Giải pháp thu hút FDI: Nhìn từ góc độ cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc 11 tháng năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số giải ngân cao nhất trong các năm trở lại đây
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đứng đầu về thu hút FDI |
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 11 tháng.
Nhìn vào cơ cấu đầu tư và đóng góp của doanh nghiệp FDI, chúng ta thấy rõ, các lĩnh vực vươn lên đầu bảng có mức đầu tư lớn cũng như nhu cầu lớn về lao động chất lượng cao là máy tính, điện thoại, tiếp đó là sản xuất các thiết bị, các linh phụ kiện cho các phương tiện vận chuyển; bán buôn bán lẻ; chế biến nông lâm thủy sản. Đặc biệt, các mặt hàng về gia dụng tại Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn, các tập đoàn, đa, xuyên quốc gia cũng khai khác các thế mạnh đó và cần lượng lớn kỹ sư về hóa nhựa, hóa sinh, điều khiển các máy công nghệ cao, điều khiển và sản xuất các robot hiện đại; lĩnh vực công nghẹ thông tin, đặc biệt là tự động hóa kết hợp với AI, robot…
Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng vào công nghệ mới. Vì vậy, việc chú trọng đào tạo lực lượng lao động có trình độ sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, chất lượng nhân lực có kỹ năng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động. Tại hội nghị Tổng kết của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu thực tế rằng, Việt Nam ra sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam lại rất khó tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.
Trước tiên, tỷ lệ lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng trong tổng lực lượng lao động vẫn còn thấp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023, chỉ có khoảng 28% lực lượng lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng (có trình độ sơ cấp trở lên) trên toàn quốc. Tại các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động dưới đại học vẫn chiếm hơn 80%, và con số này chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể từ năm 2011 đến nay. Đây là một thách thức lớn khi mà yêu cầu về kỹ năng ngày càng tăng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ cao hơn.
Thứ hai, đội ngũ lao động chất lượng vẫn còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, đội ngũ lao động tri thức ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và quản lý kinh doanh. Việc thiếu hụt nhân tài trong các ngành công nghiệp, như tài chính, kiểm toán và luật pháp, làm cho các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì nhân lực chất lượng.
Thứ ba, tác phong và kỷ luật lao động cũng đang gặp thách thức. Phần lớn lao động tại Việt Nam, đặc biệt là những người xuất thân từ nông thôn, vẫn mang những tác phong làm việc của ngành nông nghiệp, không phù hợp với môi trường làm việc công nghiệp. Họ thiếu kỹ năng làm việc nhóm, chưa có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, cũng như thiếu sự sáng tạo và khả năng chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI phải tốn nhiều thời gian và chi phí để đào tạo lại tác phong lao động phù hợp với yêu cầu của môi trường kinh doanh hiện đại.
Thứ tư, lực lượng sinh viên mới ra trường chưa được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý và kỹ năng ứng dụng. Mặc dù họ có kiến thức lý thuyết tốt, nhưng thiếu kỹ năng áp dụng thực tế và sự chuẩn bị về tâm lý khi bước vào môi trường làm việc. Đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp FDI khi muốn sử dụng nguồn nhân lực tươi mới từ các trường đại học và cao đẳng.
Cuối cùng, tình trạng "nhảy việc" của người lao động do thiếu khát vọng và thiếu tầm nhìn dài hạn. Người lao động thường có xu hướng thay đổi công việc thường xuyên, chủ yếu do sự không hài lòng với công việc hiện tại hoặc khát khao có thu nhập cao hơn. Điều này làm giảm tính ổn định của lực lượng lao động và tăng thêm gánh nặng chi phí đào tạo và thay thế nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp FDI.
Hoàn thiện chính sách để xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Chính phủ ban hành các văn bản quy định thống nhất việc thu hút, sử dụng nhân tài; cụ thể hóa đầy đủ các nội dung của các giai đoạn trong thu hút nhân tài và tích cực khuyến khích các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp FDI như chuyên ngành công nghệ cao, khoa học kỹ thuật, quản lý và các lĩnh vực có nhu cầu cao của thị trường lao động.
Về phía doanh nghiệp FDI cần xây dựng một chiến lược rõ ràng về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Việc đầu tư vào đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực thực hành là rất cần thiết để cung cấp đủ lao động có trình độ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu sản xuất và quản lý của doanh nghiệp.
Thứ hai, để có được nguồn nhân lực chất lượng, các doanh nghiệp FDI cần hiểu và đánh giá chính xác vai trò của các cán bộ quản lý nhân sự. Điều này bao gồm việc tuyển dụng những người có năng lực chuyên môn và phẩm chất tốt, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích phát triển nghề nghiệp cho họ. Quản lý hiệu quả nguồn nhân lực cũng đòi hỏi phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên để tạo môi trường làm việc tích cực và có động lực.
Thứ ba, có tầm nhìn chiến lược và sẵn sàng dự đoán các thay đổi trên thị trường lao động và chính sách nhà nước liên quan. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, củng cố công tác quản trị và nguồn nhân lực hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lao động và đầu tư, giảm bớt các rào cản pháp lý và thủ tục quản lý. Nâng cao tính dễ dàng và minh bạch trong việc làm thủ tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp FDI. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện công bằng trong cạnh tranh.
Thứ tư, cần có kế hoạch và ngân sách rõ ràng cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư hợp lý vào việc đào tạo là cần thiết để giúp cán bộ nhân viên cải thiện kỹ năng và nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và kinh doanh ngày càng cao.
Thứ năm, ban hành và thực hiện các hệ thống đánh giá hiệu quả nhân sự, cùng với việc thiết lập các chế độ đãi ngộ hợp lý. Đưa ra các chính sách thu hút nhân tài như hỗ trợ thuế, chi phí sinh hoạt, và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho các chuyên gia, nhà quản lý và công nhân kỹ thuật có kỹ năng cao. Các chính sách này cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực và trách nhiệm, giúp tăng cường hiệu suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên./.
Bình luận