Quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững
Chiều 15/8, Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Phát triển kinh tế - xã hội Sơn La còn nhiều điểm nghẽn
Đánh giá về sự phát triển của tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện và năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch và công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, Sơn La có vai trò là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước; là nơi cung ứng điện lớn cho quốc gia; là nơi có sự phát triển vượt bậc về nông nghiệp hàng hóa.
Sự phát triển của Sơn La cũng đạt được một số thành tựu nhất định khi năm 2020, GRDP toàn Tỉnh đạt 55.300 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 2,7 lần so với năm 2011, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2015, xếp thứ 41/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; xếp thứ 5/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, Sơn La cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư còn thấp; năng suất lao động có xu hướng giảm; các yếu tố phát triển chiều rộng đã được sử dụng, khai thác, trong khi động lực cho phát triển theo chiều sâu (chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường khai thác thị trường...) chưa được chú ý thỏa đáng...
Những điểm nghẽn phát triển của Sơn La được các đơn vị tư vấn chỉ ra, đó là:
(1) Chuỗi liên kết lãnh thổ Yếu: Các tuyến giao thông (Quốc lộ 6, 43, 279, 4G) là những tuyến giao thương huyết mạch với thủ đô Hà Nội và các Tỉnh trong vùng; Tuy nhiên những tuyến này đa phần là đường nhỏ hẹp (khoảng 2 làn xe), tuyến cong queo khúc khủy với nhiều khúc cua và độ dốc cao nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, năng lực thông hành thấp, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa - dịch vụ và văn hóa liên vùng đối với Sơn La.
(2) Hệ thống hạ tầng yếu và chưa đồng bộ, hơn nữa là chưa đồng bộ nên khả năng khai thác đất đai chưa cao, dẫn tới giá trị đất đai thấp, khả năng huy động vốn khá khó khăn, thu hút đầu tư khó khăn…; vì vậy chưa tạo được những cú hích phát triển mạnh và các điều kiện cần và đủ lớn để cất cánh…
(3) Tỷ lệ lao động có chuyên môn thấp và có sự suy giảm mạnh về nguồn lực lao động: Tuy quy mô lao động khá lớn (chiếm tới 60,8% tổng dân số toàn tỉnh), nhưng Lao động đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế khá thấp (chỉ đạt khoảng 13,1%), nên chưa đáp ứng nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế phi nông nghiệp. Mặt khác, do hệ thống hạ tầng dịch vụ chưa hoàn chỉnh nên tiềm năng về việc làm ở khối phi nông nghiệp chưa cao, nên luôn có sự di cư ra ngoại tỉnh với tốc độ cao (- 0,2% -0,4%/năm).
(4) Ngành công nghiệp còn non trẻ, quy mô sản xuât còn nhỏ: Ngành Công nghiệp & Xây Dựng đóng góp vào GRDP của Tỉnh hiện nay chiếm > 28%, trong đó công nghiệp thủy điện đang phát triển mạnh; còn lại là các ngành, như: chế biến, chế tạo, khai khoáng đều có quy mô nhỏ, chỉ số IIP thấp, chỉ tăng khoảng 1,05% năm và thấp nhất trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Số lao động trong công nghiệp có xu hướng giảm qua các năm.
(5) Ngành nông nghiệp trồng trọt đã sản xuất cận sản lượng tiềm năng và đang mất dần lợi thế: Hiện nay với kỹ thuật canh tác truyền thống nông nghiệp Sơn La đã sản xuất ở sản lượng tiềm năng, khó có thể nâng cao năng suất và sản lượng; Tốc độ tăng trưởng rất chậm (2016-2020 chỉ đạt khoảng 4,4% GRDP) và không ổn định và vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, như: thời tiết, khí hậu, dịch bệnh và nhu cầu của thị trường; trong đó, việc đóng góp vào tăng trưởng chủ yếu là giá trị chất lượng hàng hóa và thị trường tiêu dùng chứ không phải năng suất và sản lượng. Mặt khác du đang có lợi thế về một số sản phẩm nông nghiệp như: cây ăn quả, cây công nghiệp…, nhưng cũng đang mất dần lợi thế so sánh trong vùng do cạnh tranh với các tỉnh khác lân cận.
(6) Ngành du lịch thiếu hệ thống hạ tầng dịch vụ đồng bộ. Mặc dù là ngành đang có lợi thế tiềm năng lớn trong tỉnh có thể triển khai đủ các loại hình du lịch (Sinh thái thiên nhiên, Văn hóa lịch sử, Nghỉ dưỡng chữa bệnh, Cộng đồng và các loại hình du lịch chuyên đề…); tuy nhiên do thiếu các cơ sở dịch vụ phục vụ hoàn chỉnh, hấp dẫn, mới lạ như: Dịch vụ lữ hành; Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ mua sắm, ăn uống vui chơi giải trí… cùng với việc giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt…, nên cũng chưa phát triển mạnh mẽ.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông khẳng định, việc sớm có Quy hoạch Tỉnh sẽ phát huy hiệu quả các lợi thế của Tỉnh. Ảnh: Đức Trung |
Những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục, giải quyết trong bản quy hoạch thời kỳ mới
“Những điểm hạn chế, tồn tại này cần phải được khắc phục, giải quyết trong bản quy hoạch thời kỳ mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông khẳng định, việc sớm có Quy hoạch tỉnh sẽ phát huy hiệu quả các lợi thế của Tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước và xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Vì thế, công tác lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo và triển khai quyết liệt vì đây là tầm nhìn phát triển trong trung và dài hạn của Tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030 về kinh tế Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021- 2030 đạt trên 8%, trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021- 2025 năm phấn đấu đạt trên 7,5 %/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt trên 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100-120 triệu đồng/người; Kinh tế số đạt khoảng 10-15% GRDP đến năm 2025 và đạt 20-30% GRDP vào năm 2030; Tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 20,6% và đạt 25,8% vào năm 2030… |
Theo Dự thảo Quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát riển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực gắn với mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, nhanh, bền vững. Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo và du lịch là mũi nhọn đột phá; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong Vùng và cả nước.
