Tóm tắt

Bài viết tập trung đề cập và phân tích thực trạng vấn đề suy giảm việc làm cho người lao động tại Đồng Nai nhìn từ nhiều giác độ. Từ thực trạng và vấn đề nêu lên, tác giả đề xuất một số giải pháp hỗ trợ nhằm giải quyết hiệu quả bài toán tạo việc làm cho người lao động tại địa phương trong thời gian tới.

Từ khóa: việc làm, người lao động, Đồng Nai

GIỚI THIỆU

Đồng Nai luôn là tỉnh hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo nhiều việc làm có thu nhập tương đối cao và ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp không ít khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm. Vì vậy, cần có những giải pháp để từng bước vượt qua khó khăn trước mắt, hướng tới phát triển bền vững.

THỰC TRẠNG VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI ĐỒNG NAI

Đồng Nai là tỉnh trọng điểm trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2022, dân số của Tỉnh ước đạt xấp xỉ 3,256 triệu người, tăng 2,74% so với năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn Tỉnh đạt trên 1,77 triệu người, tăng 1,14% so với năm 2021. Dân số đông và lực lượng lao động trẻ, dồi dào đã và đang là điểm mạnh của Tỉnh trong hiện tại và tương lai. Lực lượng lao động tại Đồng Nai chiếm 55% trên tổng số dân. Lao động thành thị chiếm 43%, nông thôn chiếm 57%.

Thực trạng suy giảm việc làm và giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tại Đồng Nai

Khu vực kinh tế sử dụng nhiều lao động nhất là khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài, trong đó, năm 2021 và 2022, tỷ lệ sử dụng lao động của hai khu vực này tiếp tục tăng, lần lượt đạt xấp xỉ 57% và 40%. Do đó, có thể hình dung về sự phụ thuộc tương đối lớn giữa công ăn việc làm của người lao động Đồng Nai với tình hình sản xuất của các doanh nghiệp FDI (Bảng 2).

Bảng 2: Lao động tại Đồng Nai phân theo khu vực kinh tế

Thực trạng suy giảm việc làm và giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tại Đồng Nai

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn kinh tế khởi sắc kể từ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng đã và đang gặp không ít khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu, dẫn tới thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm. Điều này đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh, trong đó, có vấn đề ổn định việc làm cho người lao động.

Từ đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng cắt giảm lao động; đơn cử như về số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2023 đã lên tới trên 12 nghìn người; tháng 5 tăng lên 33 nghìn người và đến tháng 8 đã là 45 nghìn người. Toàn Tỉnh có khoảng 190 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành: chế biến, chế tạo, dệt may, da giày (Mạnh Thắng, 2023; Phạm Kỳ, 2023).

Vấn đề thất nghiệp tại Đồng Nai có thể quan sát từ góc độ khác: đó là nhìn từ số lượng người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai tại Bảng 3 cho thấy, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt đỉnh năm 2019, sau đó giảm dần trong năm 2020 và 2021 và lại tăng trở lại vào năm 2022. Điều này có thể được giải thích do yếu tố dịch bệnh Covid-19, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gia tăng mạnh vào năm 2020 và giảm vào năm 2021 do kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, vào năm 2022, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp lại tăng mạnh trở lại, vượt qua cả thời kỳ đỉnh điểm năm 2020 (số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã chiếm đến 10% trên tổng số người tham gia bảo hiểm). Nhìn từ góc độ này, có thể thấy, cứ 10 người đóng bảo hiểm có 1 người đang nhận, đây là tỷ lệ rất cao nếu so với các năm trước thời kỳ dịch bệnh (Bảng 3).

Bảng 3: Bảo hiểm thất nghiệp tại Đồng Nai

Thực trạng suy giảm việc làm và giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tại Đồng Nai

Số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, tỷ lệ lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp chiếm 46,37% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, còn lượng lớn (hơn 50%) lao động tại Đồng Nai chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, một phần không nhỏ trong số này là lượng lao động tự do, thời vụ hay thất nghiệp; do đó, công việc của nhóm lao động này có thể bấp bênh hơn khu vực người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa được thống kê đầy đủ. Tình hình thu và chi tiền bảo hiểm thất nghiệp tại Đồng Nai cũng có những biến động mạnh, tổng số thu bảo hiểm giảm dần từ năm 2020. Đến năm 2022, tổng số thu chỉ bằng 70% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, thì tổng số chi bảo hiểm thất nghiệp lại tăng đáng kể từ năm 2020. Năm 2022, tổng số chi đã tăng 25% so với năm 2020.

