Sandbox kinh tế tuần hoàn: Không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống
Điều này được đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn chuyên gia cho "Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”, diễn ra ngày 4/8/2023.
Tòa cảnh Hội thảo |
Lựa chọn 4 lĩnh vực để “thử nghiệm”
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, theo tư duy của CIEM, các ngành được lựa chọn thử nghiệm phải có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua mô hình KTTH. Các công cụ chính sách được thử nghiệm cũng phải bảo đảm tập trung, thực chất, tránh tràn lan để “đếm số lượng”.
Liên quan đến nội dung dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, cơ quan này đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm cho các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng; Vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, ông Dương lưu ý, cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia cơ chế thử nghiệm không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống. Nguyên nhân là do các mô hình KTTH mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án KTTH trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản…
Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH cũng đề xuất các nội dung chính sách, gồm: khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; ưu đãi thuế; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đào tạo lao động; đất đai.
Với chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, CIEM đề xuất cho phép dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp - năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư dự án KTTH tại khu công nghiệp, khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được tạm trú, thường trú trong khu công nghiệp, khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định.
Với chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm được Nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ. Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm lập danh sách, hồ sơ thông tin chuyên môn, năng lực chuyên gia, hồ sơ chứng minh chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật thuế, khoa học công nghệ, pháp luật khác về việc ưu đãi chi trả cho chuyên gia làm việc trong dự án tham gia cơ chế thử nghiệm.
|
Các dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm được nhận chuyển giao công nghệ được Nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, ưu tiên thông quan hàng hóa.
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án KTTH.
Đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm.
Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm...
Với chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh, dự án KTTH được quyền tiếp cận các nguồn vốn thông thường và xanh.
Dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh, song có đặt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.
Liên quan đến chính sách đất đai, theo CIEM, tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất mục đích hỗn hợp, tích hợp đa năng bao gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm.
Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đối với phần đất trong ranh giới, chỉ giới quy hoạch dự án KTTH đã được cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm...
Sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ, có cả tính động lực và an toàn
Ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, để phát triển KTTH, Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất, gắn với số hóa và các giải pháp của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, việc tối ưu hóa liên kết sản xuất, quan hệ đầu vào – đầu ra giữa các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, giữa các cấu phần trong mô hình KTTH có thể dựa vào các công nghệ 4.0.
Việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ, có cả tính động lực và an toàn cho phát triển KTTH cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến KTTH mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương.
Đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo, song bà Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp lưu ý rằng, việc đo phát thải trong nông nghiệp không đơn giản như trong công nghiệp. Vì vậy, nên xác định đối tượng thử nghiệm là yếu tố quan trọng nhất.
“Nếu có thể đưa nông dân vào sandbox thì rất tốt”, bà Trang nói.
Bà Hoàng Diệu Linh, Phụ trách vấn đề Chất thải và Kinh tế tuần hoàn Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, hiện nay, khung pháp lý chưa đầy đủ, nên để xây dựng cơ chế thử nghiệm cho các ngành khác nhau, thì phải nêu khó khăn của bối cảnh, từ đó đề xuất rà soát sửa các quy định.
Bà cho rằng, việc lựa chọn lĩnh vực tham gia cơ chế thử nghiệm cần phân tích kỹ lý do. Băn khoăn rằng, chứng nhận hoàn thành thử nghiệm dựa trên tiêu chí nào?, bà lưu ý: “Tiêu chí đánh giá tuần hoàn chưa có, tiêu chí đánh giá hoàn thành chưa có” .
Ông Florian Beranak, Cố vấn trưởng UNIDO tổng kết lại rằng, hiện có 179 định nghĩa về KTTH. Nhưng, điều đáng lưu ý là các định nghĩa đều đề cập tới công nghệ, nhưng lại thiếu một yếu tố là con người.
“Yếu tố con người cần phải được nhấn mạnh trong định nghĩa về KTTH”, vị chuyên gia này đề xuất và chỉ rõ, nâng cao nhận thức là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là con người phải biến nhận thức thành hành động.
Ông Florian Beranak cho rằng, Cách mạng công nghiệp 5.0 sẽ là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 + yếu tố con người.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) nhận định, cách tiếp cận của dự thảo Nghị định tương đối phù hợp.
Vị chuyên gia này cho rằng, sự kết hợp của địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong triển khai rất quan trọng. “Một số thành phố có cơ chế đặc thù như TP. Hồ Chí Minh nếu kết hợp với sandbox có giá trị gia tăng hơn nhiều”, ông Quân đưa ra quan điểm.
Góp ý cho Điều 7 của Dự thảo, ông Quân cho biết, một số vấn đề về tái chế, xử lý nước thải, rác thải, rác thải nhựa cấp bách đối với đô thị. “Cách tiếp cận truyền thống không phù hợp”, ông nhấn mạnh và cho rằng, cần đưa vấn đề này vào sandbox.
Ông Quân cũng đề cập thêm dịch vụ, vì đây là ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho kinh tế toàn cầu. Ông đề xuất lĩnh vực liên ngành để tạo không gian mở (lĩnh vực thứ 5).
Về Điều 8, vị chuyên gia này cho rằng, cần có 3 trụ cột nhóm chính sách: (i) nguồn lực; (ii) thị trường, đặc biệt là thị trường liên quan đến đầu tư công (cho xây dựng), thị trường thực phẩm; (iii) cơ chế phối hợp thực hành (liên kết các bộ ngành, liên kết trung ương và địa phương).
Điều 15: Tiêu chí về KTTH xây dựng khung phân loại xanh, ông cho rằng cần có các tiêu chí cơ bản có thể áp dụng ngay.
Điều 17: Thời hạn trái phiếu xanh, ông Quân đề xuất, cần cân nhắc thêm vì thời hạn quá ngắn.
“Báo cáo đánh giá tác động cần đầu tư thêm, vì cần thêm nhiều nhóm giải pháp thì mới có cơ sở lựa chọn hơn”, vị chuyên gia đến từ ICED đề nghị./.
Bình luận