Quy định lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP
Dự thảo nêu rõ về nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Cụ thể, cơ quan mua sắm có nghĩa vụ: Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên Hiệp định CPTPP (gọi là thành viên) với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước.
Cơ quan mua sắm có nghĩa vụ đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên Hiệp định CPTPP với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước.
Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên với nhau; đối xử bình đẳng giữa nhà thầu trong nước với nhà thầu trong nước khác có vốn sở hữu hoặc phụ thuộc về mặt tổ chức với nước ngoài; đối xử bình đẳng giữa nhà thầu cung cấp, hàng hóa dịch vụ trong nước với nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ một thành viên khác.
Nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp; hạch toán tài chính độc lập; không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật; độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên liên quan theo quy định; không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu…
Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.
Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Cơ quan mua sắm; các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó.
Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.
Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.
Về trách nhiệm cung cấp thông tin, Dự thảo nêu rõ: Khi nhận được yêu cầu của thành viên khác để xem xét một gói thầu có được tổ chức lựa chọn nhà thầu công bằng, khách quan và tuân thủ quy định, cơ quan mua sắm có trách nhiệm cung cấp thông tin thông qua đầu mối Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có thể bao gồm những đặc điểm và ưu thế tương đối của nhà thầu trúng thầu. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các thành viên phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định: các thông tin phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm: a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; b) Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển; c) Thông báo mời thầu; d) Danh sách ngắn; đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu; e) Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng; g) Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu; h) Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu; i) Thông tin khác có liên quan. Bên cạnh đó, việc đăng tải thông tin về đấu thầu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Bình luận