Đó là nhận định của TS. Trần Thị Hồng Minh tại Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm nay, ngày 28/10.

Hội thảo được Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.

Quá trình đưa Sandbox vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, quá trình đưa cơ chế thử nghiệm Sandbox vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng...

Sandbox không phải cách tiếp cận mới...

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia áp dụng cơ chế thử nghiệm. Năm 2016, lần đầu tiên cơ chế thử nghiệm được giới thiệu ở Vương quốc Anh, sau đó lan tỏa ra nhiều nước khác, như: Pháp, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Singapore...

“Đến năm 2020, thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 57 quốc gia đã và đang áp dụng cơ chế thử nghiệm và có 73 loại cơ chế thử nghiệm cho các công ty Fintech. Nếu mạnh dạn tiếp thu có chọn lọc từ các nước, Việt Nam có thể sớm phát huy một số tác động tích cực của các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực tài chính và kinh tế tuần hoàn. Qua đó, tạo thêm không gian và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”, bà Minh nêu quan điểm.

Những năm qua, Việt Nam đã nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, rủi ro và thách thức liên quan đến nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay già hóa dân số. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực ngày càng bất định, khó lường, với sự đan xen phức tạp của những rủi ro an ninh truyền thống và phi truyền thống, khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã xác định yêu cầu phải thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng, năng suất, đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Bà Minh cũng chỉ rõ, trong quá trình ứng phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, mở rộng không gian cho các mô hình kinh tế mới, chứ không chỉ tập trung vào các giải pháp tài khóa - tiền tệ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những chủ trương, định hướng chính sách và các nhóm giải pháp cụ thể, để thúc đẩy các mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

“Dù vậy, đây mới chỉ là điều kiện cần”, bà Minh nói và chỉ rõ, một điều kiện quan trọng là phải sớm hiện thực hóa cơ hội và lợi ích từ những mô hình này, để từ đó tạo sức lan tỏa, niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

“Theo đó, các thảo luận chính sách ở CIEM trong thời gian vừa qua đã nhấn mạnh yêu cầu phải sớm có những cơ chế, kể cả ở khung khổ thử nghiệm, để tạo sự yên tâm và tạo thuận lợi cho những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo của doanh nghiệp”, Người đứng đầu CIEM cho biết.

Bà Minh cũng khẳng định, cơ chế thử nghiệm không phải là một cách tiếp cận mới cả về lý thuyết và thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không ít quốc gia đã và đang áp dụng các cơ chế thử nghiệm, trước khi tiến tới cho phép các mô hình, hoạt động kinh tế mới được triển khai trên diện rộng. Mục đích của cơ chế thử nghiệm là tạo ra môi trường thử nghiệm có kiểm soát trong một phạm vi nhất định, qua đó tạo ra không gian pháp lý áp dụng cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo.

“Thông qua cơ chế thử nghiệm, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác có thể tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây có thể là một cách tiếp cận mới, hiện đại, trong khi vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu quản lý, thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu”, bà Minh nêu rõ.

Người đứng đầu CIEM cũng khẳng định, các kết quả nghiên cứu của báo cáo sẽ tạo niềm tin, động lực và cung cấp chất liệu đầu vào cho việc nghiên cứu, hiện thực hóa các cơ chế thử nghiệm chính sách phù hợp ở Việt Nam. Trực tiếp nhất, kết quả nghiên cứu cũng sẽ phục vụ cho việc xây dựng Nghị định về cơ chế thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn, mà Viện được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng trực tiếp giao chủ trì xây dựng để trình Chính phủ vào quý I/2023.

... Song Việt Nam vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý phù hợp cho Sandbox

Trong những năm qua, Việt Nam đang tích cực tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nước ta đã có nhiều định hướng và nỗ lực cụ thể hóa chính sách nhằm tiếp cận Cách mạng Công nghiệp (CMCN 4.0). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý phù hợp – dù chỉ ở quy mô thử nghiệm – cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng mặc dù rất nhiều ứng dụng Fintech đã được áp dụng rộng rãi trong đời sống. Thiếu nền tảng pháp lý có thể khiến các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gặp nhiều rủi ro và/hoặc trở nên thiếu hiệu quả.

“Việt Nam đã phần nào có tư duy và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng các cơ chế thử nghiệm. Tuy nhiên, quá trình đưa cơ chế thử nghiệm vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định.

Dẫn ví dụ trường hợp của ngành tài chính, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho hay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những bước đầu ý tưởng về xây dựng cơ chế thử nghiệm từ 2017. Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thử nghiệm cho Fintech bằng việc ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Nghị định mới chỉ dừng lại ở bước lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

“Có thể do lo ngại về việc phải sửa nhiều nội dung quy định liên quan để bảo đảm Nghị định thực sự có hiệu quả như mong muốn hay về những rủi ro, hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh, nên Nghị định chưa được ban hành. Song tư duy 'cầu toàn' sẽ làm cơ chế thử nghiệm khó khả thi và có thể ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa lợi nhuận và lợi ích cho các doanh nghiệp Fintech và người dùng trong nước”, ông Dương nhấn mạnh.

Quá trình đưa Sandbox vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng
Quá trình xây dựng Dự thảo nghị định Fintech của Việt Nam

Tương tự, dù nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng như: Vinamilk, Trang trại Ngũ Thường Mekong Hậu Giang…, song khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn chưa được hoàn thiện. Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, dự kiến trình Chính phủ vào quý I/2023.

Với mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa khá toàn diện chủ trương, chính sách và quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực cụ thể, vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong đó, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chưa được hoàn thiện. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ còn hạn chế và chưa có hiệu quả. Năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình kinh tế tuần hoàn còn yếu. Ngoài ra, chất lượng lao động, đặc biệt là lao động trong nông nghiệp còn thấp.

