Sáng ngày 12/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN LÀ THỰC SỰ CẦN THIẾT

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa, song còn chậm chuyển đổi cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Tạo cơ chế thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu

Những thách thức trên đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng... Trong đó, thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn tạo động lực cho cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động... góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”, ông Dương thông tin thêm.

Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, CIEM đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, CIEM đã báo cáo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tư duy hướng tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”.

Có thể nói, Quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...

4 NHÓM NGÀNH ƯU TIÊN TRONG CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, do đó cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song không đủ. Đặc biệt, bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước nói chung và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế trong các tháng đầu năm 2023 nói riêng, đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy “phục hồi xanh”.

Vì vậy, việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp…) mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương. Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng - chính là một yêu cầu quan trọng.

Trong cơ chế thử nghiệm, CIEM đề xuất tiến hành trên 4 nhóm ngành: nông lâm nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng và năng lượng.

“Điều quan trọng nhất là các ngành cần vượt qua khỏi tư duy truyền thống, tránh tình trạng ngành nào chỉ quan tâm đến việc của ngành đó. Mô hình kinh tế tuần hoàn không thể tách rời từng thành phần, mà cần sự kết hợp trong cả nền kinh tế”, ông Dương nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đề xuất các nội dung chính sách, gồm: khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; ưu đãi thuế; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đào tạo lao động; đất đai. Các chính sách cụ thể này sẽ tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp về công nghệ, ưu đãi về vốn, thuế đất… phục vụ cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Bày tỏ tán thành với các đề xuất của CIEM, ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế xanh thuộc GIZ đánh giá, cơ chế thử nghiệm của CIEM là đi trước một bước.

“GIZ có đầy đủ kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam”, ông Dennis Quennet khẳng định./.