5 năm thực thi CPTPP: dư địa còn rất lớn
Toàn cảnh Hội thảo |
Kết quả 5 năm thực thi CPTPP
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).
Ghi nhận những kết quả tích cực mà CPTPP mang lại, Đại sứ Canada tại Việt Nam – ông Shawn Steil cho biết, Hiệp định CPTPP được thực thi trong vài năm qua đã chứng kiến mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada có mức tăng trưởng bền vững. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 giữa hai nước đã tăng trưởng gấp đôi kể từ năm 2017. Điều này là minh chứng cho những cơ hội mà Hiệp định này mang lại. CPTPP cũng đóng góp đáng kể cho quan hệ thương mại giữa Canada và các nước thành viên, không chỉ riêng thị trường châu Á, mà còn với các đối tác khác ở châu Mỹ. Các doanh nghiệp Canada đã tiến sâu hơn vào các thị trường mới với khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, mạnh mẽ hơn từ việc tận dụng ưu đã thuế quan trong CPTPP cùng với việc thự thi quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ đầu tư.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như: suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114,5 tỷ USD.
Bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn, mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đã và đang được củng cố qua các cam kết chiến lược.
Cơ hội đan xen cùng thách thức, kết nối là chìa khóa quan trọng
Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cũng đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, thảo luận, tìm giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp có thêm thông tin thị trường, tìm kiếm các giải pháp logistics mới, hiệu quả và gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP. Tăng cường kết nối để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là của các nước thành viên CPTPP.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, các nước thành viên CPTPP đang tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ việc thực thi Hiệp định này, nhằm tạo ra không gian hợp tác mới. Quá trình thực thi Hiệp định cũng cho thấy, dư địa để tăng trưởng, trao đổi thương mại còn rất lớn, trong đó, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước CPTPP còn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác cũng xin gia nhập sẽ tạo thêm cơ hội phát triển hợp tác.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trao đổi tại Hội thảo |
Bên cạnh những thuận lợi, ông Khanh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và các nước cần nắm rõ lợi ích cũng như cách thức tận dụng CPTPP để quan tâm hơn đến thị trường của nhau.
Hiện điều doanh nghiệp đang thiếu nhất chính là những vấn đề liên quan đến thông tin thị trường, hay những vấn đề liên quan đến cơ hội có được đơn hàng. Mặc dù thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan đã triển khai rất hiệu quả, nhưng có thể nói rằng đây vẫn là điểm chúng ta cần chú ý. Chính phủ đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA với mục tiêu để tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, chứ Chính phủ không thể làm hộ doanh nghiệp được.
Chính phủ tạo ra môi trường, những khuôn khổ để doanh nghiệp tận dụng. Doanh nghiệp cần xác định rằng, những cơ hội đó đã có và chúng ta nên tận dụng. CPTPP có những thị trường rất tốt, với những cam kết rất sâu, rất rộng. Chúng ta vẫn quen làm việc với những đối tác truyền thống, bây giờ sang một đối tác mới, ở xa xôi, dù có những cam kết tích cực, nhưng cần sự thận trọng nhất định. Chúng ta cần đa dạng hóa thị trường, chú ý đến những đối tác mà chúng ta có FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới, lớn như CPTPP”. Theo đó, cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, cơ chế hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Mỹ; xây dựng kết nối doanh nghiệp Việt với các nước để mở rộng ý tưởng hệ sinh thái tận dụng FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường định hướng xuất khẩu xác định lĩnh vực trọng tâm, không dàn trải...
Ông Khanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối: “Chúng ta có những nguồn lực nhất định, nhưng còn bị phân tán. Cần làm sao kết nối các chủ thể từ khâu đầu vào đến đầu ra, từ doanh nghiệp cho đến người dân, hay từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, không chỉ ở địa phương và cả ở Trung ương, đó là lý do chúng tôi đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, với các hiệp hội xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA. Điều này rất khó, không đơn giản, nhưng nếu chúng ta làm được như vậy, các chủ thể tham gia đều sẽ tân dụng được cơ hội từ các FTA”.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết “Canada, Mexico là những thị trường rất khó tiếp cận. Sau khi CPTPP có hiệu lực, ngành dệt may đã đột phá vào các thị trường này và tăng trưởng của các thị trường này rất tốt. CPTPP đặt ra những áp lực, nhưng cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy ngành kéo sợi và dệt lụa phát triển. Tuy nhiên, trong cơ hội có đan xen với những thách thức.
Ông Giang đã chia sẻ 3 thách thức chính đối với ngành dệt may, gồm: Tiêu chuẩn đánh giá, Tiêu chuẩn kép và Cách thức mua hàng, thành toán. Tại thời điểm đàm phán các điều khoản của CPTPP, các chính sách chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của các nhãn hàng, các nhà mua hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các nước đặt ra hàng loạt yêu cầu, tiêu chuẩn, các chính sách đối với việc nhập khẩu vào thị trường CPTPP. Trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt yêu cầu phải thực hiện phát triển bền vững, mà ban đầu trong hiệp định không nhắc đến.
“Hiện nay, chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn đánh giá. Mỗi một nhãn hàng đặt ra 1 tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, về tính ổn định, tính bền vững, minh bạch về chính sách lao động. Nên đưa ra tiêu chuẩn thống nhất trong khối CPTPP, để doanh nghiệp không phải chịu những đánh giá khác nhau từ các nhãn hàng. Thứ 2 là thách thức về tiêu chuẩn kép và thứ 3 là cách mua hàng và thanh toán. Rủi ro trong thanh toán là thách thức, thanh toán trả chậm có thể lên đến 120 ngày, tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đánh giá cao tầm quan trọng của các thị trường CPTPP với ngành hàng thủy sản Việt Nam.
“Ngay từ khi đàm phán CPTPP, chúng tôi đã nhận định khối thị trường này rất quan trọng với ngành hàng thủy sản. Hiện nay, thị trường các nước CPTPP chiếm khoảng 25-27% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, sau đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu các ngành đều tăng, trong đó có thủy sản tăng hơn 20% so với 2021, riêng khối thị trường CPTPP tăng 30,6%. Năm 2023, thủy sản có sụt giảm đáng kể do lạm phát, tuy nhiên sụt giảm của thị trường khối CPTPP chỉ là 16,4%", ông Nam nói.
Như vậy, dư địa phát triển đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường các nước thành viên CPTPP là rất lớn, nhưng cần tận dụng triệt để tối đa các cơ hội, cũng như nhận diện các thách thức để biến khó khăn thành lợi thế./.
Châu Mỹ là thị trường rộng lớn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các khối thương mại tự do đan xen như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… Tận dụng các lợi thế mà CPTPP mang lại, cùng với các vị trí cửa ngõ thuận lợi các nước thành viên trong khu vực là Canada, Mexico, Chile và Peru, các doanh nghiệp có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường sôi động và đầy tiềm năng này. |
Bình luận