ Công Thương đã điều tra 25 vụ việc PVTM (16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM) với các sản phẩm thép, màng BOP, đường... Các biện pháp này đã giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý và khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ cần bằng cán cân thanh toán quốc tế. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nhờ các chính sách phù hợp của Nhà nước và nỗ lực của mình, một số doanh nghiệp (DN) đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

TÁC ĐỘNG CỦA CÁC BIỆN PHÁP PVTM ĐẾN VIỆT NAM

Tác động tích cực

Thứ nhất, việc tham gia các cam kết FTA nói chung và FTA thế hệ mới nói riêng giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật về PVTM, đặc biệt là nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực PVTM, để phù hợp với các cam kết.

Thứ hai, so với các cam kết khi gia nhập WTO, các FTA nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng có mức độ cam kết sâu và rộng hơn rất nhiều. Mức độ mở cửa lớn hơn (Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80%-90% dòng thuế) dẫn đến việc hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước đối tác FTA sẽ dễ dàng hơn. Do năng lực cạnh tranh chưa cao, ngành sản xuất trong nước của Việt Nam hoàn toàn có thể không trụ vững trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, để hạn chế thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, việc quy định về các biện pháp PVTM trong các FTA sẽ là cơ sở để Việt Nam điều tra, áp dụng các biện pháp phù hợp.

Thứ ba, nhìn từ góc độ nước xuất khẩu, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam được hưởng lợi thế khi hàng rào thuế quan bãi bỏ theo cam kết của các FTA, sẽ tồn tại nguy cơ các nước thành viên trong đối tác FTA áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Các cam kết về PVTM trong Luật Quản lý ngoại thương (năm 2017) giúp hạn chế việc các nước thành viên lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước, góp phần tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường, mà không gặp phải rào cản gia tăng từ các biện pháp PVTM.

Các tác động tiêu cực

Thứ nhất, đối diện với nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM do các cam kết trong FTA. Cùng với khả năng sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, các DN có năng lực xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Điều này càng có cơ sở khi các đối tác FTA của Việt Nam nằm trong số những nước sử dụng công cụ PVTM nhiều nhất trên thế giới (Ví dụ như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...).

Thứ hai, gia tăng nghĩa vụ khi điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Hiện nay, một số FTA thế hệ mới có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với đối tác FTA (các điều khoản cao hơn so với quy định WTO). Chính vì vậy, bên cạnh việc phải đảm bảo có một hệ thống văn bản pháp luật tương thích và phù hợp, cơ quan điều tra của Việt Nam còn phải tuân thủ các nghĩa vụ bắt buộc trong các FTA với các đối tác. Chẳng hạn như: quy định về nguyên tắc thuế thấp hơn, lợi ích công cộng, gia tăng các nghĩa vụ thông báo, tham vấn, cung cấp các thông tin, chế độ bảo mật thông tin… trong từng FTA là các nghĩa vụ tăng thêm buộc Việt Nam phải tuân thủ thực hiện.

Thứ ba, DN Việt Nam chưa sử dụng hoặc chưa biết cách ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM. Trên thực tế, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam còn bị động, chưa thực sự nhận thức rõ ràng về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra PVTM cũng như hệ quả bất lợi của các vụ việc này đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, thậm chí là của cả ngành. Bên cạnh đó, các DN đôi khi cũng chưa chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị, ứng phó với các vụ điều tra PVTM. Nhiều DN còn có tâm lý né tránh, sợ kiện tụng, điều tra, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác ứng phó khi bị nước thành viên FTA điều tra, áp dụng biện pháp PVTM dẫn tới kết quả bất lợi đối với các DN.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ các diễn biến của thương mại quốc tế, theo chúng tôi, cần chú ý một số vấn đề sau:

Về phía Nhà nước

Hoàn thiện các văn bản pháp luật về PVTM, rà soát sửa đổi bổ sung Luật Quản lý ngoại thương, để phù hợp với các quy định của các luật liên quan, các hiệp định điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Lập danh mục các mặt hàng và ngành hàng Việt Nam có khả năng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM dựa trên cở sở rà soát tình hình sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng để có sự phòng tránh cần thiết. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường xuất khẩu, luật pháp liên quan đến bảo hộ mậu dịch của các đối tác lớn, phổ biến và hướng dẫn cho DN các thông tin cần thiết như các thủ tục khởi kiện, kháng kiện. Tăng cường đàm phán cấp chính phủ trong việc giải quyết những tranh chấp thương mại, giới thiệu các luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho DN thắng kiện. Quan tâm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các DN trong nước thông qua việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Về phía các hiệp hội ngành hàng

Tăng cường hợp tác giữa các DN nhằm nâng cao khả năng kháng kiện, cũng như tạo điều kiện pháp lý cho việc khởi kiện. Tổ chức cho các DN nghiên cứu những quy định pháp lý của các đối tác xuất khẩu về vấn đề bảo hộ mậu dịch để các DN có thể chủ động trong việc phòng tránh bị điểu tra, áp dụng các biện pháp PVTM do thiếu thông tin.

Về phía các DN

Tăng cường nhận thức của các DN về PVTM chủ động tiếp cận các thông tin về PVTM qua các kênh chuyên môn, chủ động đề xuất các cơ quan có thẩm quyền vận dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích chính đánh của mình. Chủ động kết nối, trao đổi thông tin với các DN khác. Tăng cường phối hợp giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đào tạo nguồn nhân lực của DN về vấn đề PVTM, chủ động có các giải pháp nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các công cụ PVTM. Cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu tráng tập trung xuất khẩu vào một thị trường. Tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh khi bị điều tra…

Các biện pháp PVTM luôn có vị trí quan trọng và được các nước áp dụng khá phổ biến để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, cũng như chống cạnh tranh không công bằng từ các quốc gia khác. Chính vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chủ động nghiên cứu các biện pháp về PVTM để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN sản xuất nội địa trước yêu cầu hội nhập quốc tế./.

Phạm Thị Khánh Quỳnh, Nguyễn Hải Biên, Phạm Thị Hương

Trường Đại học Hoa Lư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) (2023), Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 8/2023.

2. Cục PVTM (Bộ Công Thương) (2023), Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023.