Quyền mở room vẫn thuộc Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp
Nhóm công tác thị trường vốn từng đưa ra nhiều kiến nghị về cách quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp Việt Nam |
Quyền mở room vẫn thuộc về Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp
Hướng dẫn doanh nghiệp về cách xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, UBCK cho biết, công ty đại chúng căn cứ theo các ngành nghề đăng ký kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với từng ngành nghề cũng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định tại Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Về việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với từng ngành nghề, công ty đại chúng căn cứ cam kết quốc tế, pháp luật chuyên ngành, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư (https://vietnaminvest.gov.vn).
Trường hợp thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mức 0%, công ty đại chúng cần nêu rõ ngành nghề (hoặc phạm vi kinh doanh của ngành nghề) thuộc ngành nghề NĐTNN chưa được tiếp cận.
Trường hợp thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mức > 0%, có ngành nghề đăng ký kinh doanh chưa chi tiết hoặc có phạm vi rộng, công ty cần làm rõ, chi tiết ngành nghề đăng ký kinh doanh không bao gồm hoạt động NĐTNN chưa được tiếp cận.
Trường hợp công ty đại chúng quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn tỷ lệ pháp luật cho phép thì tỷ lệ cụ thể phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại Điều lệ công ty.
Trên cơ sở đó, UBCK lưu ý công ty đại chúng cần làm rõ phạm vi kinh doanh đối với từng ngành nghề, báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất để sửa đổi, chi tiết ngành nghề đăng ký kinh doanh (nếu có), thông qua cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (trong trường hợp quyết định tỷ lệ thấp hơn quy định pháp luật cho phép) phù hợp với dự kiến thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.
Việc quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) trong các doanh nghiệp đại chúng là câu chuyện nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều năm nay. Trong nhiều năm, Nhóm công tác thị trường vốn liên tục kiến nghị rằng, khi chính sách pháp lý đã quy định về room cho từng ngành nghề thì nên buộc doanh nghiệp nới room tự động, để bình đẳng về quyền đầu tư giữa nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời rộng đường cho vốn ngoại vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, với quy định hiện hành như trên, các doanh nghiệp phải tuân thủ tỷ lệ room tối đa theo quy định của Luật Đầu tư (hướng dẫn tại https://vietnaminvest.gov.vn), nhưng Đại hội đồng cổ đông vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định việc doanh nghiệp nới room ở mức nào. Điểm lưu ý là, các lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa nội dung quy định về room do Đại hội đồng cổ đông quyết định vào Điều lệ công ty để phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành.
Doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch
UBCK cũng hướng dẫn về trách nhiệm đăng ký mã số giao dịch chứng khoán. Theo quy định tại Điều 141 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng và các tổ chức kinh tế khác có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo đó, đối với các công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) có trách nhiệm xác định công ty, quỹ đầu tư chứng khoán thuộc hoặc không thuộc trường hợp phải đăng ký MSGD căn cứ trên danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông, nhà đầu tư tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc Đại hội nhà đầu tư thường niên. Thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày nhận được danh sách do VSD lập;
Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, phải đăng ký MSGD trước khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, tài khoản lưu ký chứng khoán. Trường hợp đã có tài khoản giao dịch chứng khoán, tài khoản lưu ký chứng khoán, tổ chức kinh tế khi trở thành hoặc không còn là tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, phải đăng ký mã số MSGD hoặc hủy MSGD trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc thay đổi thông tin cổ đông, thành viên góp vốn.
Nhà đầu tư ngoại vẫn chờ xử lý những kiến nghị về room
Cuối năm 2020, đại diện Nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị, trong bối cảnh bình thường mới, Việt Nam cần xử lý tốt một số vướng mắc chính sách, tư duy phát triển để khơi thông dòng vốn chuyên nghiệp chảy vào doanh nghiệp.
Kiến nghị đầu tiên của Nhóm công tác thị trường vốn là về ngành nghề quy định hạn chế sở hữu nước ngoài. Theo đó, đối với ngành nghề mà điều ước quốc tế/pháp luật không hạn chế sở hữu nước ngoài, Nhóm đề xuất áp dụng tỷ lệ sở hữu 100% so với tỷ lệ hiện tại là 49%. So sánh với quy định hiện hành như hướng dẫn ở trên, có thể thấy, pháp luật không tự nới room lên 100% cho doanh nghiệp, mà quyền quyết định về room phải được quy định trong Điều lệ công ty và do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Nhóm công tác cũng cho rằng, điều kiện để một tổ chức kinh tế được coi là nhà đầu tư nước ngoài cần được làm rõ theo hướng, khi tổ chức có trên 50% vốn nước ngoài trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm và có 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu của 1 nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.
So sánh với hướng dẫn trên có thể thấy, quy định hiện hành yêu cầu một doanh nghiệp, một quỹ đăng ký mã số giao dịch (khi sở hữu nước ngoài từ 50% trở lên) căn cứ trên danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông, nhà đầu tư tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc Đại hội nhà đầu tư thường niên. Ngoài ra, không có điều kiện khác.
Về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng, Nhóm một lần nữa nêu kiến nghị nên nới lên mức mới, cụ thể là 40-49%, thay vì 30% như hiện nay. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không cần kiểm soát đặc biệt, để tăng số lượng cổ phần lưu hành trên TTCK.
Hướng dẫn doanh nghiệp thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đaLiên quan đến việc thực hiện các quy định về sở hữu nước ngoài (SHNN) trên TTCK, UBCK hướng dẫn như sau: Theo quy định tại Điều 141 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP; đồng thời tuân thủ thời hạn thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ SHNN tối đa như sau: - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày UBCK xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. - Trường hợp công ty đại chúng chưa thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty phải thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trước khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, chuyển niêm yết, đăng ký giao dịch, chào bán, phát hành chứng khoán, cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng. - Công ty đại chúng phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra một trong các sự kiện sau: (i) Thay đổi ngành, nghề đầu tư kinh doanh dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty; (ii) Quy định pháp luật về sở hữu nước ngoài đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh công ty đang hoạt động có sự thay đổi; (iii) Điều lệ công ty có quy định thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Trên cơ sở quy định trên, UBCK lưu ý các công ty đại chúng chủ động thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ SHNN tối đa, không ảnh hưởng đến hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, chào bán, phát hành chứng khoán. |
Bình luận