Quý I/2023, số lao động mất việc
Một số ngành thâm dụng lao động như dệt may- da giày; điện- điện tử... buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa

Số lao động nghỉ, giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng giảm, trong khi đó số lao động mất việc tăng

Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ, giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I năm nay là gần 294 nghìn người, giảm 2.000 người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%; và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như: Bắc Giang (16 nghìn người), Hải Dương (9,8 nghìn người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62,4 nghìn người), Nghệ An (12,6 nghìn người), Tây Ninh (khoảng 21,8 nghìn người), Bình Dương (khoảng 36,4 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 19,8 nghìn người), Tiền Giang (khoảng 11,5 nghìn người), Vĩnh Long (khoảng 13,2 nghìn người),…

Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2023 của Tổng cục Thống kê ngày 6/4, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022, sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc.

Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người)…

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long với 2,64%

Tổng cục Thống kê cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; tình hình thị trường lao động quý I/2023 tiếp tục phục hồi.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hình: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2023

Điều đáng lưu ý là trong quý I/2023, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long với 2,64%, tương ứng với gần 220 nghìn người thất nghiệp, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ với 2,63%, tương ứng với gần 263 nghìn người thất nghiệp.

So với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên ở hai vùng là Đồng bằng sông Hồng, khi tăng 0,27 điểm phần trăm, tương ứng với tăng gần 30,2 nghìn người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 0,18 điểm phần trăm, tương ứng tăng khoảng 17,5 nghìn người. Tỷ lệ này ở bốn vùng còn lại đều giảm so với quý trước, đặc biệt vùng Trung du và miền núi phía Bắc giảm nhiều nhất với 1,06 điểm phần trăm, tương ứng với 62,2 nghìn người.

3 giải pháp để thị trường lao động phục hồi bền vững

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, ông Nam đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

"Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...", ông Nam nhấn mạnh.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Thứ ba, ông Nam đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội./.