Mất cân đối tổng thu chi bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn này cũng cho thấy, sự gia tăng của số người thất nghiệp có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao. Đây có thể là tín hiệu rõ ràng hơn về việc thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến người lao động phổ thông, mà còn tác động đến khu vực người lao động có trình độ chuyên môn hay có thâm niên công tác.

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP, ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND, ngày 14/4/2023 triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời hỗ trợ giải quyết hiệu quả bài toán việc làm cho người lao động một cách ổn định và bền vững. Trong rất nhiều các giải pháp được đưa ra để phát triển thị trường lao động và việc làm trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai nên phân chia và đặt trọng tâm vào các nhóm giải pháp sau đây:

Nhóm các giải pháp ngắn hạn

Thứ nhất, tăng quy mô, tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, tạo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI và các cơ sở đào tạo để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lực lượng lao động trước - trong - sau quá trình tham gia thị trường lao động; Lồng ghép chương trình đào tạo với đào tạo tác phong, kỷ luật, tâm lý người lao động, đảm bảo cân bằng cung cầu của thị trường lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.

Thứ ba, chủ động nắm bắt thông tin nhu cầu nhân lực từ các doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư mới hay mở rộng đầu tư tại Đồng Nai để có sự chuẩn bị nguồn lao động, từ đó, có những giải pháp cung cấp/đào tạo/tái đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ tư, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động; trước mắt tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.

Thứ năm, cần tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức của người lao động trong việc học tập, nâng cao tay nghề của mình để không bị lạc hậu, đáp ứng được yêu cầu công việc. Với nhóm lao động lớn tuổi, lao động không có tay nghề, để xin được việc làm thời điểm này không hề dễ dàng, do đó cần có những giải pháp chuyên biệt, đột phá. Theo đó, cần mạnh dạn có những chính sách, như: hỗ trợ tiền thuê trọ, miễn giảm học phí cho con… Những chính sách tương trợ đã được thực hiện trong thời điểm dịch bệnh Covid- 19 có thể được vận dụng linh hoạt trong thời điểm khó khăn về việc làm.

Nhóm các giải pháp trung hạn và dài hạn

- Tăng cường các nguồn lực để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.

- Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động đào tạo trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học.

- Trong quá trình thay đổi và phát triển liên tục của khoa học, công nghệ, vấn đề đào tạo/tái đào tạo cần chủ động, liên tục và sáng tạo. Tương lai lâu dài, theo kinh nghiệm của thế giới cần tiếp cận hình thức đào tạo cá nhân hóa, mỗi lao động sẽ được tiếp cận với hình thức đào tạo phù hợp nhất (miễn phí/có phí). Việc này đòi hỏi sự thay đổi về cơ bản trong cách tiếp cận và vận hành so với hiện nay. Đồng thời, việc này cũng hứa hẹn nâng cao một cách bền vững chất lượng nguồn nhân lực, từ đó, ổn định/nâng cao thu nhập cho người lao động, cũng như tạo sức hút và lợi thế cạnh tranh cho Đồng Nai./.

TS. LÊ KIÊN CƯỜNG

Trường Đại học Ngân hàng TP. HChí Minh

Email: cuonglk_ktqt@hub.edu.vn

Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 33, tháng 11 năm 2023

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê Đồng Nai (2023), Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai 2022, Nxb Thống kê.

2. Ivancevich, John M (2010), Quản trị nguồn nhân lực, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

3. Lý Hoàng Ánh (2016), Nguồn nhân lực cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

4. Mạnh Thắng (2023), Gần 22.000 lao động tại Đồng Nai nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, truy cập từ: https://tienphong.vn/gan-22000-lao-dong-tai-dong-nai-nop-ho-so-huong-tro-cap-that-nghiep-post1536765.tpo.

5. Phạm Kỳ (2023), Tỉnh Đồng Nai: 45 ngàn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 8 tháng 2023, truy cập từ: https://tienphong.vn/gan-22000-lao-dong-tai-dong-nai-nop-ho-so-huong-tro-cap-that-nghiep-post1536.

6. Thảo My (2023), Gần 29 ngàn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm, truy cập từ: https://baodongnai.com.vn/tintuc/202306/gan-29-ngan-lao-dong-huong-tro-cap-that-nghiep-trong-5-thang-dau-nam-3167985/.

7. Thu Hằng (2023), Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, truy cập từ https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=33684&CatId=107.