Quản trị công ty ở Việt Nam còn yếu kém
Đây là nhận định của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn quản trị công ty - Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016-2017”, ngày 21/04/2017.
Nhiều tồn tại
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cùng với sự phát triển của nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp và sự xuất hiện của các công ty lớn, vấn đề quản trị công ty đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà xây dựng chính sách, pháp luật về doanh nghiệp.
Cho đến nay, khung quản trị công ty ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế và yếu kém.
Cụ thể như: khái niệm quản trị công ty vẫn còn rất mới mẻ; nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn lẫn lộn giữa quản trị công ty và quản trị tác nghiệp; doanh nghiệp vẫn còn quản lý theo kiểu thuận tiện chứ không theo nguyên tắc quản trị công ty tốt…
Ông Đoàn Duy Khương phát biểu tại diễn đàn |
Dẫn chứng bằng số liệu về sự yếu kém trong quản trị công ty tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thu Hiền, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, thẻ điểm quản trị công ty của Việt Nam thấp nhất trong số 6 quốc gia thành viên ASEAN, với hơn 35 điểm trong năm 2014. Đây là số điểm cách khá xa so với vị trí đứng đầu là Thái Lan với 84,5 điểm, Malaysia 79 điểm, Singapore 70 điểm, Philippines 67 điểm, Indonesia 57 điểm.
Theo TS. Hiền, nguyên nhân của tình trạng trên là do HĐQT trong các công ty đại chúng của Việt Nam chủ yếu có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước và công ty gia đình. Vì thế, khi đại chúng hóa và tư nhân hóa đã gặp thách thức trong việc tách bạch giữa quản trị và điều hành, đồng thời tốn nhiều thời gian và công sức.
Cũng đưa ra nguyên nhân khiến tình hình quản trị công ty ở Việt Nam yếu, kém, ông Vũ Chí Dũng, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cho biết, một phần nguyên nhân còn do doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm về quản trị công ty. Đây chính là lý do các công ty có xu hướng không tuân thủ hoặc chỉ tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về quản trị công ty theo quy định của pháp luật, họ có rất ít động lực để áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt.
“Kết quả khảo sát doanh nghiệp của VCCI vào năm 2016 cho thấy, có tới 31,2% doanh nghiệp trả lời không có điều lệ công ty mặc dù Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp là pháp nhân phải xây dựng bản Điều lệ công ty”, ông Dũng cho biết.
Một nguyên nhân khác được ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra, đó là có khoảng cách rất xa giữa chính sách và thực thi về quản trị công ty.
Ông Hiếu dẫn chứng, Luật Doanh nghiệp 2014 của Việt Nam có những thay đổi quan trọng về quản trị công ty được đánh giá là phù hợp với thông lệ tốt trên giới, đó là: đưa ra mô hình quản trị mới (không còn khái niệm về ban kiểm soát), chế định về “trách nhiệm” của hội đồng quản trị, và quy định về quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, đến giờ vẫn có ít doanh nghiệp thực hiện được, do nhiều công ty còn lưỡng lự chưa mạnh dạn áp dụng mô hình quản trị mới, dẫn đến nhiều thực tiễn tốt về quản trị không áp dụng được. Bên cạnh đó, môi trường và hệ thống định chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho thực thi và áp dụng chế định trách nhiệm người quản lý, đặc biệt là hệ thống cơ quan liên quan đến giải quyết khởi kiện người quản lý…
Cần phải làm gì?
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế vừa nêu, theo ông Vũ Chí Dũng, thì cần thiết phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm cải cách chất lượng quản trị của Việt Nam.
Đối với khung pháp lý, cần ban hành Nghị định về quản trị công ty dựa trên các nguyên tắc quản trị công ty của OECD/G20 và Luật Doanh nghiệp 2014.
Về các biện pháp khuyến khích thị trường, thì cần xây dựng Bộ nguyên tắc quản trị công tu hài hòa hóa các quy định trong nước và thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị công ty; Thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Quản trị Công ty, như: tư vấn, đào tạo, truyền thông về quản trị công ty…
“Các hoạt động hỗ trợ để nâng cao nhận thức về quản trị công ty cũng cần được tăng cường, như: đào tạo, hội thảo, giáo dục…”, ông Dũng cho biết.
Còn ông Phan Đức Hiếu kiến nghị rằng, trước hết Nhà nước và cổ đông nhà nước, nên gương mẫu trong viêc áp dụng và thúc đẩy những thực tiễn tốt về quản trị công ty. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của quản trị trong công ty.
Ngoài ra, cần tách bạch hoàn toàn giữu sở hữu và quản lý bằng cách thiết lập bộ máy quản trị, điều hành công ty chuyên nghiệp, độc lập và không nhất thiết phải là cổ đông.
“Luật Doanh nghiệp chỉ là yêu cầu tối thiểu! Phải quản trị tốt hơn và theo thực tiễn tốt hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Đoàn Duy Khương cho biết, cải thiện quản trị công ty là một yếu tố tiên quyết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực.
Một số công cụ để cải thiện chất lượng quản trị công ty bao gồm: thành lập Viện thành viên Hội đồng quản trị theo mô hình của nhiều nước trên thế giới, áp dụng chuẩn mực kế toán báo cáo tài chính quốc tế, tôn vinh các công ty thực hiện tốt quản trị công ty…/.
Bình luận