Về phát triển xã hội, Dự thảo Quy hoạch đưa ra quan điểm phát triển đảm bảo các chỉ tiêu và kết cấu hạ tầng xã hội. Sắp xếp lại hệ thống đô thị, ưu tiên phát triển các đô thị có sức hút lớn, có nhiều việc làm và dịch vụ xã hội; sắp xếp và bảo tồn các điểm dân cư nông thôn theo hướng nông thôn mới, đề cao bản sắc dân tộc, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa - thiên nhiên, gắn bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; đổi mới tư duy và hành động, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy con người làm trung tâm, coi trọng việc thu hút nhân tài và lực lượng lao động tay nghề cao trong nước và ngoài nước; định hướng xây dựng phát triển tỉnh Sơn La có thương hiệu mạnh về nông nghiệp...
Xác định 4 không gian kinh tế đặc trưng hỗ trợ lẫn nhau
Dựa trên vai trò, vị trí là trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, Quy hoạch đưa ra định hướng của khung phát triển, tỉnh Sơn La theo 4 không gian kinh tế đặc trưng hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, Vùng Đô thị và Quốc lộ (QL) 6 bao gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu. Vùng có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn; đặc biệt thành phố Sơn La là đô thị trung tâm, đồng thời cũng là cực tăng trưởng trung tâm. Huyện Thuận châu có lợi thế về tài nguyên rừng và thủy năng lớn. Huyện Mai Sơn có cảng hàng không Nà Sản và cao nguyên Nà Sản với lợi thế về phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là vùng phát triển động lực chủ đạo của Tỉnh.
Vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu, là vùng cao nguyên có cảnh quan đẹp, đất đai phì nhiêu, khí hậu trong lành mát mẻ, dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất khá lớn. Vùng có khu du lịch Mộc châu là thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, được nhận giải thưởng "điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu thế giới". Vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận được xác định là vùng động lực chủ đạo của Tỉnh và là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La.
Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên. Đây là vùng lưu vực của sông Đà, dân cư đông đúc, đất đai phì nhiêu, giàu khoáng sản và các tài nguyên khác như: rừng, thủy năng, nước ngầm; khí hậu, cảnh sắc hữu tình; đa dạng sinh thái…; thuận lợi cho phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp đặc thù; du lịch sinh thái; công nghiệp khai khoáng, chế biến…
Vùng cao biên giới (huyện Sông Mã và Sốp Cộp) là vùng núi cao, đất đai phì nhiêu, tươi tốt, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đặc thù và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lựa chọn kịch bản phát triển nhanh theo hướng bền vững, là phương án phát triển trong điều kiện có nhiều định hướng đột phá. Nội dung chính của phương án phát triển này là phát triển nhanh kinh tế, đồng thời đảm bảo các vấn đề xã hội, dân tộc; bảo vệ, khôi phục và gia tăng hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; đảm bảo công bằng xã hội gắn kết với ổn định, bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Hội đồng thông qua dự thảo Quy hoạch Sơn La thời kỳ 2021-2030
Góp ý cho Dự thảo Quy hoạch, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương chỉ rõ, để định hướng quy hoạch tốt, phải xác định vai trò của Sơn La với vùng và quốc gia thế nào. Sơn La là trung tâm Tây Bắc, điều đó có nghĩa là cái gì phát triển cho Sơn La thì không chỉ tốt cho Sơn La mà cho cả vùng.
Về lợi thế thổ nhưỡng, vị trí địa lý, nếu tiếp cận theo hướng Sơn La là trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, thì phải khai thác tốt hơn, đó là trung tâm trung chuyển logistics giữa Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng. "Tuy nhiên, Quy hoạch chưa khai thác kỹ điểm này", vị chuyên gia này chỉ rõ.
Việc lựa chọn các ngành cũng được vị chuyên gia này góp ý là phải có tiêu chí. "Thực ra có tiêu chí rồi nhưng lại không dùng", ông Giám thẳng thắn. Mặc dù xác định phát triển trọng tâm là ngành nông nghiệp, nhưng lại có xu hướng hạ tỷ trọng xuống thấp, từ 24% xuống 14%. "Có nên giảm tỷ trọng không?", ông Giám đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia này cũng gợi ý tỉnh phát triển chế biến nông sản và phải tinh chế nguyên liệu; Cần quan tâm quy hoạch khai thác khoáng sản.
Về thủy điện, ông Giám chỉ rõ, ngoài thủy điện lớn thì còn rất nhiều thủy điện nhỏ, điều này phải đánh giá nghiêm túc. "Tiềm năng có thật nhưng phải đánh giá hệ lụy", ông lưu ý.
Kết luận tại Phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Hội đồng đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
Để sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, trong đó làm rõ nhiều nội dung, bổ sung luận cứ, phương án xác định các động lực phát triển, đóng góp vào tăng trưởng chung của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch./.
Bình luận