TS. Lê Đăng Doanh đồng tình với nhận định của nhóm nghiên cứu khi cho rằng, Việt Nam chỉ mới dừng ở thảo luận chính sách, mà chưa có hướng đi đủ mạnh.

Cần sớm triển khai Sandbox để không bị tụt hậu

Hiện nay, chưa có định nghĩa thống nhất cho cơ chế thử nghiệm. Tóm lược các định nghĩa về cơ chế thử nghiệm trên thế giới, thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Dương chỉ ra những nét cơ bản mà mỗi cơ chế thử nghiệm cần có bao gồm: Được xây dựng và giám sát bởi cơ quan quản lý; đối tượng tham gia thử nghiệm là các mô hình, sản phẩm đổi mới sáng tạo hoặc chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển đổi mới sáng tạo của một hoặc nhiều lĩnh vực; sản phẩm hoặc chính sách được thử nghiệm trên môi trường thực, có giới hạn về không gian và thời gian, có sự tham gia của người tiêu dùng.

Ông Dương cũng chỉ rõ, cơ chế thực nghiệm có thể có nhiều mục đích khác nhau, nhưng mục đích phổ biến nhất là nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo hoặc một cơ chế, chính sách sớm đi vào hoạt động thực tế.

“Việt Nam cần xác định các tiêu chí phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm”, ông Dương đề xuất. Đặc biệt, Việt Nam cần duy trì niềm tin cho người tiêu dùng đối với các dịch vụ và doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm.

“Việc đơn giản hóa thủ tục khiếu nại, xử lý tranh chấp liên quan đến dịch vụ/sản phẩm của doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm và đa dạng hóa nền tảng xử lý tranh chấp (cả trực tiếp và trực tuyến) có thể sẽ giúp tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng và tạo điều tiết từ “bàn tay thị trường” đối với doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm”, ông Dương nhận định.

Từ kinh nghiệm xây dựng, triển khai Sandbox của quốc tế và thực trạng vấn đề này tại Việt Nam, thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Dương nhấn mạnh, tư duy chính sách cần đặt lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu khi xây dựng Sandbox. Cần tránh tư duy Sandbox là công cụ duy nhất để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

“Không nên có tư duy Sandbox là bắt buộc và cần tránh phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tham gia Sandbox và các doanh nghiệp không tham gia Sandox”, ông Dương nêu quan điểm.

Với lĩnh vực Fintech, CIEM kiến nghị cần sớm triển khai Sandbox để không bị tụt hậu trong phát triển tài chính nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Cần có quy định linh hoạt khung thời gian thử nghiệm đối với từng loại hình hoạt động Fintech cụ thể.

Phát triển các cơ chế xử lý tranh chấp thương mại theo hướng hiện đại, đơn giản hơn cho người dùng, để bảo vệ người dùng tốt hơn. Cần đẩy nhanh thực hiện và phổ biến các nền tảng xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến...

Trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, tư duy về Sandbox cho kinh tế tuần hoàn cần phải mở và linh hoạt, không nên đề ra giới hạn “cứng” giữa các ngành, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian để các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể phát huy hiệu quả kinh tế.

Phạm vi của Sandbox cho kinh tế tuần hoàn nên áp dụng trên cả nước, tránh bó hẹp ở quy mô tỉnh, thành phố, để phát triển các sáng kiến về vùng nguyên liệu. Thời gian thử nghiệm trong cơ chế này phải có ít nhất 5 năm mới thu được kết quả có ý nghĩa. Cần có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn cho các mô hình kinh tế tuần hoàn tham gia Sandbox đang tìm kiếm nhà đầu tư...

Còn TS. Lê Đăng Doanh đề xuất, CIEM nghiên cứu thêm một số kinh nghiệm như xé rào giá lương tiền tại Long An hồi những năm 1979-1980. Với chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - bù giá vào lương gây chấn động dư luận đã là bước đột phá và nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại những thay đổi lớn cho Tỉnh và cả nước. Việt Nam cũng đã vận dụng cơ chế thử nghiệm này trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước.

“Kinh nghiệm của Việt Nam trong quá khứ rất bổ ích nếu các địa phương có thể vận dụng được tinh thần tự chịu trách nhiệm để áp dụng các mô hình kinh tế mới”, TS. Lê Đăng Doanh nêu rõ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng không vui mà chia sẻ rằng, theo đánh giá của ông, hiện nay, tâm lý rất dè dặt trong áp dụng, triển khai những cái mới. Vì thế, “nếu như không có khung pháp luật rõ ràng, thì không thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông khẳng định.

Còn PGS, TS. Lê Xuân Bá chỉ rõ rằng, thử nghiệm không phải là “làm bừa”, mà cần phải có tính toán trước. Vị chuyên gia này chỉ rõ, có 2 cách làm cơ chế thử nghiệm, đó là cách 1: đặt ra -> thực hiện -> điều chỉnh -> kết luận; cách 2: đặt ra thời gian thử nghiệm xong đến cuối cùng mới rút kinh nghiệm. Tùy lĩnh vực, nhưng ông Bá cho rằng, cách 1 sẽ linh hoạt hơn. Ông cũng lưu ý không gian và thời gian thử nghiệm nên tùy theo từng mô hình, chứ không nên cố định.

“Cần bảo vệ cho người đề xuất, thực hiện và quyết định. Tuy nhiên, cần có chế tài răn đe với người lợi dụng đổi mới sáng tạo để làm lợi cho cá nhân”, ông Bá lưu ý thêm./.